Để mỹ phẩm Việt lên hương

Kinh doanh mỹ phẩm được coi là bán cảm xúc và những giấc mơ ngọt ngào. Việt Nam đang có thế mạnh, nhưng lại chưa biết khai thác triệt để…

Có một nghịch lý, không ít người Việt “chê” mỹ phẩm Việt Nam, nhưng trong mắt người nước ngoài, mỹ phẩm Việt thật sự đáng tin cậy. Việt Nam là thị trường mà các thương hiệu mỹ phẩm lớn của nước ngoài đều muốn nhảy vào vì người Việt Nam đang sẵn sàng chi tiêu cho việc làm đẹp.

Thiếu tự tin

Theo nhận định của ông Younki Cho, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển hãng mỹ phẩm ActivON (Hàn Quốc), doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế trong ngành sản xuất mỹ phẩm bởi hai yếu tố: người Việt đang ngày càng sử dụng nhiều mỹ phẩm và Việt Nam có rất nhiều nguyên liệu thiên nhiên để sản xuất mỹ phẩm từ thảo dược đang thịnh hành trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam thừa khả năng làm ra sản phẩm chất lượng tương đương Thái Lan, Hàn Quốc nhưng lại chưa biết cách tiếp thị hình ảnh mỹ phẩm Việt Nam trong khi thị trường đang có nhu cầu lớn.

Để mỹ phẩm Việt lên hương

Ông Younki Cho và cả bà Maria Fe Boo, Giám đốc Tiếp thị sản phẩm chăm sóc da của Công ty Lubrizol (Thái Lan), đều nhận thấy: khoảng 5 năm trở lại đây, người Việt Nam sử dụng mỹ phẩm nhiều hơn hẳn, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới đều dành một khoản chi tiêu nhất định cho những sản phẩm chăm sóc da, tóc và trang điểm. Ông Younki Cho nói rằng: “Việt Nam là thị trường mà các thương hiệu mỹ phẩm lớn của nước ngoài đều muốn nhảy vào vì khảo sát cho thấy, người Việt Nam đang sẵn sàng chi tiêu cho việc làm đẹp”. Với dân số gần gấp đôi Hàn Quốc, kinh tế đang phát triển, nhu cầu còn rất lớn… Việt Nam là một thị trường tiềm năng có thể đạt doanh thu gấp đôi Hàn Quốc. Hiện nay, mỗi năm thị trường mỹ phẩm Hàn Quốc đạt doanh thu khoảng 14.400 tỷ won (khoảng 265.000 tỷ đồng), ngoài ra còn xuất khẩu khoảng 760 triệu USD, trong khi Việt Nam mới đạt khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD).

Bà Lê Châu Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm Singapore kiêm Giám đốc Pháp chế của Johnson & Johnson Asia Pacific, cũng nhận xét: “Người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận rất nhanh những mỹ phẩm mới trên thế giới, nhất là hiện nay người Việt Nam du lịch nước ngoài ngày càng nhiều nên biết được xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm hàng năm. Thị trường Việt Nam trở thành “miếng bánh ngon” mà các hãng mỹ phẩm lớn nước ngoài đều muốn có phần. Thế nhưng, lối mòn trong tư duy của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm và nhà phân phối Việt Nam là luôn xem các nước khác đang thịnh hành những loại mỹ phẩm gì thì chạy theo, vì vậy không tạo được ấn tượng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, năng lực tiếp thị hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp nội vẫn yếu kém hơn các công ty nước ngoài”.

Phải thay đổi tư duy tiếp thị

Ông Younki Cho cho biết, ở Hàn Quốc có nhiều thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài, nhưng trên 80% thị phần trong nước thuộc về các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện nay nước này đang mở rộng thị trường xuất khẩu. Họ đã thành công khi có một chiến lược tiếp thị quốc gia cho thế giới thấy, muốn có gương mặt sáng, cơ thể đẹp là phải nghĩ đến sử dụng sản phẩm chăm sóc da có thành phần thảo mộc của Hàn Quốc.

Tương tự, Thái Lan cũng đang muốn người tiêu dùng các nước nghĩ rằng các mỹ phẩm bảo vệ da và giúp thư giãn là ưu thế của hàng Thái Lan.

"Chênh lệch về sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm của Việt Nam so với khu vực Hiện Việt Nam có khoảng 430 doanh nghiệp ngành hóa mỹ phẩm so với khoảng 700 doanh nghiệp tại Indonesia, 600 doanh nghiệp Thái Lan. Tuy tăng trưởng 12,9%/năm, nhưng thị trường mỹ phẩm Việt Nam chỉ chiếm 5,2% tổng doanh thu của ngành này tại khu vực Asean, trong khi Singapore chiếm 7,8%, Thái Lan 29,1%, Indonesia 24,4%."

Các chuyên gia mỹ phẩm nước ngoài cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể làm cho 80 – 90% người tiêu dùng Việt Nam mỗi khi nghĩ đến mỹ phẩm là tìm các thương hiệu trong nước.

Thế mạnh là Việt Nam có rất nhiều loại thảo mộc thiên nhiên được thế giới ưa chuộng, nhưng Việt Nam chưa biết khai thác quảng bá. Doanh nghiệp Việt Nam thừa khả năng làm ra sản phẩm chất lượng cao và dẫn dắt thị trường cả trong và ngoài nước bằng những loại sản phẩm từ thảo mộc mà Việt Nam dễ trồng trong khi các nước khác phải nhập khẩu. Tác dụng tốt của những thảo dược đã được kiểm nghiệm qua kinh nghiệm dân gian, đã tồn tại trong sự tin tưởng của người tiêu dùng Việt Nam qua nhiều thế hệ, đó là sự thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm. Chỉ cần nghiên cứu, tiếp cận các công nghệ tiên tiến hiện nay là có thể biến các loại thảo mộc (rau, củ, trái cây, cây gia vị, cây thuốc nam…) thành nguồn nguyên liệu vô tận.

Để mỹ phẩm Việt lên hươngNhững năm 1980, thị trường Việt Nam tràn ngập xà bông làm từ dầu dừa, có hương chanh, sả… Đáng tiếc, việc tự đầu tư làm ra công thức mỹ phẩm thảo mộc rất ít, do doanh nghiệp ngại tốn kém, đa số đều mua công thức có sẵn, mua nguyên liệu của các công ty nước ngoài về pha chế mùi hương. Cách tiếp cận người tiêu dùng của doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam thường là thông qua đại lý, cho hoa hồng cao để đại lý bán nhiều hàng cho mình hoặc tham gia hội chợ bán hàng, rất ít tổ chức những hoạt động tiếp cận, gần gũi với người tiêu dùng để giúp họ cảm nhận giá trị thực của sản phẩm.

Theo bà Châu Giang, kinh doanh mỹ phẩm là “bán những cảm xúc và trao những ước mơ” cho người sử dụng. Tiếp thị mỹ phẩm phải chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng. Với mỹ phẩm ngoại nhập, nước hoa Pháp làm người ta cảm nhận sự quyến rũ, Hàn Quốc cho người ta thấy mình biết chăm sóc bản thân đúng cách, Thái Lan khiến mọi người tìm cảm giác thư giãn với những mỹ phẩm mùi hương hoa cỏ… Các doanh nghiệp Việt Nam có sẵn nguồn nguyên liệu, nhưng chưa tạo được sự khác biệt trên thị trường so với các sản phẩm nhập khẩu; chưa khiến cho người tiêu dùng cảm nhận sự gần gũi của hương thơm thảo mộc thiên nhiên, tạo niềm tin về sự an toàn cần thiết khi làm đẹp. Những điểm yếu này có thể khắc phục để thị trường mỹ phẩm trong nước sẽ là của doanh nghiệp Việt Nam.

Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm phải thật sự hiểu được lợi thế cùng giá trị thực chất từ nguồn nguyên liệu thảo mộc quý giá sẵn có ở trong nước. Các doanh nghiệp cần chủ động tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có sự khác biệt và “hot” trên thị trường trong và ngoài nước. Chỉ như vậy mới khiến ngành mỹ phẩm Việt Nam sớm lên hương và có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.

Nguồn Doanh Nhân Online