Hàng không Việt Nam đang cất cánh
Gần như chỉ qua 1 đêm, du lịch hàng không nội địa trở thành một lựa chọn phải chăng cho nhiều người Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm của ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành của Vina Capital, đăng trên tờ Financial Times.
Với đường bờ biển dài như bờ Đông của nước Mỹ, Việt Nam luôn đặt ra một thách thức cho các du khách: Khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại TP.HCM là 1.150km. Khách du lịch có thể đi bằng tàu lửa trong 38 giờ và thậm chí còn lâu hơn bằng xe buýt.
Nhưng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và tầng lớp trung lưu đang tăng lên đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không theo những cách mà ít ai mong đợi từ một nước đang phát triển.
Cho đến cách đây vài năm, khách du lịch Việt Nam, kể cả khách du lịch nước ngoài, thường là phải sử dụng Vietnam Airlines (UpCom: HVN), hãng hàng không quốc gia, vốn đã thống trị cả về thị trường trong và ngoài nước.
Với ít cạnh tranh, mức giá mà Vietnam Airlines đưa ra là không phải chăng một chút nào với hầu hết khách du lịch trong nước. Trong năm 2007, Vietnam Airlines thành lập một liên doanh với Qantas gọi là Jetstar Pacific, một hãng hàng không giá rẻ chủ yếu bay các tuyến nội địa, nhưng liên doanh này chỉ mang lại chút ít thành công.
VietJet (Hose: VJC) là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam khi nó được thành lập vào năm 2007 và đã trải qua sự tăng trưởng vượt bậc. VJC đã phát triển từ một chiếc máy bay và hai tuyến bay nội địa trong năm 2011 đến 40 chuyến bay (và 182 chuyến bay bổ sung) và 36 tuyến ở Việt Nam và 17 tuyến quốc tế, bao gồm Thái Lan, Singapore và Trung Quốc. VietJet sẽ đặt mục tiêu 45 tuyến nội địa vào năm 2019 và 36 quốc tế vào năm 2018.
Cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines và Jetstar, VietJet đã chiếm 43% thị phần hàng không nội địa. Thành công của nó là nhờ đội tàu hiện đại, tiếp thị thông minh, giá vé thấp và chi phí thấp - chi phí đơn vị của VJC thuộc vào loại thấp nhất trên thế giới.
Gần như là chỉ qua 1 đêm, du lịch hàng không nội địa trở thành một lựa chọn phải chăng cho nhiều người Việt Nam. Bình thường, một người đi tàu hỏa mất 38 giờ để đi lại giữa Hà Nội và TP.HCM. Giờ đây, họ chỉ mất hai tiếng đồng hồ bằng máy bay, giá vé là gần bằng với giá vé tàu hỏa và an toàn hơn nhiều so với xe buýt.
Với sự cạnh tranh ngày càng tăng, Vietnam Airlines gần đây đã tăng cường hoạt động của mình.
Trong khi đó, Air Asia cũng muốn gia nhập thị trường hàng không nội địa ở Việt Nam thông qua liên doanh với một đối tác địa phương.
Bên cạnh sự gia tăng số lượng khách du lịch trong nước, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày một đông đảo. Lượng khách du lịch quốc tế đã vượt qua con số 10 triệu vào năm 2016 (tăng 26%) so với năm 2015 và năm 2017 có thể chứng kiến lượng khách vượt kỷ lục đó, khi mà đã có 8,5 triệu lượt người đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, tăng gần 130% so với năm ngoái cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Sự gia tăng này cũng làm lợi cho các công ty khác chứ không chỉ các hãng hàng không. Có lẽ người thụ hưởng lớn nhất là Tổng công ty Hàng Không Việt Nam (HOSE: ACV), hiện đang điều hành 22 sân bay của cả nước. ACV thu các loại phí (như an ninh sân bay, hành khách, hạ cánh và cất cánh) và thuê không gian bán lẻ trong các sân bay.
Vốn hóa thị trường của ACV khoảng xấp xỉ 6,7 tỷ USD, và sẽ là một trong 5 công ty có vốn hóa đứng đầu trong chỉ số VN Index của Việt Nam khi nó chuyển sang Thị trường chứng khoán Hồ Chí Minh vào cuối năm nay. Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường của VietJet là khoảng 2,2 tỷ USD. Trong khi VietJet kiếm được nhiều tiền từ tuyến nội địa thì ACV lại kiếm được nhiều tiền hơn từ các chuyến bay quốc tế, nơi mà các hãng hàng không và hành khách phải trả phí cao hơn (mặc dù lệ phí trong nước dự kiến sẽ tăng dần từ tháng này).
Một trong những thách thức lớn nhất đối với VietJet và ACV là năng lực hệ thống. Các sân bay chính của Việt Nam đang bị tắc nghẽn và đòi hỏi phải được mở rộng, và các hệ thống kiểm soát không lưu cần phải hiện đại hóa - tất cả những điều này sẽ đòi hỏi đầu tư rất lớn.
Bất chấp điều này, cổ phiếu của cả 2 công ty đều đã tăng mạnh: VietJet đã tăng 44% kể từ sau đợt IPO vào tháng 12.2016 và ACV đã tăng 99% kể từ khi được niêm yết vào tháng 11 năm 2016. Chìa khoá thành công của họ là quản lý tăng trưởng, tạo ra lợi nhuận và đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ngành hàng không Việt Nam là một ví dụ điển hình của nhiều ngành được hưởng lợi từ sự tăng trưởng to lớn của đất nước. Người Việt Nam háo hức muốn chi tiêu nhiều hơn để chi tiêu cho đất nước mình cũng như trong khu vực rộng lớn hơn, và cải thiện cuộc sống của họ.
Khi nhiều hãng hàng không giá rẻ gia nhập vào thị trường, giá du lịch sẽ tiếp tục giảm, cho phép nhiều người Việt Nam đi du lịch hơn. Nhưng với việc sớm gia nhập thị trường cùng với thương hiệu và một đội ngũ quản lý giàu năng lực, VietJet sẽ có cơ sở vững chắc để duy trì vị trí dẫn đầu của mình.
Hoàng Phương / Financial Times
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư