Đằng sau quyết định FPT thoái vốn mảng bán lẻ
Phân phối, bán lẻ sản phẩm IT trong gần 30 năm qua là lĩnh vực mang lại dòng tiền chủ chốt cho Tập đoàn FPT. Để phát triển lĩnh vực công nghệ làm cốt lõi (core), nhiều năm qua FPT đã tái cơ cấu. Việc dần thoái vốn khỏi mảng thương mại từ hai công ty con (FPT Trading và FPT Retail) chính là cách FPT hiện thực hóa lộ trình này.
Mất gần 10 năm để FPT cấu trúc lại hệ thống bán lẻ trước khi thoái vốn để tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Cụ thể là tỷ lệ sở hữu Công ty Thương mại FPT với 100% vốn giảm xuống còn 48% và giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty bán lẻ Kỹ thuật số FPT từ 85% xuống còn 55%, dự kiến sẽ giảm tiếp xuống dưới 50%.
Từ những năm 90, mảng thương mại của FPT hoạt động theo mô hình trung tâm phân phối với các thành viên FPT Distribution, FPT Mobile và FPT Retail, đến 2009, hợp nhất thành Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) và trở thành nhà phân phối số 1 Việt Nam. Đến 2013, FPT Retail lại được tách ra khỏi FPT Trading, mảng bán lẻ sau giai đoạn suy yếu tưởng rời bỏ thì được FPT đầu tư vực dậy. FPT Trading còn lại ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và phân phối sản phẩm ICT, trong khi FPT Retail phát triển chuỗi bán lẻ vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường hiện nay.
Synnex là ai?
Cho đến khi FPT Trading công bố đối tác thì thị trường Việt Nam mới quan tâm nhiều đến cái tên Synnex (Synnex Technology International Corporation) - một tập đoàn của Đài Loan là nhà phân phối sản phẩm IT, điện tử tiêu dùng, tích hợp hệ thống... lớn nhất châu Á và lớn thứ 3 thế giới với hơn 200 văn phòng trên toàn cầu. Năm 2016, tập đoàn này đạt doanh thu hợp nhất hơn 11 tỷ USD với lợi nhuận sau thuế hơn 160 triệu USD, tăng 53% so với năm 2015.
Synnex sở hữu hơn 10% Synnex Corporation (SNX) - công ty chuyên phân phối sản phẩm IT tại thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Năm 2016, Synnex Corp. có doanh thu hơn 14 tỷ USD và lợi nhuận 235 triệu USD với khoảng 110.000 nhân viên. Giá mỗi cổ phiếu SNX trên sàn NYSE kết thúc phiên cuối tuần rồi ở mức 116,15USD, tương đương giá trị vốn hóa 4,72 tỷ USD. Đáng chú ý, trong vòng 20 năm (1997 - 2017), Synnex Corp. đã thực hiện hơn 20 thương vụ M&A để sở hữu nhiều doanh nghiệp kinh doanh công nghệ trên thế giới.
Thương vụ với FPT Trading (được định giá 80 triệu USD) có giá trị không lớn với Synnex nhưng là cầu nối mở rộng thị trường Việt Nam và khu vực. Các doanh nghiệp trong ngành nhận định, mua lại FPT Trading là bước tiến của Synnex không chỉ sở hữu quyền phân phối mà tiến sâu hơn vào cung ứng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là mảng thiết kế và tích hợp hệ thống vốn chiếm chủ chốt trong doanh thu hợp nhất của tập đoàn này. Trước mắt Synnex không tham gia điều hành mà hỗ trợ kinh nghiệm tại các thị trường khác để ban điều hành FPT Trading điều phối hoạt động tại Việt Nam.
Theo ông Evans Tu, Tổng giám đốc Synnex, mua lại FPT Trading là cách tốt nhất để Synnex gia nhập thị trường tiêu dùng sản phẩm ICT và linh kiện điện tử tại Việt Nam.
Ông khẳng định: "Với năng lực và kinh nghiệm của Synnex trong việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, phát triển kênh bán hàng, hậu cần cũng như vận hành kinh doanh, chúng tôi sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng và kết quả kinh doanh của FPT Trading". Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ: "Synnex là nhà phân phối hàng đầu thế giới, sở hữu mô hình phân phối tiên tiến và tối ưu. Chúng tôi tin rằng với sự đầu tư của Synnex, FPT Trading sẽ phát triển hiệu quả hơn".
Tại các thị trường khác, các thương vụ M&A do Synnex thực hiện thường mua 100% hoặc 37% cổ phần, trong khi tại FPT Trading, họ chọn sở hữu 47%. "Synnex thường đưa ra quy tắc đầu tư 50/50 nhưng tại FPT Trading, Synnex nắm 47 % và FPT năm 48%.
1% chênh lệch đấy là sự tôn trọng của Synnex dành cho FPT về năng lực tại thị trường Việt Nam" - ông Evans Tu cho biết và thừa nhận - "Chọn FPT Trading vì đây là công ty số 1 tại Việt Nam. Ngoài việc chia sẻ về triết lý kinh doanh, chúng tôi còn thấy được ở ông Bình cách nhìn và kinh nghiệm toàn cầu hóa. Chúng tôi đánh giá cao FPT ở điểm này".
Thay đổi cán cân doanh thu
FPT Trading đang có 2.771 đại lý ở các tỉnh - thành, phân phối sản phẩm của gần 40 đối tác là thương hiệu công nghệ toàn cầu. FPT Retail đang vận hành chuỗi 460 cửa hàng ở các tỉnh - thành và dự tính mở rộng bán lẻ sang các ngành hàng khác.
Sau giai đoạn dài mảng phân phối bán lẻ thường đóng góp đến 70% doanh thu nhưng lợi nhuận giảm dần, vài năm nay, sự chênh lệch này đã giảm nhờ các lĩnh vực khác tăng trưởng nhanh, nhất là các mảng viễn thông, phần mềm. Năm 2016, mảng bán lẻ đem về 23.183 tỷ đồng và lợi nhuận 544 tỷ đồng, chiếm 63% doanh thu nhưng chỉ đóng góp 13% lợi nhuận, giảm lần lượt 25% và 9% so với năm 2015.
Năm 2016, mảng bán lẻ đem về 23.183 tỷ đồng và lợi nhuận 544 tỷ đồng, chiếm 63% doanh thu nhưng chỉ đóng góp 13% lợi nhuận, giảm lần lượt 25% và 9% so với năm 2015.
Là tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam nhưng mức tăng trưởng của FPT chậm dần. FPT cũng rút khỏi nhiều lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. "Việc thoái vốn lĩnh vực thương mại lần này dự kiến đem về lợi nhuận khoảng 1.380 tỷ đồng và tiến tới phát triển thành công ty thuần về công nghệ” - Công ty Chứng khoán HSC nhận định.
Ông Trương Gia Bình cho biết: "Số tiền thu được sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực phần mềm, trong đó có việc đầu tư cho các thương vụ M&A. Sau thương vụ tại Đức năm 2014, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tìm kiếm M&A tại các thị trường Mỹ và Nhật". Ông Bình nhiều năm qua khẳng định chiến lược toàn cầu hóa của FPT, theo đó đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các giải pháp thông minh để đón đầu trào lưu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Định vị lại sự phát triển được FPT nhấn mạnh, xuất khẩu phần mềm sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số, các giải pháp phần mềm, viễn thông, nội dung số, tích hợp hệ thống. FPT cũng sẽ đẩy mạnh R&D các giải pháp thông minh để đón đầu xu thế công nghệ đồng thời tìm kiếm cơ hội M&A để tạo động lực tăng trưởng từ bên ngoài. Mảng giáo dục cũng sẽ được thúc đẩy trở thành hệ thống giáo dục đa trình độ, đa ngành, đa phân khúc, đa vị trí.
Tuyết Ân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn