Cuộc đua xe điện đang diễn ra ngay tại Đông Nam Á

Không muốn chậm chân trong cuộc cách mạng công nghệ vận tải tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á đang đẩy nhanh cuộc đua xe điện nhằm trở thành trung tâm sản xuất của khu vực.

Khát vọng xe điện

Indonesia, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á, đã công bố kế hoạch ngừng bán xe sử dụng xăng và dầu diesel vào năm 2040. Nội các của Tổng thống Joko Widodo đang soạn thảo chính sách nhằm giảm mức thuế nhằm vào các mặt hàng xa xỉ đối với các loại xe sử dụng năng lượng điện nhập khẩu từ 50% hiện tại xuống 5% vào đầu năm tới. Tuy nhiên, miễn trừ này chỉ áp dụng với những hãng sản xuất xe điện có kế hoạch dài hạn nhằm sản xuất loại phương tiện này ở chính Indonesia.

Ở Philippines, Thượng viện đang xem xét dự luật miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với các hoạt động kinh doanh xe điện sử dụng pin hoặc xe lai được trang bị cả động cơ điện và động cơ đốt trong. Ngoài ra, thuế cũng được miễn với những loại xe lai sử dụng pin với phạm vi hoạt động tối thiểu là 30 km cho mỗi lần sạc điện.

Không nằm ngoài cuộc chơi, Thái Lan cũng đang theo đuổi kế hoạch của riêng mình. Với các doanh nghiệp quốc nội sản xuất xe điện, Thái Lan quyết định miễn thuế doanh nghiệp trong 8 năm. Đối với các doanh nghiệp sản xuất dòng xe lai, thời gian miễn thuế là 3 năm. Thời gian miễn thuế cũng sẽ được nâng lên 10 năm và 6 năm nếu các bộ phận chính như pin và động cơ được sản xuất trong nước. Máy móc dùng để sản xuất dòng phương tiện này sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Cuộc đua xe điện đang diễn ra ngay tại Đông Nam Á

Trên giấy tờ, Thái Lan dường như dẫn đầu trong cuộc đua. Hiện tại, quốc gia này đang sở hữu công nghệ sản xuất ô tô tiên tiến nhất Đông Nam Á với công suất 3,7 triệu xe/năm. Đứng ngay sau đó là Indonesia với 2,2 triệu xe/năm và Malaysia với 950.000 xe/năm. Năm 2016, Thái Lan sản xuất gần 2 triệu chiếc xe hơi. Số thương hiệu ô tô và các nhà cung ứng linh kiện hoạt động ở Thái Lan nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển xe điện sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chiến lược của ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất tại Thái Lan là Toyota, Isuzu và Honda. Đáng buồn, không công ty nào trong số 3 cái tên này nghĩ tới sản xuất xe điện ở Thái Lan. Toyota và Honda đang có kế hoạch đầu tư sản xuất loại ô tô dùng cả động cơ điện và động cơ đốt trong ở Thái Lan khi hạn chót ưu đãi của chính phủ là cuối năm.

Sự miễn cưỡng của các nhà sản xuất cho thấy họ không thực sự đánh cược vào xe điện, tương đồng với nhận định của chính phủ Nhật Bản cho rằng dòng xe lai sẽ trở nên phổ dụng với tiềm năng của khí hydro như nguồn năng lượng sơ cấp cho xe. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á không cùng chia sẻ quan điểm đó. Họ muốn hướng trọng tâm tới xe điện, loại phương tiện mà Tesla của Elon Musk đang khiến cả thế giới ao ước.

Sự xuất hiện của Trung Quốc

Thái Lan và Malaysia đều đang muốn đi theo con đường hút đầu tư vào sản xuất trong nước. Tuy nhiên, sự khuyến khích không đảm bảo thành công. Malaysia đã phải ngừng đánh thuế xe điện năm 2014 sau khi thất bại trong việc khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào xe điện. Trong chuyến thăm trụ sở Tesla năm 2016, Thủ tướng Najib Razak đã tuyên bố miễn thuế nhập khẩu với 100 chiếc xe điện của Tesla nhưng kế hoạch này cũng đã bị bỏ rơi.

Thay vào đó, Chính phủ Malaysia muốn làm việc trực tiếp với từng nhà sản xuất để dành riêng cho họ ưu đãi. Tập đoàn công nghiệp ô tô Bắc Kinh, nhà sản xuất xe điện lớn thứ 2 tại Trung Quốc, dường như là một trong những đối tác. Công ty này cho ra mắt mẫu xe điện đầu tiên cho thị trường Malaysia mang tên EV200 vào tháng 11 năm ngoái. Chiếc xe có phạm vi hoạt động dự kiến là 200 km, sẽ được bán sớm nhất vào năm 2018.

Cuộc đua xe điện đang diễn ra ngay tại Đông Nam Á

Malaysia cũng đang được hưởng lợi từ việc bán 49,9% cổ phần của nhà sản xuất ô tô nội địa Proton Holdings cho Zhejiang Geely, Tập đoàn Trung Quốc đang sở hữu thương hiệu Volvo. Mối quan hệ hợp tác này giúp phía Malaysia có thể tiếp cận với các sản phẩm và công nghệ của Geely, bao gồm cả Emgrand EV300, mẫu xe điện bán chạy nhất tại thị trường Trung Quốc.

Hợp tác với các công ty Trung Quốc còn mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất pin hàng đầu thế giới. Theo Viện nghiên cứu Yano của Nhật Bảm, Trung Quốc đang kiểm soát 75% thị trường toàn cầu về các giải pháp điện giải, thành phần chính của pin lithium-ion, loại pin được sử dụng cho điện thoại, xe điện khắp thế giới.

Có nhiều tiềm năng để thúc đẩy sự hợp tác giữa Malaysia và Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ sáp nhập phụ thuộc vào sự hấp dẫn của các sản phẩm thương hiệu Trung Quốc với người tiêu dùng Malaysia. Thị phần của Proton ở quốc gia này đã giảm đáng kể xuống 14% so với 32% vào hơn một thập kỉ trước và 64% vào năm 1996.

Những tác động tới tương lai xe điện ở Đông Nam Á

Nếu nói đến thị hiếu khách hàng, có hai thương hiệu xe điện trong khu vực được hưởng lợi là Chevrolet và Nissan. Tháng trước, Nissan công bố mẫu xe điện thế hệ thứ 2 mang tên Leaf nhằm thay thế cho phiên bản trước. Chiếc xe mới sẽ có phạm vi hoạt động 241 km và cạnh tranh với xe điện Chevrolet's Bolt EV và Tesla's Model 3. Đây có thể là mẫu xe đầu tiên được sản xuất và tiêu thụ ở Đông Nam Á.

Liên minh giữa Nissan với Mitsubishi và Renault sẽ mang đến nhiều lợi ích cho xe điện thông qua việc mua bán, sáp nhập cũng như kết hợp công nghệ và nền tảng. Mitsubishi có chỗ đứng vững chắc ở Đông Nam Á và mới mở một nhà máy sản xuất trị giá 565 triệu USD ở Indonesia, với khả năng tạo ra 160.000 xe/năm, tương đương 27% năng lực sản xuất ô tô trong khu vực.

Hơn nữa, cuộc đua giữa các nước Đông Nam Á trong việc thu hút đầu tư vào xe điện sẽ được quyết định bởi nhu cầu của người dùng, những người sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng để phục vụ xe điện, trong đó quan trọng nhất là các trạm sạc, cũng sẽ đóng vai trò then chốt. Trong lĩnh vực này, Thái Lan và Malaysia đang dẫn đầu.

Linh Anh / Nikkei
Nguồn Trí thức trẻ