Khát vọng sở hữu ôtô của người Việt

Theo Financal Times, với hơn 15%, tỷ lệ người Việt Nam dự định mua ôtô trong vòng 6 tháng tới đang ngày càng gần mức trung bình của khu vực, cao hơn Thái Lan, Indonesia.

Theo số liệu của tạp chí Financial Times, trong 4 năm gần đây, tỷ lệ trung bình người tiêu dùng thành thị ở các nền kinh tế ASEAN dự định mua ôtô trong 6 tháng kế tiếp là 25%.

Tại Việt Nam, mức trung bình của năm 2016 và 2017 là trên 15%, tăng từ mức 11,9% của năm 2013, và cao hơn 4 quốc gia có quy mô dân số và điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng gồm Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Financal Times nhận định nhu cầu mua ôtô của người Việt Nam dần bắt kịp các nước láng giềng ASEAN cho thấy đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong 4 năm qua, thúc đẩy gia tăng về thu nhập và chi tiêu của giới trung lưu ở Việt Nam.

Việc doanh số ôtô chững lại trong 2017 là hệ quả của thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0% năm 2018 theo Hiệp định thương mại ATIGA. Con số này dự kiến quay trở lại đà tăng trưởng trong năm sau.

Khát vọng sở hữu ôtô của người Việt

Nhu cầu mua ôtô của người Việt dần bắt kịp mức trung bình của ASEAN. Đồ họa: Minh Khoa.

'Giấc mơ sở hữu ôtô của người Việt là chính đáng'

Theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mới được công bố tại một hội thảo ở Hà Nội, nhu cầu về ôtô tại Việt Nam đang ngày càng tăng, nhất là các thành phố lớn, nơi tỷ lệ tăng trưởng ôtô đã vượt qua xe máy. Tỷ lệ tăng trưởng của xe máy trên cả nước hiện là 7,3% và ôtô là 6,5%. Trong khi đó, đối với các đô thị lớn, mức tăng trưởng của xe máy là 10%, còn ôtô lên tới 15%.

Việt Nam hiện có 49 triệu xe máy và khoảng 3,2 triệu ôtô đang lưu hành. Xét trên quy mô dân số 95 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe máy là 516 xe/1.000 dân, ôtô là 33 xe/1.000 dân.

Theo nghiên cứu của Solidiance - công ty tư vấn chiến lược hàng đầu tại châu Á, giai đoạn 2017-2020, thị trường ôtô con tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 13%. Tổng lượng ôtô bán ra dự kiến chạm mức 225.000 xe vào năm 2020.

Tăng trưởng kinh tế và môi trường thương mại tự do hóa khiến Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường ôtô tăng trưởng nóng. Việt Nam hiện có nhóm người giàu (thu nhập trên 1.000 USD/tháng) tăng 15% mỗi năm. Dự kiến, nhóm này sẽ tăng lên 45 triệu người vào 2025.

Khát vọng sở hữu ôtô của người Việt

Việt Nam hiện có 3,2 triệu xe ôtô đang lưu hành.

Trò chuyện với chúng tôi, chuyên gia kinh tế - PGS. TS Ngô Trí Long nhận định: "Thế kỷ 21 là thời đại văn minh, là thế kỷ của con người, đáp ứng đủ nhu cầu về sống, ăn, ở, mặc và đi lại, nên việc sở hữu ôtô là giấc mơ hoàn toàn chính đáng. Nhưng hiện tại, tỷ lệ sở hữu ôtô của người Việt vẫn thấp hơn so với khu vực, như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, càng không thể so với Mỹ, nơi tỷ lệ sở hữu ôtô là 789 xe/1.000 dân".

Giấc mơ có gần hơn?

Giấc mơ ôtô của người Việt trở thành hiện thực hay không phụ thuộc nhiều nhất vào giá xe. Chưa bao giờ người Việt quan tâm đến cụm từ "ôtô giá rẻ" như giai đoạn này.

Hy vọng bắt đầu sáng khi các hãng xe đồng loạt đưa ra chương trình giảm giá tại Việt Nam từ đầu 2017, kéo giá bán nhiều mẫu xe xuống ngang ngửa với khu vực. Nhiều người tiêu dùng Việt tin rằng giá xe sẽ tiếp tục hạ khi thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0% từ 2018 theo Hiệp định thương mại ATIGA.

Về phía các doanh nghiệp lắp ráp, quyết tâm của THACO và Hyundai đều được đánh giá rất triển vọng. Đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt phần giá trị tạo ra trong nước của Bộ Tài chính nếu đi vào hiện thực sẽ khiến giá bán xe giảm thêm hàng trăm triệu.

Viễn cảnh ôtô hóa thêm rõ ràng qua lễ khởi công dự án VINFAST. Tại buổi khởi công dự án, Vingroup cam kết hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%.

Vingroup cho hay họ có dây chuyền khép kín trong chuỗi, từ việc làm vỏ, động cơ, dập ép đến sơn xe, lắp ráp. Nếu làm được, Vingroup sẽ là đơn vị đầu tiên sản xuất động cơ ôtô tại Việt Nam. Tổng mức đầu tư cho dự án, theo công bố của ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, là 35.000 tỷ đồng.

Một tháng sau lễ khởi công, VINFAST vừa công bố 20 mẫu thiết kế cho dòng xe sedan và SUV của hãng để nhận góp ý từ phía người tiêu dùng.

Khát vọng sở hữu ôtô của người Việt

Một thiết kế sedan do Ital Design thực hiện cho VINFAST. Ảnh: Vingroup.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích để đạt được những tham vọng đề ra, Vingroup cần hội tụ đủ 3 yếu tố, đó là dung lượng thị trường phải đủ lớn, cơ chế chính sách tốt, ổn định và doanh nghiệp hoạt động phải hiệu quả.

Ông Long nói thêm: "Trong hoạt động hiệu quả lại có 3 yếu tố khác. Thứ nhất là nền tảng, cơ sở vững chắc, có nghĩa đảm bảo về mặt chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực ôtô. Thứ hai là công nghệ. Và cuối cùng là chiến lược kinh doanh tốt. Khi nào đủ 3 yếu tố, doanh nghiệp kinh doanh ôtô mới có thể trụ vững".

Theo chuyên gia này, VINFAST chưa có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính cũng chưa hẳn mạnh, điều quan trọng quyết định thành công là phải có chiến lược đúng đắn. Tham vọng sản xuất xe nội địa 60% trong vài năm tới được đánh giá là rất khó thực hiện, trong bối cảnh tỷ lệ nội địa hóa của một chiếc xe con ở Việt Nam hiện mới chỉ đạt 10-15% sau mấy chục năm hưởng ưu đãi.

"Ôtô giá rẻ vẫn là giấc mơ, rất khó trở thành hiện thực trong tương lai gần bởi chính sách các ngành xung đột lẫn nhau. Bộ Công Thương muốn phát triển ngành ôtô nhưng hạ tầng còn yếu kém, còn Bộ Tài Chính muốn đảm bảo nguồn thu", chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Khát vọng sở hữu ôtô của người Việt

Tắc đường tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Quân.

Một vấn đề khác cũng liên quan đến việc giấc mơ ôtô của nhiều người Việt có sớm thành hiện thực hay không, đó là hạ tầng giao thông. Theo số liệu đưa ra trong buổi hội thảo tại Hà Nội hôm 26/9, tình hình ùn tắc giao thông đã có biến chuyển tích cực tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, trong năm 2016, Hà Nội vẫn còn 46 điểm ùn tắc, TP.HCM 18 điểm.

Bài học từ các nước láng giềng đi trước cũng cho thấy hệ quả xấu của việc ôtô hóa. Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) đang đứng thứ 2 và 3 trong danh sách những thành phố tắc nghẽn giao thông nhất thế giới năm 2016, theo số liệu khảo sát tại 390 thành phố ở 48 quốc gia.

"Nói chung ai cũng nhìn thấy vấn đề phải phát triển hạ tầng giao thông, nhưng cần cơ chế, chính sách và cách thực hiện đồng bộ để đạt hiệu quả. Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, mãi không chịu lớn. Thị trường ôtô trong tương lai gần có tăng, nhưng không có đột phá. Thuế nhập khẩu giảm dẫn tới giảm nguồn thu, các bộ ngành sẽ tìm cách tăng nguồn thu dựa trên các loại thuế khác. Sở hữu ôtô là rất chính đáng, nhưng đừng 'mơ' ôtô giá rẻ như các nước trong khu vực, chỉ nên 'mơ' giá xe rẻ hơn so với trước đây", PGS. TS Ngô Trí Long kết luận.

Thế Anh
Nguồn Zing News