Apple và Google trong cuộc chiến khốc liệt mới
Trong khi cuộc chiến Android và iOS vẫn đang tiếp diễn, hai gã khổng lồ trong làng công nghệ lại khai mào cuộc chiến mới không kém phần cam go.
Trong năm 2017 này, cả Google và Apple đang bắt đầu dồn lực nhiều hơn vào cuộc đua về công nghệ thực tế ảo tăng cường khi liên tục giới thiệu nền tảng ARCore và ARKit nhằm tạo động lực phát triển công nghệ này trên smartphone.
Nền tảng AR hứa hẹn nhiều ứng dụng có thể mang lại doanh thu khổng lồ không kém gì ngành công nghiệp smartphone.
AR, “người quen cũ” trong giới công nghệ
AR viết tắt của Augmented Reality (Thực tế tăng cường) là khái niệm không hề mới. Rất nhiều người từng say mê loạt phim hành động bom tấn Kẻ hủy diệt (năm 1994) chắc hẳn đã từng biết đến khái niệm này thông qua những hình ảnh được trông thấy từ góc nhìn của người máy T-800 do Arnold Schwarzenegger thủ vai.
Bộ phim đã khắc họa góc nhìn của T-800 hiển thị đầy đủ thông tin về đối tượng, mục tiêu được hướng mắt đến.
Khác với thực tế ảo (VR) vốn là các nội dung đưa người dùng phiêu lưu một thế giới ảo thông qua công nghệ kỹ thuật số và kính thực tế ảo, thực tế tăng cường không hề tách người dùng ra không gian riêng. Thực tế tăng cường lồng ghép những thông tin ảo vào thế giới thật. Công nghệ này có thể cho phép người dùng tương tác với nội dung ảo ngay trong đời thật…
Thực tế tăng cường đã được nghiên cứu phát triển từ rất lâu, nhưng đa số nỗ lực mang khái niệm này ra thực tế đời sống thông qua việc sản xuất và mua bán hàng loạt vẫn còn gặp nhiều trắc trở, ví dụ điển hình như Google Glass.
Nhiều người đam mê công nghệ rất quan tâm tới quá trình phát triển của chiếc kính thực tế ảo này, thậm chí còn tếu táo mong chờ rằng bản nâng cấp tiếp theo của kính có thể hiển thị thông tin về sức mạnh của đối tượng được ngắm đến giống như kính đo sức mạnh của người Saiyan trong truyện tranh Dragon Ball (Bảy viên ngọc rồng). Thế nhưng, vì nhiều lý do, chiếc kính AR “viễn tưởng” này đã không còn được tiếp tục phát triển.
Cho đến năm ngoái, sự kiện Pokémon Go tung hoành trên thế giới trò chơi điện tử đã minh chứng cho sức hấp dẫn và sự chín muồi của thực tế tăng cường trong thực tiễn đời sống. Trong trò chơi này những chú pokémon ảo xuất hiện trên nền khung cảnh thực, thông qua lăng kính máy ảnh trên smartphone, và người chơi cần thực hiện động tác “ném” pokeball để thu phục chúng.
Google và Apple, hai đại diện chính cho nền tảng AR
Google đã bắt đầu làm việc với các hệ thống thực tế tăng cường với dự án Project Tango từ năm 2014, và đã tích hợp công nghệ này lên một số mẫu smartphone và tablet của Lenovo và Asus. Và chỉ mới đây, Apple cũng vừa chính thức bước vào sân chơi khi giới thiệu ARKit như một điểm sáng trong dịp phát hành iOS 11.
Hệ thống AR của Apple không dựa trên bất kỳ phần cứng cụ thể nào và cũng có thể thiếu một vài cảm biến chuyên biệt. ARKit được giới thiệu không chỉ dành cho phiên bản iPhone mới, mà còn có thể hiện diện trên những mẫu iPhone cũ như 6s lên kệ từ năm 2015.
Dù hỗ trợ iPhone đời cũ hơn, nhưng dường như Apple vẫn muốn tập trung cho ARKit bắt đầu từ bộ ba iPhone mới vốn có thông số phần cứng đáp ứng tối ưu nhất cho khả năng tính toán các thông số giữa môi trường ảo và thực thế trong thời gian thực một cách chính xác hơn.
Geoff Blaber từ công ty phân tích CCS Insight cho biết: “ARKit của Apple là những điều mà AR thực sự cần. Với một thị trường khổng lồ về số lượng iPhone lẫn iPad với dòng chip Apple, nó cung cấp các nhà phát triển quy mô khổng lồ trước mắt và thúc đẩy ưu tiên đầu tư.”
Sự thống nhất về phần mềm của nền tảng di động Apple iOS lại một lần nữa tạo ra sự thắng thế về quy mô thị trường so với sự phân mảnh của Google Android, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên sàn đấu mới AR.
Để AR trở thành xu hướng chủ đạo được hưởng ứng và sử dụng thì yêu cầu lớn nhất vẫn là về quy mô thị trường. Phần lớn người dùng iPhone đều cập nhật phiên bản hệ điều hành mới nhất cho điện thoại của họ, trừ khi mẫu máy đó không còn được hỗ trợ, điều này tạo ra một hệ sinh thái tập trung hay một thị trường lớn vốn không thể tìm thấy ở những công ty công nghệ khác. Và điều đó sẽ là đòn bẩy tạo ra quy mô cần thiết để thu hút sự đầu tư lớn, khả thi hơn trong việc phát triển phần mềm và ứng dụng.
Đầu tư lớn, đặc biệt trong giai đoạn khởi đầu của một công nghệ mới, đồng nghĩa với việc tạo ra sản phẩm tốt hơn, thâm nhập nhiều hơn vào thị trường tiêu dùng và dẫn đến khả năng thành công lớn hơn.
Tim Cook, CEO của Apple, từng nói với các nhà đầu tư hồi đầu tháng 8 rằng: “AR rộng lớn và sâu thăm thẳm. Và đó sẽ là một trong những điều to lớn mà chúng ta sẽ nhìn nhận lại và cùng ngạc nhiên trước sự khởi đầu của nó.”
Google cũng không ngủ quên trên vinh quang. Trong khi hệ thống Tango của hãng dường như chưa tìm được lối đi phù hợp tiếp, chủ sở hữu của Android đã kịp giới thiệu hệ thống ARCore mới với cách tiếp cận tương đồng với ARKit của Apple. Đó là không yêu cầu sự hiện diện của các cảm biến chuyên sâu.
Google hy vọng rằng có thể cung cấp ARCore cho ít nhất 100 triệu người dùng, bắt đầu từ những chủ nhân của Samsung Galaxy S8 và dòng điện thoại Pixel của hãng. Nhưng sự đa dạng của hệ sinh thái Android tạo ra thử thách nếu so sánh với một nền tảng duy nhất dựa trên một trải nghiệm thống nhất.
Để phổ biến hệ thống AR của hãng vượt ra khỏi khuôn khổ của các máy Samsung Galaxy S8 hay Google Pixel, Google cần tìm ra lời giải cho sự đa dạng của camera trên điện thoại Android hoặc thuyết phục các nhà sản xuất sử dụng thành phần linh kiện chuyên dụng.
Đó sẽ là một thương vụ khó khăn với AR dành cho các nhà sản xuất khi mà lợi nhuận chưa được chứng thực.
Jan Dawson, nhà sáng lập và phân tích của Jackdaw Research nói rằng: “Đó là ví dụ kinh điển của việc Apple sở hữu toàn bộ, cả phần cứng lẫn phần mềm, là một ưu thế lớn vượt mặt các nhà sản xuất thiết bị phụ thuộc vào Android và chuỗi giá trị rộng hơn từ các nhà cung cấp linh kiện”.
Apple dường như đã dẫn trước về việc trình làng bộ ba iPhone mới với nền tảng phần cứng tốt nhất phục vụ công nghệ AR cùng với phiên bản iOS 11 trong sự kiện ngày 12/9 qua. Thế nhưng công nghệ AR tiên tiến cho phép hướng điện thoại đến một đối tượng và sử dụng camera để tạo ra một lớp vật thể ảo hay thông tin bao phủ bên trên ở thế giới thực vẫn chưa thể tạo ra những ứng dụng đủ sức “mê hoặc” người dùng.
Nhiều nhà phát triển đã thử, như công ty tiên phong Word Lens and Blippar. Thế nhưng ngoại trừ việc mang lại cho người dùng thêm những trải nghiệm quảng cáo qua góc nhìn AR, thì hiện chưa có ứng dụng AR nào đủ sức thuyết phục người dùng nên sở hữu ngay hoặc ít nhất nên thử trải nghiệm.
Nhưng có một tín hiệu vui đã đến, khi việc ảo hóa các vật thể tại nhà để thử và mua sắm có thể đang tiến đến rất gần thực tế.
Michael Valdsgaard, nhà phát triển của chuỗi nội thất Ikea, đã chỉ ra rằng ứng dụng ước lượng kích thước của đồ nội thất ảo trong nhà dựa trên nền tảng thực tế tăng cường Apple ARKit chính xác đến 98%, mặc dù thiếu cảm biến đặc biệt. Điều này giúp cho việc thiết kế catalogue đồ nội thất ảo dựa trên AR trở nên khả thi với hàng triệu người dùng iPhone và iPad.
Không chỉ được áp dụng để phát triển ứng dụng bố trí nội thất, những trò chơi dựa trên thực tế tăng cường mới là mục tiêu phát triển tiềm năng nhất, mà “cơn bão” Pokémon Go của năm ngoái chính là minh chứng cụ thể.
Cả Apple lẫn Google đều không thúc đẩy AR phát triển nếu đơn thuần chỉ vì mục đích cách mạng công nghệ.
Khi Pokémon Go ra mắt và gặt hái thành công lớn, nó đã chứng minh rằng có thể tìm thấy thương vụ béo bở từ một vài dạng AR, được Apple kỳ vọng sẽ kiếm được 3 tỷ USD từ việc mua hàng trong trò chơi từ người chơi Pokémon Go thông qua App Store trong hai năm. Doanh thu đó mới chỉ tính trên một nền tảng là iOS.
Thành công kể trên đã từng bước chứng minh AR có thể mang đến nguồn thu quan trọng cho cả Apple và Google sau khi doanh số smartphone giảm vì người tiêu dùng có xu hướng gắn bó với thiết bị hiện tại của mình lâu hơn.
Tuy nhiên, smartphone sẽ chỉ là điểm dừng chân tạm thời trên con đường công nghệ AR tiến gần đến thế giới quanh ta.
Blaber cho rằng công nghệ AR đã được định hình rõ ràng trong quá trình phát triển, trở thành hình dáng như một thiết bị đeo được… nhưng tương tự Google Glass, nó gặp phải rào cản về sự chấp nhận của người dùng.
“AR và VR được xem như hai trường hợp sử dụng riêng biệt. Thế nhưng CCS Insight tin rằng chúng có thể kết hợp với nhau. Theo kịch bản này, một thiết bị đeo được có thể cho phép chuyển đổi từ màn hình dành cho thực tế ảo VR thành một màn hình trong suốt dành cho các ứng dụng thực tế tăng cường AR. Điều đó có thể trở thành một giải pháp kết hợp độc đáo và thậm chí đủ có khả năng thay thế smartphone, tùy thuộc vào bối cảnh”, Blaber nói.
Sau tất cả, tiềm năng của một công nghệ rồi sẽ được thực tế chấp nhận và áp dụng nếu linh hoạt phát triển theo hướng phù hợp với thị hiếu.
Chưa thể đoán được rằng Google hay Apple sẽ chiến thắng trên sàn đấu AR mới này. Nhưng với sự thống nhất về nền tảng của Apple thì rõ ràng ARKit vừa ra mắt đã nghiễm nhiên trở thành nền tảng AR lớn nhất trên thiết bị cầm tay, được các nhà phát triển hoan nghênh và thể hiện rõ quyết tâm đầu tư, phát triển. Đây thực sự là lợi thế dẫn trước đắt giá của Apple ARKit so với một Google ARCore được cho rằng sẽ tiếp tục bị phân mảnh trong hệ sinh thái Android.
Thảo Trần
Nguồn ICT News