Đường tới số 1 của Thaco

Những bước đi đầu tiên trên vùng cát trắng Chu Lai của “người khổng lồ” Thaco và hành trình đến số 1 ngành ô tô đã là một câu chuyện đầy thú vị. Tuy vậy, Thaco không dừng lại và tiếp tục cuộc phiêu lưu với chặng đua mới đẳng cấp hơn.

Chỉ một tuần sau khi Tập đoànVingroup bắt tay với những công ty hàng đầu nước Đức để khởi công Nhà máy sản xuất ô tô VINFAST, Tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới BMW đã bày tỏ ý định chọn Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) là đối tác nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Đức. Chiến thắng trong cuộc đua trở thành nhà phân phối của BMW đã mở ra cho Thaco một cơ hội mới để nâng vị thế “bá chủ” ngành ô tô Việt.

Từ nhập khẩu ô tô cũ đến nhà sản xuất số 1 Việt Nam

Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) được thành lập năm 1997 bởi kỹ sư cơ khí Trần Bá Dương. Thời điểm khởi nghiệp của Thaco cũng chính là giai đoạn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu hình thành. Khi mới thành lập, hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp ra thị trường, đồng thời cung cấp các vật tư, phụ tùng cho việc sửa chữa ô tô.

Năm 2001, Thaco tiến hành đầu tư một nhà máy lắp ráp ô tô tại khu Công nghiệp Biên Hòa 2. Dây chuyền sản xuất và công nghệ do Tập đoàn Kia Motors (Hàn Quốc) chuyển giao, các sản phẩm được sản xuất lắp ráp là xe tải nhẹ và xe bus mang thương hiệu Kia. Tháng 9/2001, sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng mang tên Thaco đã được thị trường chấp nhận và luôn kín đơn đặt hàng. Với tham vọng phải phát triển quy mô sản xuất đủ lớn để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như: Toyota, Mitsubishi, Honda... năm 2003 chính là bước ngoặt của Thaco khi quyết định hy sinh, từ bỏ những gì vừa xây dựng ở Biên Hòa để dời nhà máy về Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai - Trường Hải chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2003.

Đường tới số 1 của Thaco

Ông Trần Bá Dương.

Quyết định đầu tư vào Chu Lai của Thaco được đưa ra vào thời điểm những chính sách mới để phát triển vùng đất nghèo của miền Trung lúc đó vừa mới “cựa mình” đã cùng lúc đem lại cho Thaco nhiều lợi thế. Thaco được hưởng nhiều ưu đãi thuế mà ít doanh nghiệp có được (5% cho 9 năm hoạt động đầu tiên từ 2004-2012 và 10% cho 15 năm sau đó). Nhờ vậy, Thaco tiết kiệm được rất nhiều kinh phí và lại được tái đầu tư mở rộng quy mô. Cũng từ dải đất miền Trung đầy nắng và gió, sản phẩm của Thaco với chi phí rẻ hơn xe nhập khẩu đã nhanh chóng tỏa ra khắp cả nước, nhất là hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Thaco cũng là hãng ô tô duy nhất tại Việt Nam đầu tư từ sản xuất linh kiện, phụ tùng đến cung cấp tốt các dịch vụ bán hàng, hậu mãi và thậm chí cả logistics với hệ thống cảng và đội tàu vận tải.

Thaco tiếp tục tập trung sản xuất xe tải, xe bus. Với việc sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50%, một loạt sản phẩm hợp tác của Thaco với hai đối tác Hyundai, Kia đã nghiễm nhiên được gắn thương hiệu riêng Thaco. Chưa đầy một thập niên, Thaco đã trở thành một “ông kẹ” của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ở hai dòng xe tải và xe bus.

Năm 2007, Thaco tiếp tục tiến sang mở nhà máy sản xuất và lắp ráp các loại xe du lịch và hợp tác với ba thương hiệu: Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản) và Peugeot (Pháp). Thaco chọn cách đi “dễ làm trước, khó làm sau”. Sản xuất xe du lịch đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và phụ thuộc nhiều vào thị trường nên xe tải và xe bus đã được ông Trần Bá Dương chọn là điểm khởi đầu cho con đường sản xuất ô tô tại Việt Nam. Thaco hiện là doanh nghiệp ô tô Việt Nam duy nhất sản xuất và lắp ráp đầy đủ ba dòng xe: xe du lịch, xe tải và xe bus với tỉ lệ nội địa hóa từ 16 - 50%.

Đường tới số 1 của Thaco

Thaco đã trở thành một “ông kẹ” của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ở hai dòng xe tải và xe bus.

Năm 2013, trong khi nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản Toyota vẫn là cái tên dẫn đầu thị trường với thị phần 34,4% trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Thaco đứng thứ 2 với thị phần 29,3%. Tuy nhiên, Thaco đã soán ngôi Toyota trong năm 2014, khi vươn lên chiếm 31,7% thị phần khi Toyota chỉ còn 30,6%. Cũng trong năm 2014, Thaco đã chính thức gia nhập doanh nghiệp tỷ USD.

Đến năm 2015, cùng với sự thăng hoa của toàn ngành, Thaco tăng trưởng thần tốc, doanh số tăng đột biến từ 42.300 lên 80.400 xe, thị phần lên tới 38,6% và trở thành doanh nghiệp đứng đầu ngành ô tô Việt Nam. Với doanh số tăng 37% so với năm 2015, thị phần của Thaco tiếp tục dẫn đầu với 41,5% và năm 2016 cán mốc doanh thu 3 tỷ USD. Theo kế hoạch đặt ra, tổng doanh thu năm 2017 của Thaco sẽ tương đương năm 2016, đạt gần 64.000 tỷ đồng (khoảng 2,8 tỷ USD).

Với lợi thế nắm trong tay tới 3 thương hiệu ô tô du lịch lớn, Thaco đã và đang dần trở thành người nắm “quyền” điều tiết giá sản phẩm trên thị trường ô tô hiện nay. Chiến lược giảm giá đang được Thaco sử dụng một cách triệt để nhằm nâng cao số lượng sản phẩm bán ra, chiếm lĩnh thị phần. Chiến lược của hãng là lấy doanh số bù lợi nhuận trên mỗi xe, vì thế khi quy mô sản xuất càng tăng, hãng càng có cơ sở giảm giá bán. Thaco bắt đầu chiến lược này từ khoảng 2014, 2015 khi đều đều hàng tháng Kia và Mazda thay nhau giảm giá những mẫu xe có sức tiêu thụ kém hoặc tặng kèm các gói bảo hành, sửa chữa. Bước sang 2016, chiến lược giảm giá của Thaco là áp dụng vào những mẫu xe có doanh số bán chạy để đạt doanh số cao, tăng thị phần.

Ông Trần Bá Dương muốn biến Chu Lai thành trung tâm sản xuất linh kiện, phụ tùng và ô tô của ASEAN trong tương lai.

Chiến lược của Thaco đương nhiên tác động tới các doanh nghiệp khác như: Toyota, Hyundai, Honda, Ford... Các chương trình giảm giá, khuyến mại của các thương hiệu này lần lượt xuất hiện để giữ chân khách hàng. Và đương nhiên các hãng chiếm thị phần nhỏ như Chevrolet, Suzuki, Mitsubishi, Nissan cũng phải “theo” nếu không muốn “bỏ cuộc chơi”.

Năm 2018, thuế xe nhập khẩu từ ASEAN sẽ về 0% với điều kiện tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Đây là thời điểm cạnh tranh rất lớn giữa doanh nghiệp ô tô trong và ngoài nước và là một thách thức với Thaco, bởi tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe con của công ty mới chỉ đạt 32,7% trong khi Thái Lan đã vượt trên 60% còn Indonesia cũng trên 40%.

Trong khi VINFAST của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chủ trương sản xuất xe “mang thương hiệu Việt và giá Việt” cùng các linh kiện từng bước đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu thì Thaco của ông Trần Bá Dương lại muốn biến Chu Lai thành trung tâm sản xuất linh kiện, phụ tùng và ô tô của ASEAN trong tương lai. Mục tiêu mà Thaco theo đuổi là tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tiến tới xuất khẩu ngược sang các nước trong khu vực ASEAN và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Do vậy, việc thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% từ 2018 vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội, bởi nếu đạt nội địa hóa từ 40% trở lên Thaco cũng có thể xuất khẩu ngược ra ASEAN.

Tháng 3 năm nay, Thaco đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Thaco - Mazada với vốn đầu tư nửa tỷ USD. Năm 2017, Thaco đặt mục tiêu đưa sản lượng bán hàng của Mazda đến mốc 50.000 chiếc mỗi năm. Với sản lượng này, Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nhà máy để có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa vượt mức 40%, qua đó hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Khát vọng vươn ra biển lớn

Một trong những diễn biến gây ồn ào nhất trên thị trường ô tô trong tháng 9 năm nay là việc đổi ngôi nhà phân phối thương hiệu xe sang BMW, MINI Cooper tại Việt Nam. Tập đoàn BMW đã thể hiện ý định chọn Thaco là nhà nhập khẩu xe BMW và MINI Cooper tại thị trường Việt Nam kể từ ngày 1/1/2018. Nhiều dự đoán cho rằng, không chỉ phân phối BMW, tương lai không xa Thaco có thể tiến tới lắp ráp dòng xe sang trọng này tại Việt Nam.

Đường tới số 1 của Thaco

BMW đã chọn Thaco là nhà nhập khẩu xe BMW và MINI Cooper tại thị trường Việt Nam kể từ ngày 1/1/2018.

Thị trường xe sang Việt Nam hiện nay có sự góp mặt gần như đầy đủ tất cả các tên tuổi lớn trên thế giới, chủ yếu từ châu Âu. Trong đó, Mercedes là thương hiệu thống lĩnh thị trường xe sang với doanh số 4.401 xe, tăng trưởng 22% trong năm 2016, tiếp tục giữ hơn 50% thị phần xe sang tại Việt Nam. Những mẫu xe bán chạy đều lắp ráp, còn lại nhập khẩu. Thị phần của hãng ngôi sao ba cánh này đã tăng từ 50% lên hơn 70% trong quý I/2017. Trong khi đó cả ba thương hiệu xe sang khác là BMW, Lexus và Audi đều thuần nhập khẩu và doanh số còn một khoảng xa mới theo kịp Mercedes. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do giá xe Mercedes lắp ráp rẻ hơn các đối thủ nhập khẩu. Mercedes hiện là hãng xe sang duy nhất đang được lắp ráp tại Việt Nam, nắm lợi thế với nhiều chính sách ưu đãi như chênh lệch thuế suất giữa linh kiện (khoảng 30%) và nhập khẩu nguyên chiếc (70%).

Trong tương lai gần, Thaco sẽ chưa thể tiến tới lắp ráp BMW ngay khi mọi nguồn lực đang dồn cho nhà máy Mazda thứ hai tại Chu Lai (sẽ đi vào sản xuất từ tháng 4/2018) phục vụ mục đích xuất khẩu. Tuy nhiên, đích mà ông Dương ngắm đến luôn luôn là xe lắp ráp. Cũng vì lý do này mà Mazda và Kia là hai cái tên ông chọn để liên doanh từ những ngày đầu, bởi hai thương hiệu này chưa có nhà máy lớn ở khu vực Đông Nam Á, không bị cạnh tranh đồng thời có tương lai xuất khẩu. BMW sẽ không phải ngoại lệ.

Với các đề xuất thuế như hiện nay, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra trong nước của mỗi xe hay giảm thuế linh kiện về 0% nếu đạt sản lượng cao theo quy định, Thaco càng thêm cơ hội giảm tiếp giá xe. Đề xuất được áp dụng trong 5 năm 2018-2022 và đây sẽ là khoảng thời gian để hãng biến những toan tính thành hiện thực.

Việc tiếp quản quyền phân phối thương hiệu xe BMW không những giúp Thaco hoàn thành mảng ghép cuối cùng tại tất cả các phân khúc mà còn có thể là điểm tựa cho một cuộc cách mạng giá thứ hai như cách mà Thaco đã tạo dựng ở phân khúc phổ thông.

Hồ Mai
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp