Hàng Việt bị chê khi bao bì quá xấu, hoặc ăn cắp mẫu mã

Chất lượng quyết định sản phẩm. Nhưng sẽ chẳng có khách hàng nào tiếp cận được chất lượng, nếu bao bì không đem lại sự thiện cảm.

Tuy vậy hàng hóa Việt hiện nay vẫn bị chê tơi tả từ sân nhà tới sân khách khi bao bì quá xấu, hoặc… ăn cắp mẫu mã. Doanh nghiệp người thì không chú trọng, kẻ thì vẫn loay hoay với bài toán đổi mới bao bì.

Không hấp dẫn?

Chỉ cần dành một buổi, dạo quanh các chợ, hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng không khó để nhận ra bao bì sản phẩm Việt hiện nay bị lạc lõng với hàng ngoại nhập như thế nào.

"Không cần so sánh đâu xa, chỉ cần nhìn vào sản phẩm của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất, đã thấy khoảng cách rất xa về mẫu mã, bao bì", chị Vân Anh, nhân viên văn phòng Q.1, TP.HCM, đánh giá.

Theo chị Vân Anh, chỉ cần so sánh dòng bánh kem trứng sẽ thấy rất rõ, bao bì, hoa văn sản phẩm trong nước "na ná" sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam.

Chưa kể, hoa văn in không thực sự sắc sảo, chất liệu hộp giấy bên ngoài không sang trọng dẫn đến sự "lạnh nhạt" của người tiêu dùng với sản phẩm trong nước.

Hàng Việt bị chê khi bao bì quá xấu, hoặc ăn cắp mẫu mã

Nhiều sản phẩm hàng Việt trên kệ đang bị người tiêu dùng chê về mẫu mã, bao bì. Ảnh: Quang Định.

Tương tự, theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm hàng "nhãn riêng" của các đơn vị bán lẻ có mẫu mã tương đối…xấu. "Chai nước suối đôi khi bao bì ép nhiệt bị lỗi dẫn đến méo mó, không đọc được thông tin, nhìn khá luộm thuộm", Ngọc Anh (Q.10, TP.HCM) đánh giá.

Trong khi đó, bao bì sản phẩm của nhiều nước láng giềng lại cho thấy sự vượt trội. Đứng hồi lâu bên kệ hàng nông sản sấy khô tại một siêu thị ở Bangkok (Thái Lan), chủ một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Việt tham gia Hội chợ hàng Việt tại Thái phải thốt lên: "Tại sao họ làm đẹp vầy mà mình không thể nghĩ ra để làm?".

Tất cả những túi thực phẩm sấy khô của Thái được đóng gói cực kỳ sinh động và bắt mắt, thay vì mẫu mã truyền thống túi hình vuông, chữ nhật… họ thay bằng mô hình sản phẩm bên trong.

Xoài sấy khô sẽ có bao bì hình bầu dục, uốn lượn với hình ảnh trái xoài chín mọng, màu sắc tươi sáng nhưng không lòe loẹt, mãng cầu hay sầu riêng, đu đủ cũng được làm tương tự khiến cho sản phẩm hấp dẫn và có chỉ dẫn dễ dàng cho người mua.

Chuyên gia marketing Nguyễn Thế Tú (Hà Nội) kể rằng, ông thường xuyên đi công tác nước ngoài, chỉ cần để ý những sản phẩm được phục vụ trên máy bay cũng cho thấy sự khác biệt rất lớn về trình độ sản xuất bao bì cho các sản phẩm nhỏ và giá trị thấp so với sản phẩm cùng loại ở Việt Nam.

"Bạn chỉ cần bay chuyến bay giá rẻ của Thái Lan hay Philippines sẽ thấy, chai nước họ sản xuất với mẫu mã được vẽ cầu kì, tinh tế, thể hiện bản sắc văn hóa quốc gia. Dung tích cũng chỉ hơn 100ml, nắm vừa lòng bàn tay, rất xinh xắn, vừa vặn", ông Tú lấy ví dụ.

Hàng Việt bị chê khi bao bì quá xấu, hoặc ăn cắp mẫu mã

Bánh kẹo hàng Việt đã được doanh nghiệp đầu tư chăm chút bao bì sang trọng hơn. Ảnh: Quang Định.

Yếu do nhận thức

Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước thừa nhận, bao bì hàng Việt đang bị "thua" trắng ngay trên sân nhà, nhưng để cải thiện thì vẫn còn đang… tính toán. Cái khó muôn thuở của doanh nghiệp Việt vẫn là vốn và công nghệ, không dễ gì có thể giải được bài toán này.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, vốn và công nghệ chỉ là lý do thứ yếu, lý do chính vẫn nằm ở nhận thức của nhiều doanh nghiệp Việt về bao bì, nhãn mác. "Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay cứ nghĩ là chú trọng làm thật tốt khâu chất lượng, còn bao bì không quan trọng", ông Nguyễn Thế Tú đánh giá.

Theo phân tích của chuyên gia này, xu hướng tiêu dùng thay đổi từng ngày, nếu chỉ làm chất lượng tốt mà không chăm chút cho mẫu mã là "thua trắng".

"Điều đầu tiên khi tôi đi mua hàng là muốn mua một sản phẩm có thiện cảm, đó là điều chắc chắn. Khi có thiện cảm mới bắt đầu xem xét đến yếu tố nguồn gốc, đơn vị sản xuất… mới dẫn tới quyết định mua hàng.

Vì vậy có thể hiểu, mẫu mã, bao bì là yếu tố then chốt quyết định đến khả năng tiếp cận người tiêu dùng của sản phẩm", ông Tú khẳng định.

Bên cạnh đó, yếu tố thẩm mỹ, ý tưởng, khả năng sáng tạo trong sản xuất bao bì cũng không được chú trọng.

Rất nhiều sản phẩm Việt bị đánh giá không tinh tế trong sản xuất bao bì, có nhiều mẫu mã in hình không liên quan đến sản phẩm, hoặc khi thì đơn điệu, khi thì quá lòe loẹt gây mất thiện cảm với người tiêu dùng.

"Đã có lần tôi nhìn thấy mặt hàng xúc xích tại siêu thị in hình hai con heo lòe loẹt, đường in kém sắc nét và quá nhiều chi tiết chỉ khiến tôi ngán chứ không có nhu cầu ăn xúc xích", chị Thu Trang, người tiêu dùng đánh giá.

Vẫn còn nhiều điểm sáng

Bên cạnh thị trường bao bì chưa thực sự mạnh, vẫn có những doanh nghiệp giữ vững được thị phần nhờ bao bì. Nhiều nhóm hàng như bánh kẹo, nước trái cây, gạo, thực phẩm đóng hộp hay nhóm thực phẩm organic được người tiêu dùng đánh giá là có sự vượt trội về bao bì, tạo sự tin tưởng, an tâm hơn với người tiêu dùng.

Ông V.T, giám đốc doanh nghiệp bánh kẹo sản xuất trong nước cho biết, bánh kẹo Tết của doanh nghiệp Việt nhiều năm trước thường xuyên lép vế so với hàng nhập khẩu, đặc biệt là dòng bánh quy.

"Tuy nhiên, khoảng ba năm trở lại đây, chúng tôi tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng ý tưởng cho sản phẩm tiếp cận người dùng, đặc biệt là tập trung sản xuất bao bì thực sự sang trọng, có dấu ấn riêng".

Theo lý giải của ông T, mẫu mã hướng đến giá trị truyền thống, chất liệu hiện đại, dù chi phí cho bao bì lên tới 25% giá trị sản phẩm, tuy nhiên đã ổn định được thị phần, và sức tiêu thụ tăng bình quân 35% qua từng năm.

Tương tự, ông C.T, giám đốc công ty sản xuất trứng gia cầm cho hay, bao bì ngành thực phẩm tươi sống không quá cầu kỳ nhưng cần phải có sự khác biệt để nhận diện với sản phẩm cùng loại, nên sản phẩm của ông được chăm chút kỹ từ logo, màu sắc bao bì, chất liệu giấy, hộp mang đến sự nhận diện cho người tiêu dùng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh hơn cho sản phẩm.

Quang Đạt
Nguồn Tuổi Trẻ Online