Vì sao Sea mua Foody?

Những ngày qua, thông tin Sea mua cổ phần chi phối Foody lan tỏa khắp các phương tiện truyền thông. Theo website crunchbase, thương vụ này trị giá khoảng 64 triệu USD.

Năm 2013, giới kinh doanh bất ngờ trước thông tin ông Lý Quý Trung bán toàn bộ thương hiệu Phở 24 với giá 20 triệu USD sau gần 10 năm gầy dựng. Chưa đầy 4 năm sau, Foody Corporation (đơn vị sở hữu ứng dụng foody.vn), doanh nghiệp đi lên từ một trang mạng xã hội đánh giá các cửa hàng ẩm thực, bán gần hết cổ phần công ty với cái giá gấp 3 lần Phở 24. Cũng phải nói thêm Foody không sở hữu bất kỳ một quán ăn nào và chỉ mới hoạt động được gần 5 năm.

Theo thông tin có được, Sea cũng mua lại một công ty giao nhận thương mại điện tử ở Việt Nam là Giao Hàng Tiết Kiệm vào năm ngoái. Công ty từ chối bình luận về vấn đề này cũng như chia sẻ giá trị thương vụ.

Thế trận 722 triệu USD

Tiền thân của Sea là Garena (Singapore), một doanh nghiệp phát hành game trực tuyến, được biết đến là một trong những startup giá trị nhất của Đông Nam Á hiện nay.

Vì sao Sea mua Foody?Theo website crunchbase, tính đến nay, Sea đã qua 6 vòng huy động vốn với tổng số tiền là 722 triệu USD. Sea từng đầu tư 2 công ty Singapore là Redmart (startup đi siêu thị thuê - đã được Lazada Group mua lại), Vanitee (startup kết nối chuyên gia làm đẹp và người tiêu dùng), một công ty Việt Nam là Foody. Tháng 5 vừa qua, Sea làm dậy sóng thị trường Indonesia bằng cách huy động 500 triệu USD và tuyên bố sẽ dùng số tiền này đầu tư Shopee Indonesia để giành thị phần thương mại điện tử của Lazada.

Ở Việt Nam, Garena Việt Nam nổi tiếng với tựa game Fifa Online 3 và Liên Minh Huyền Thoại, sau này Garena đổi tên thành Vietnam Esport. Trong quá trình phát triển, Sea muốn trở thành một công ty internet thay vì chỉ phân phối game, mở rộng thêm mảng thương mại điện tử với Shopee và thanh toán trực tuyến là AirPay.

Ngoài Vietnam Esport dẫn đầu mảng game, Sea còn có các đại diện khác là AirPay, Ocha (ứng dụng quản lý nhà hàng) và Shopee Việt Nam. Nhưng có thể nói sau Vietnam Esport, Shopee Việt Nam là cái tên đang được chú ý nhất hiện nay.

Theo báo cáo của Sea gửi đến sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ), 3 tháng đầu năm 2017, có hơn 45 triệu đơn hàng phát sinh trên hệ thống Shopee (gồm 7 quốc gia là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và Việt Nam) tạo ra GMV (Gross merchandise value - tổng giá trị sản phẩm được bán ra) hơn 820 triệu USD.

Việt Nam chiếm từ 6-8% tổng lượng đặt hàng của Shopee, tức khoảng 2,7-3,6 triệu đơn hàng mỗi tháng, tương đương 30.000 đơn hàng/ngày. Con số được cho là bám sát Lazada Việt Nam. Cũng phải nói thêm, Shopee Việt Nam chỉ mới hoạt động ở Việt Nam hơn 2 năm, trong khi Lazada được xem như một cựu binh, tham gia thị trường từ năm 2012.

Foody đáng giá 60 triệu USD?

Sở hữu Shopee Việt Nam và mua cả công ty giao nhận để củng cố thêm hệ sinh thái, việc Sea mua cổ phần chi phối Foody quả là điều bất ngờ. Bởi mặc dù Foody đã mở rộng sang Thái Lan và Indonesia, nhưng theo nhà sáng lập Đặng Hoàng Minh, Foody vẫn cần vài năm để phát triển như Việt Nam.

Vì sao Sea mua Foody?

Cũng phải nói thêm, bản thân Sea cũng là nhà đầu tư vào Foody ở vòng Series B vào năm 2015 trước khi Tiger Global Management (Mỹ) vào. Trước hết, hãy nhìn vào tham vọng của Sea ở Đông Nam Á. Theo ông Nick Nash, Chủ tịch Tập đoàn từ thời còn là Garena, cho rằng họ luôn định nghĩa mình là một công ty nền tảng internet hướng tới người dùng cuối với 3 thành phần chính là nội dung kỹ thuật số, thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến. Ở Trung Quốc, 3 công ty dẫn đầu 3 mô hình này lại là 3 công ty riêng biệt gồm Tencent, Alibaba và Alipay. “Chúng tôi tự hào tích hợp cả 3 dịch vụ vào một công ty duy nhất ở tầm khu vực”, ông Nash chia sẻ với trang Digital News Asia.

Việc mua Foody để mở rộng hệ sinh thái và cả người sử dụng internet của Sea ở Việt Nam. Foody được thành lập vào năm 2012, là mạng xã hội chuyên cung cấp các đánh giá về quán ăn ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Bắt đầu với phiên bản web, Foody được nhanh chóng chuyển hẳn sang ứng dụng di động để tạo sự khác biệt. Yếu tố này giúp Foody lọt vào mắt xanh Sea và Tiger Global Management vì cả hai lúc này đang tìm kiếm startup trong lĩnh vực di động.

Khoảng 2 năm trở lại đây Foody được phân chia lại với các mục đích riêng biệt như đánh giá, khám phá quán ăn với Foody.vn, đặt bàn với TableNow và giao hàng với Now. Bên cạnh đó, Foody còn cung cấp phần mềm quản lý nhà hàng với FoodyPOS, nhưng nhóm này không nhiều. Tất cả đang đem lại cho Công ty 8 triệu người sử dụng hằng tháng. Gần đây nhất, Now được cập nhật thêm các tính năng như đặt món ăn, mua mỹ phẩm, chọn dịch vụ giặt đồ và thậm chí là thuê người giúp việc theo giờ ở TP.HCM. Theo đó, Now đóng vai trò là nền tảng kết nối giữa người sử dụng Foody với các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Tỉ lệ thanh toán trực tuyến trên Foody khá cao, đạt hơn 60%.

Hiện Now có khoảng 500 nhân viên, đáp ứng gần 10.000 đơn hàng/ngày. Foody thu về từ 10-20% giá trị trên mỗi đơn hàng. Với TableNow, công ty thu một khoản phí hoa hồng trên tổng giá trị hóa đơn phát sinh của các bàn được khách đặt bằng cách cấn trừ vào tài khoản ứng trước của các nhà hàng tham gia. Hiện có khoảng 1.000 nhà hàng tham gia.

Thứ đến, Sea muốn phát triển mảng thanh toán trực tuyến như báo cáo gửi đến sàn Nasdaq. Trao đổi với phóng viên, ông Minh cho biết tỉ lệ thanh toán trực tuyến trên Foody khá cao, hơn 60%. Ông cho biết Công ty cũng đã thử nghiệm tính năng thanh toán trực tuyến dự kiến cuối năm nay sẽ đẩy mạnh. Tháng 9 vừa qua, khách hàng sử dụng dịch vụ giao hàng Now khi trả tiền bằng ví AirPay được miễn phí hoàn toàn phí dịch vụ và vận chuyển.

Một điều được nhiều người quan tâm là cái giá của Foody là cao hay thấp. Đại diện một quỹ đầu tư có trụ sở ở Singapore cho rằng rất khó đánh giá vì doanh thu của Foody đến nay chưa từng được công bố. Vị này cũng cho rằng để chuẩn bị cho việc IPO, các tài sản của Công ty cần được “chăm sóc”.

Lazada Việt Nam đang dẫn đầu trong mảng thương mại điện tử bán lẻ, nhưng các lĩnh vực khác rất ít dấu chân của doanh nghiệp này tham gia. Còn với Sea, mua lại Foody, khá nhiều sản phẩm thuộc về Công ty sẽ bao vây lấy người sử dụng internet Việt Nam từ chơi game, mua bán hàng hóa, ăn uống, giao nhận, thanh toán cho đến... thuê người giúp việc nhà.

Sea và các bên liên quan từ chối trao đổi thông tin vì các vấn đề trên, một đại diện của Công ty cho biết vì chính sách bảo mật thông tin trước thềm IPO. Điều này không mấy khó hiểu vì Sea đang dồn lực để trở thành công ty đầu tiên ở Đông Nam Á IPO trị giá 1 tỉ USD ở Mỹ.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư