Chương Dương hụt hơi tuổi 60
Với dòng sản phẩm sá xị, Chương Dương ghi danh trên bản đồ những thương hiệu nước giải khát có tiếng, nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. “Người đỡ đầu” Sabeco sẽ làm gì để giúp Chương Dương sống sót giữa áp lực thị trường hiện nay?
Hụt hơi
Nếu ai chưa từng sử dụng thử sản phẩm Trà Ô Long của Chương Dương thì sẽ không còn cơ hội nữa, vì công ty này đã quyết định ngừng sản xuất. Tương lai thất bại dễ đoán trước trong một thị trường đã dày đặc các sản phẩm tương tự của những ông lớn như Tân Hiệp Phát, Pepsi (nay là Suntory PepsiCo) hay Coca-Cola. Tuy nhiên, một lý do quan trọng là Chương Dương không thể gồng gánh chi phí do phải gia công, bởi máy móc đầu tư từ năm 2000 đến nay không thể sản xuất ra các sản phẩm mới được nữa.
Chương Dương không chỉ hụt hơi ở những dòng sản phẩm mới. Với doanh thu giảm, hàng tồn kho thành phẩm tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ, không khó để nhận thấy trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình bán hàng đã trở nên khó khăn hơn. Doanh thu bán thành phẩm chỉ đạt 159 tỉ đồng, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Mới đây, báo cáo tài chính bán niên soát xét (PwC Việt Nam kiểm toán) đã điều chỉnh giảm doanh thu bán hàng từ 183,6 tỉ đồng xuống còn 159,2 tỉ đồng. Nguyên nhân là nhà phân phối chưa thanh toán đúng hạn như đã cam kết, dẫn dến điều chỉnh doanh thu, giá vốn hàng bán và công nợ. Kết quả là trong 2 quý đầu năm, Chương Dương từ lãi 4,8 tỉ đồng thành lỗ trước thuế gần 4 tỉ đồng.
Diễn biến này ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử kinh doanh của Chương Dương, vốn duy trì lợi nhuận ổn định trong nhiều năm qua dù thị trường nước giải khát cạnh tranh khốc liệt. Theo báo cáo thường niên năm 2016 của Chương Dương, các hãng nước giải khát nước ngoài luôn đưa ra chiến lược cạnh tranh giảm giá bán để ép các công ty nội địa. Vì thế, từ tháng 4.2016, Công ty đã điều chỉnh giảm giá bán 4,5% và làm lại chính sách chiết khấu cho nhà phân phối. Kênh phân phối cũng đang được mở rộng ra nhiều địa phương khác xung quanh, thay vì tập trung ở thị trường ở TP.HCM, Long An và Bình Dương như trước.
Chương Dương vốn nổi tiếng với dòng sản phẩm sá xị nên cũng giành được chỗ đứng nhất định trong ngành hàng nước giải khát có ga, vốn là sân chơi của hai ông lớn Pepsi và Coca-Cola. Trong khi đó, phần lớn các tập đoàn nước giải khát nội địa khác thì lại chọn phân khúc không ga.
Không chỉ đối mặt với tình trạng máy móc cũ kỹ, tài sản cố định đã khấu hao gần hết mà Công ty cũng rót rất ít ngân sách dành cho bán hàng và marketing. Từ đầu năm ngoái, Chương Dương mới đẩy mạnh bán hàng. Chi phí hỗ trợ bán hàng tăng mạnh nhất, đạt gần 12,4 tỉ đồng, tăng 4,3 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng chi phí bán hàng khoảng 34 tỉ đồng, tăng 3,6%. Tỉ lệ ngân sách marketing trên doanh thu là 21,3%. Theo giải thích của Chương Dương, chi phí thấp là để đảm bảo lợi nhuận.
Một thực tế khác là trong nhiều năm qua, Chương Dương vẫn duy trì “truyền thống” gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi. Báo cáo tài chính quý II cho thấy, Công ty đang gửi 102 tỉ đồng vào ngân hàng (chiếm 41% quy mô tổng tài sản), trong khi cuối năm ngoái là 92 tỉ đồng.
Trước sức ép từ những công ty giải khát đa quốc gia, các hãng nước giải khát nhỏ trong nước cũng lần lượt phải bán mình theo thời thế. Đã có lúc người ta nghĩ rằng Chương Dương cũng sẽ có kết cục rơi vào tay nước ngoài như Tribeco, nhưng hiện nay, Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn là cổ đông chi phối ở Chương Dương kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết (hiện sở hữu 62%). Không chỉ là một mảnh ghép bổ sung phù hợp cho Sabeco, Chương Dương cũng kỳ vọng được hưởng lợi từ kinh nghiệm của ông lớn trong mảng bia rượu với doanh thu hợp nhất lên đến 31.754 tỉ đồng.
Anh cả Sabeco
Sabeco sở hữu Chương Dương từ khi cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán (khi đó là 51% và hiện tại là 62%). Nhân sự của Sabeco nắm giữ hầu hết các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Chương Dương. Vì vậy, có thể coi những chiến lược của Chương Dương đều là của Sabeco.
Trước việc các tập đoàn đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp nội liên tục mở rộng đầu tư, quảng bá sản phẩm, xây nhà máy, thì Chương Dương gần như là một “ông già” 60 năm tuổi nhưng mãi chưa chịu lớn. Chương Dương vẫn giữ nguyên vốn điều lệ ở mức 85 tỉ đồng kể từ khi niêm yết vào năm 2006 đến nay. Lợi nhuận hằng năm không nhiều, nhưng vẫn chia cổ tức đều đặn. Nhiều năm qua, Sabeco vẫn giữ cho Sá Xị Chương Dương tồn tại, nhưng rõ ràng về dài hạn, Công ty khó lòng có tương lai tốt đẹp hơn nếu không có bệ phóng tăng trưởng mới.
Chương Dương đã hoạch định cho mình những bệ phóng này. Công ty có kế hoạch đầu tư nhà máy mới ở Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến 400 tỉ đồng, gấp 4,7 lần quy mô vốn điều lệ hiện nay. Khoảng 300 tỉ đồng sẽ được lấy từ vốn tự có và nguồn tiền từ việc chuyển nhượng đất Mỹ Phước III, phần còn lại dự kiến huy động bên ngoài.
Bất động sản là một trong những giá trị đáng kể của Chương Dương. Có thể kể đến khu đất 606 Võ Văn Kiệt ở quận 1 (diện tích khoảng 20.000m2), khu đất 193 Kinh Dương Vương, quận 6 (1.314m2), khu đất Mỹ Phước III ở Bình Dương (80.000m2), khu đất 280 Gò Dầu, Tân Phú (1.070m2).
Trong số này, đáng kể nhất là khu đất ở quận 1, vốn là nhà máy cũ nay buộc phải di dời ra ngoại thành theo yêu cầu của TP.HCM. Tất cả khu đất đều là đất thuê lại hằng năm của Nhà nước, Chương Dương không có quyền sở hữu nhưng có đặc quyền ưu đãi tiền thuê hằng năm để sử dụng. Từ năm 2006, Sabeco đã đồng ý cho Chương Dương hợp tác với nhà đầu tư bên ngoài để khai thác khu đất. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa thực hiện được, vì khó khăn trong việc xin điều chỉnh quy hoạch, theo lý giải của Chương Dương.
Nguồn tiền tương lai đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản có thể giúp Chương Dương có đủ sức tài trợ các hoạt động bán nước giải khát. Công ty còn làm lại kênh phân phối từ đầu năm 2016 đến nay. Theo đó, Công ty bắt đầu xây dựng và mở rộng thị trường ra khu vực miền Đông, Tây Nguyên, miền Trung và ra cả miền Bắc, khu vực sông Hậu. Hiện tại, các nhà phân phối lớn và sản lượng tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tập trung tại khu vực TP.HCM và các tỉnh ven sông Tiền.
Đối với những dự án đầu tư mới, Chương Dương vẫn đang chờ Sabeco quyết định, nhưng trong bao lâu có lẽ còn phải chờ tổng công ty này kết thúc quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Với quy mô vốn hóa thị trường lên đến hơn 150.000 tỉ đồng và dự kiến có thể bán cổ phần tỉ lệ tối đa 49% cho khối ngoại, chiếc ghế và lãnh đạo mới của Sabeco vẫn còn là một dấu hỏi. Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm của Sabeco cho biết, công ty này đã chọn được nhà tư vấn giải pháp và thực hiện thoái vốn. Thực tế cho thấy, trong thời điểm chuẩn bị chuyển giao quyền lực, Sabeco chưa thực sự ổn định về mặt nhân sự.
Dù vậy, với quy mô lớn của mình, Sabeco hoàn toàn có thể hỗ trợ cho Chương Dương, giúp thương hiệu 60 năm tuổi này tiếp tục sống sót. Nhưng một câu hỏi cũng được đặt ra: một thương hiệu không phát triển được nữa thì liệu có nên duy trì?
Việt Dũng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư