Nhìn lại lịch sử Windows Phone, một thất bại… vẻ vang!

Cuối tuần qua, Microsoft đã chính thức công bố: hệ điều hành Windows Phone đã chết. Sẽ không có thêm sự phát triển nào nữa, không có một cú trở lại ngoạn mục nào của Windows 10 Mobile nữa, cũng không có chút nỗ lực nào để cạnh tranh với iOS hay Android nữa.

Microsoft mới, do Satya Nadella lãnh đạo, thích sự hợp tác hơn là cạnh tranh – hay ít nhất đó là lựa chọn cho thấy công ty đã chào thua trong mảnh đất hệ điều hành di động.

Tuy nhiên, theo The Verge, thất bại của Windows Phone khiến mọi người không nhìn ra được những thành công và cải tiến, mà Microsoft và các đối tác phần cứng cũng chưa bao giờ nhận được đủ sự ngợi khen. Từ khi ra mắt vào năm 2010, Windows Phone là hệ điều hành "cứng" nhất và đúng nhất với những gì mà một chiếc smartphone có thể làm, sau khi Apple giới thiệu iPhone trước đó 3 năm. Không như Android, Windows Phone không phải là sự sáng tạo lại thiết kế biểu tượng như iOS; cũng không như Android, Windows Phone chạy nhanh và mượt trên mọi phần cứng cơ bản nhất.

Hãy nhìn lại những chặng đường đã qua của Windows Phone.

Tháng 10/2010: Một hệ điều hành điện thoại khác biệt ra đời

Cách đây chính xác là 7 năm rồi, vào ngày 11/10/2010, chuyên gia công nghệ Stephen Fry đã đứng trước nhiều khán giả ở Luân Đôn và tuyên bố hệ điều hành Windows Phone mới. Là một người khá thích iPhone từ lâu, Fry chỉ hơi phấn khích với những gì Windows Phone mang lại. Nhưng anh có lý do để nhiệt tình với Windows Phone: Windows Phone đầu tiên rất khác biệt và đi trước thời đại ở một số khía cạnh.

Nhìn lại lịch sử Windows Phone, một thất bại… vẻ vang!

Giao diện gọn gàng của WP7 đã đi trước cả triệu dặm so với iPhone của Apple và những nỗ lực copy của Samsung. Nếu iPhone cung cấp những biểu tượng tĩnh, Windows Phone đã mang đến các ô (tile) với thông tin trực tiếp: chẳng hạn ứng dụng lịch trên Windows Phone luôn nổi bật cuộc hẹn tiếp theo của bạn, ứng dụng điện thoại với cuộc gọi nhỡ cuối cùng, v.v. Khi bạn nhìn vào các giao diện như BlinkFeed của HTC hay Google Now, với các thông tin liên quan hiện ra, thiết kế đó chính là lấy cảm hứng từ những gì Microsoft đã làm với Windows Phone. Hoặc, ít nhất, những gì mà Microsoft hình dung ra.

Chúng ta thật dễ dàng quên đi cách mà Windows Phone phản ứng nhanh và nhạy như thế nào so với Android. Bàn phím trên màn hình của Microsoft cũng vượt trội hơn rất nhiều. Và nếu bạn muốn nói về sự thanh lịch trong phần thông báo cũng như những thông tin hữu ích trên màn hình khóa, bạn phải nói về giải pháp của Microsoft. Windows Phone chính là sự cân bằng của iPhone - chủ yếu vì Microsoft đã áp dụng phương pháp tiếp cận giống như Apple để kiểm soát chặt chẽ trải nghiệm người dùng trên tất cả các thiết bị và nhà sản xuất.

Tháng 11/2011: Một cuộc cách mạng trong thiết kế

Sự đóng góp của hệ sinh thái Windows Phone vào thiết kế điện thoại thông minh chưa bao giờ được công nhận một cách chính xác. Windows Phone ra mắt với một số sản phẩm tuyệt vời và thực sự độc đáo như Samsung Omnia 7 với màn hình OLED 4 inch, Dell Venue Pro với bàn phím trượt và HTC 7 Surround với loa tích hợp và chân đế. Nhưng đến năm sau, khi HTC giới thiệu Windows Phone 8X và 8S, Nokia ra mắt Lumia 800, Windows Phone đã thực sự đi trước mọi thiết kế.

Nhìn lại lịch sử Windows Phone, một thất bại… vẻ vang!

Đây thực sự là những thiết kế điện thoại đẹp và sáng tạo nhất lúc đó. Nokia đã có một thiết kế Nokia N9 đáng yêu, nhưng không chỉ thế, thực tế là vào thời điểm cuối năm 2011, Windows Phone đã có một số phần cứng tốt nhất. iPhone 4S lúc đó rất hay, nhưng lại vẫn là thiết kế của năm trước và có màn hình nhỏ hơn.

Microsoft đã có thể tung ra Windows Phone 7 với những thiết kế khác biệt với tất cả các hãng sản xuất điện thoại toàn cầu. Một năm sau, tiếp nối những mẫu thiết kế tốt nhất của Nokia và HTC, Nokia đã đặt cược toàn bộ tương lai của mình trên Windows Phone, HTC cũng đã đầu tư rất lớn vào việc sản xuất Windows Phone 8X và 8S. Đây là thời điểm quan trọng đối với hệ điều hành di động nói chung, bởi vì sự thất bại của những chiếc điện thoại này trong nỗ lực phá vỡ sự thống trị của iPhone và Android, đã dẫn đến sự mất mát niềm tin vào các đối tác phần cứng của Microsoft.

Tháng 7/2013: Nhảy vọt về camera điện thoại

Windows Phone thực sự đã làm nên bước nhảy vọt trong công nghệ máy ảnh trên điện thoại, nhờ vào sự có mặt của Lumia 1020. Lumia 1020 là một phiên bản chính thống của Nokia 808 PureView nặng nề chạy Symbian. Cả hai điện thoại đều có cảm biến camera 41 megapixel và cả hai đều đánh dấu sự tiến bộ đáng kể trong hình ảnh di động.

Windows Phone có nhiều vấn đề, và chúng đã làm hỏng cơ hội thành công, nhưng các khía cạnh phần cứng thiết yếu thực sự tốt, chụp ảnh tuyệt vời và tuổi thọ pin đáng tin cậy, hiếm khi gặp trục trặc.

Nhìn lại lịch sử Windows Phone, một thất bại… vẻ vang!

Tháng 8/2013: Youtube không lên nổi Windows Phone

Nếu bạn đang băn khoăn tại sao mọi nỗ lực vất vả của Microsoft về Windows Phone đều không có kết quả, câu trả lời nằm ở sự thất bại lâu dài của nền tảng này trong việc thu hút các nhà phát triển ứng dụng của bên thứ ba. Mỗi lần Nokia tung ra một điện thoại Windows Phone mới, hãng luôn phải né tránh câu hỏi về việc khi nào sẽ có ứng dụng Instagram. Ngay cả khi Microsoft đánh bại Google trong việc cung cấp trải nghiệm ứng dụng của bên thứ nhất mượt mà hơn, Google cũng vẫn giành chiến thắng vì có các ứng dụng thiết yếu hơn và hệ sinh thái của bên thứ ba phong phú hơn. Nếu Bing của Microsoft vượt trội hơn so với tìm kiếm của Google, nếu Hotmail vẫn duy trì phong độ nổi tiếng và Internet Explorer vẫn là trình duyệt web ưu thế, chắc chắn Android sẽ là hệ điều hành sụp đổ, chứ không phải Windows Phone.

Có lẽ mất mát ứng dụng lớn nhất của Microsoft là YouTube, và đó không phải là tai nạn. Ngược lại, có hẳn một lịch sử thù địch giữa Google và Microsoft đối với sự hiện diện của YouTube trên Windows Phone. Cuối cùng, Google không muốn Windows Phone có cơ hội trở thành đối thủ hợp pháp của Android. Hầu hết người dùng internet trên điện thoại di động và YouTube chiếm một phần rất lớn thời gian, vì vậy, bất kỳ nền tảng nào thiếu ứng dụng YouTube đều gặp nhiều bất lợi.

Tháng 4/2014: thâu tóm Nokia

Năm 2014, Windows Phone gần như không có tin tức nào tốt lành. Từng xa lánh HTC và Samsung để ủng hộ Nokia, Microsoft đã bắn viên đạn cuối cùng, mua lại nhà sản xuất điện thoại Phần Lan. Tiếp theo là một loạt các nỗ lực đổi thương hiệu và định vị lại, những logo đầu tiên của Microsoft được khắc nổi trên smartphone Nokia. Nhưng Microsoft vẫn không thể thay đổi được gì việc quỹ ứng dụng quá ít ỏi, và hãng chỉ tiếp tục cố gắng đầu tư vào thế mạnh hình ảnh và thiết kế của Nokia. Nhưng rồi, các nhà sản xuất Android như Samsung cuối cùng đã nhận thức ra tầm quan trọng của những yếu tố đó, và họ đã vượt qua Nokia trong trò chơi của riêng mình.

Nhìn lại lịch sử Windows Phone, một thất bại… vẻ vang!

Một trong những vấn đề quan trọng của Microsoft trước khi tiếp quản Nokia là sự xung đột về các chiến lược ưu tiên. Microsoft nhắm đến mục tiêu iPhone, trong khi Nokia lại quan tâm đến việc cải thiện hiệu suất và nguồn lực hiệu quả để đưa điện thoại Windows xuống mức giá thấp hơn. Nokia cố gắng tận dụng sự phát triển nhanh chóng của thị trường Ấn Độ và các nước của tiểu vùng châu Á, trong khi Microsoft lại nghĩ đến những cách chống lại đối thủ lâu đời nhất. Như vậy, Nokia và Microsoft đã tiến tới các mục tiêu khác nhau.

Tháng 8/2015: thị phần 2,5%

Điều gì đã xảy ra trong ba năm kể từ khi Microsoft mua lại Nokia? Vâng, vào năm 2015 thị trường điện thoại thông minh đã được xác nhận là cuộc chơi của iPhone và Android. Microsoft chỉ có 2,5% thị phần, và sau đó, cứ giảm dần. Cuối cùng, Windows Phone đã phải giương cờ trắng vào cuối năm 2014.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta nhìn lại toàn bộ hoạt động kinh doanh cũng như những nỗ lực không thành của Microsoft trong cuộc chiến với Apple và Google, chúng ta không nên lãng quên những di sản tích cực mà Windows Phone đã để lại. Ngành công nghiệp di động có thể sẽ nghèo nàn hơn nhiều nếu không có nguồn tài nguyên đáng kể mà Microsoft và các đối tác của họ đã tạo dựng nên. Windows Phone nên được ghi nhớ là một trong những thất bại tốt nhất, vẻ vang nhất của ngành công nghiệp kỹ thuật số.

Hoàng Lan
Nguồn VnReview