Các công ty công nghệ chiếm giữ 5 vị trí đầu bảng Top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu 2017 của BrandZ
5 gã khổng lồ của làng công nghệ là Google, Apple, Microsoft, Amazon và Facebook đã dẫn đầu danh sách BrandZ Top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu năm 2017 được WPP và Kantar Millward Brown công bố.
Amazon đạt tăng trưởng giá trị cao nhất trong Top 100, giá trị thương hiệu tăng thêm 40,3 tỷ USD (41%) đạt mức 139,3 tỷ USD, giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng. Gã khổng lồ của ngành bán lẻ tiếp tục tập trung đầu tư vào công nghệ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng như mua sắm trực tuyến, giao hành nhanh và cả về mặt giải trí. Đồng thời hang này cũng ra mắt thêm những dịch vụ có sử dụng trí tuệ nhân tạo để giao hàng tạp hóa và trợ lý cá nhân Alexa.
Google, Apple và Micrsoft vẫn duy trì 3 thứ hạng đầu tiên, giá trị thương hiệu của 3 hãng này lần lượt tăng thêm 7% (đạt 245,6 tỷ USD, Google), 3% (đạt 234,7 tỷ USD, Apple) và 18% (đạt 143,2 tỷ USD, Microsoft) so với năm ngoái. Trong khi đó, Facebook giữ vị trí thứ 5, tăng trưởng 27% (đạt 129,8 tỷ USD). Giá trị thương hiệu của 5 công ty công nghệ này chiếm đến ¼ tổng giá trị thương hiệu của Top 100, điều này cho thấy vị trí của công nghệ trong bối cảnh kinh doanh hiện đại lớn như thế nào.
Ông David Roth, CEO của The Store WPP khu vực EMEA và Châu Á, cho biết: “Bảng xếp hạng năm nay tiếp tục cho thấy rằng các thương hiệu mạnh vẫn chứng minh được giá trị với các cổ đông và có doanh thu cao bất chấp điều kiện khí hậu thay đổi. Với danh sách ‘The Frightful Five’ (tạm dịch: Bộ 5 đáng sợ), những gã khổng lồ công nghệ chiếm những thứ hạng cao nhất và trở thành 5 đối thủ đáng gờm cho các thương hiệu còn lại bởi giá trị thương hiệu khổng lồ và vị trí “bất khả xâm phạm” trên thị trường.”
Bảng xếp hạng năm nay cũng có những điểm nổi bật như: Thương hiệu Tencent của Trung Quốc đã tăng thị phần sử dụng sản phẩm của mình là WeChat và giữ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng, đây cũng là lần đầu tiên thương hiệu này lọt vào Top 10 với giá trị thương hiệu tăng 27%, đạt 108,3 tỷ USD; thương hiệu có sức tăng trưởng nhanh nhất là Adidas (tăng 58%, đạt 8,3 tỷ USD); theo sau đó là thương hiệu rượu cao cấp Moutai của Trung Quốc (tăng 48%, đạt 17 tỷ USD).
Là bảng xếp hạng giá trị thương hiệu đáng tin và lớn nhất trên thế giới, BrandZ đã cho thấy các thương hiệu ngày nay đã đang gắn kết với lối sống của người tiêu dùng. Bảng xếp hạng nghiên cứu giá trị thương hiệu bằng cách phỏng vấn hơn 3 triệu người tiêu dùng trên toàn cầu và kết hợp với phân tích tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của các công ty (thông qua dữ liệu thu thập từ Bloomberg và Kantar Worldpanel).
Năm nay, tổng giá trị các thương hiệu trong Top 100 đã tăng 8% đạt 3,64 nghìn tỷ USD, năm 2016 bảng xếp hạng chỉ tăng 3% và số lượng các thương hiệu trị giá trên 100 tỷ USD đã tăng từ 6 lên 9 thương hiệu. So với năm đầu tiên từ 2006 (khi bảng xếp hạng ra đời), tổng giá trị các thương hiệu đã tăng 152%, các vị trí trong bảng xếp hạng đang nghiêng về các thương hiệu sáng tạo công nghệ với tốc độ tăng trưởng rất nhanh và nhận diện thương hiệu cực kỳ lớn. Top 10 Bảng xếp hạng BrandZ 2017 có giá trị gần như bằng với tổng giá trị của Top 100 năm 2006 (1,42 nghìn tỷ USD và 1,44 nghìn tỷ USD), và giá trị Top 10 tăng đến 249% trong khi toàn bộ danh sách Top 100 chỉ tăng 152%.
Các vị trí trong bảng xếp hạng đang nghiêng về các thương hiệu sáng tạo công nghệ với tốc độ tăng trưởng rất nhanh và nhận diện thương hiệu cực kỳ lớn.
Bảng xếp hạng cho thấy các thương hiệu mạnh tiếp tục vượt trội các đối thủ khác. So với các tiêu chuẩn đánh giá trong 12 năm qua, danh mục Top 100 BrandZ đã tăng 50% giá trị so với 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ (S&P 500) và tăng gấp 3,5 lần so với Chỉ số MSCI toàn cầu.
Bảng xếp hạng 2017 cho thấy quyền lực thuộc về các thương hiệu công nghệ, đây là những thương hiệu đang phát triển những hệ sinh thái đáp ứng đa nhu cầu và đơn giản hóa thế giới vốn ngày càng phức tạp. Hơn một nửa các thương hiệu trong bảng xếp hạng là các công ty công nghệ (bao gồm cả viễn thông và các công ty bán lẻ trực tuyến). Số lượng các thương hiệu công nghệ chỉ chiếm 1/3 trong bảng xếp hạng năm 2006 và đã tăng trưởng 16% năm ngoái trong khi các thương hiệu phi công nghệ chỉ tăng 4%.
9 trong 10 vị trí đầu bảng là do các thương hiệu công nghệ chiếm giữ, và có 7 thương hiệu mới xuất hiện lần đầu tiên trong Top 100, đó là: XFinity, YouTube, Hewlett Packard Enterprise, Salesforce, Netflix, Snapchat và Sprint.
Bán lẻ là lĩnh vực có giá trị tăng trưởng nhanh nhất với 14% trong 12 tháng qua. Thị trường này chủ yếu là do sự nổi dậy của các thương hiệu thương mại điện tử như Amazon và Alibaba. Cũng như nhiều các công ty internet đơn thuần khác, các thương hiệu bán lẻ này tiếp tục bổ sung thêm các cửa hàng offline vào kênh bán hàng của họ. Nhìn chung, tăng trưởng giá trị của các thương hiệu thương mại điện tử đơn thuần đã tăng 388% kể từ năm 2006, trong khi các thương hiệu bán lẻ truyền thống đã giảm 23% vì họ phải mất nhiều thời gian để thích ứng dịch vụ của mình với thời đại hiện nay, như bán lẻ trực tuyến. Ngành hàng bán lẻ công nghệ tăng 13% trong khi bán lẻ thức ăn nhanh là ngành hàng có sự tăng trưởng cao thứ 3 trong bảng xếp hạng (với 7%). Các thương hiệu dẫn đầu trong ngành hàng này chủ yếu cung cấp thực phẩm tươi và thực đơn vừa túi tiền, đồng thời cũng cải tiến cách tiếp cận người tiêu dùng nhằm nâng cao trải nghiệm thương hiệu.
Danh sách 10 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu của BrandZ:
Xét theo khu vực, các thương hiệu của Mỹ chiếm đa số trong bảng với hạng với 54 thương hiệu góp mặt trong Top 100 BrandZ. Năm ngoái, những thương hiệu này đã tăng 12%, trong khi các thương hiệu khác trên thế giới đã giảm 1% ngoại trừ Trung Quốc, khi tổng giá trị thương hiệu của quốc gia này tăng11% (không bao gồm các doanh nghiệp nhà nước).
Giá trị Top 20 các thương hiệu B2B đã tăng 11%. Microsoft chiếm vị trí đầu với 10% tăng trưởng, đạt 143,2 tỷ USD, trong khi Shell là thương hiệu B2B có sự tăng trưởng cao nhất với 23% đạt 18,3 tỷ USD. Bảng xếp hạng cũng cho thấy digital đã tạo ra sự giao thoa giữa môi trường kinh doanh doanh nghiệp với người tiêu dùng, ranh giới giữa B2B và B2C đang biến mất và tạo nên các thương hiệu B2H (Business to Human).
Xu hướng nổi bật trong bản Top 100 BrandZ năm nay bao gồm:
- Hệ sinh thái công nghệ lấy người tiêu dùng làm trung tâm là xu hướng không thể tránh của các thương hiệu. Càng ngày người tiêu dùng càng có thể thực hiện nhiều hoạt động đa dạng, từ mua sắm đến xem TV trực tuyến, của cùng một thương hiệu ở nhiều thiết bị khác nhau. Sự tiện lợi của người tiêu dùng sẽ cho phép các thương hiệu mạnh nhất giảm thiểu rủi ro người tiêu dùng thay đổi lựa chọn.
- Các thương hiệu mới phát triển ra toàn cầu để tăng trưởng nhanh chóng. Công nghệ có thể giúp các thương hiệu mới ra mắt dịch vụ của mình trên toàn cầu ngay ngày đầu tiên. Việc này thúc đẩy phương thức mới dành cho những người khởi nghiệp, những người không muốn bị giới hạn bởi khu vực địa lý hoặc ranh giới vùng miền vốn thường giới hạn tốc độ và quy mô tăng trưởng.
- Những thương hiệu truyền thông phi công nghệ đang áp dụng công nghệ để đổi mới và thu hút người tiêu dùng nhiều hơn. Adidas là một ví dụ, thương hiệu này có sự tăng trưởng nhanh nhất khi giới thiệu máy in 3D để sản xuất giày. Trong khi những thương hiệu thức ăn nhanh như Domino’s Pizza giúp người tiêu dùng theo dõi đơn hàng của mình trong thời gian thực.
- Top 100 BrandZ đang trẻ hơn. Số tuổi trung bình của một thương hiệu bây giờ là 67, trong năm 2006 là 84 tuổi. Điều này phản ánh sự xuất hiện của các thương hiệu mới và sự nổi dậy của các thương hiệu từ Trung Quốc.
- Các thương hiệu biết rõ rằng mình phải làm cho cuộc sống của người tiêu dùng trở nên tốt hơn, ví du như Huawei và Toyota đã tăng trưởng gấp 3 lần trong 12 năm qua (3 thương hiệu đầu danh sách tăng 170% và 3 thương hiệu cuối danh sách tăng 57%).
- Truyền thông tốt sẽ giúp thương hiệu có lợi thế. Top 3 các thương hiệu truyền thông mạnh nhất (bao gồm McDonald’s và L’Oréal Paris) đã tăng 196% giá trị, trong khi 3 thương hiệu ít truyền thông nhất trong danh sách cũng tăng 47%. Lý do là các thương hiệu này đã truyền đạt thành công sự khác biệt mà họ đã xây dựng trong bao năm qua.
Bà Doreen Wang, Giám đốc toàn cầu của BrandZ thuộc tập đoàn Kantar Millward Brown’s, cho biết: “Đây là kỷ nguyên của những gã khổng lồ internet, những công ty này đã phát triển hệ sinh thái có thể tiếp cận và kết nối người tiêu dùng với mục đích chung là làm cho cuộc sống dễ dàng, đơn giản và tốt hơn. Công nghệ đặt người tiêu dùng làm trung tâm đã xác định lại kỳ vọng của chúng ta, và giờ đây chúng ta sẽ thấy rằng những sản phẩm, dịch vụ, công cụ và nội dung hoàn toàn nằm trong tầm tay của mình. Những thương hiệu này cũng là minh chứng cho sự thích nghi tuyệt vời, họ tự tin và thoải mái thể hiện trong những lĩnh vực và thị trường hoàn toàn mới để phát triển và mở rộng danh mục khách hàng của mình”.
[Download toàn bộ Báo cáo 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu 2017 tại đây]
Kim Huy / Brands Vietnam
Nguồn BrandZ