Vì sao chuỗi cửa hàng đồ chơi Toys "R" Us phải tuyên bố phá sản?

Các món đồ chơi có thể thay phiên nhau trở nên thời thượng rồi lại thành lỗi thời, nhưng chúng luôn hiện diện trong cuộc sống của mọi trẻ em. Vậy vì sao Toys "R" Us, nhà bán lẻ đồ chơi lớn nhất ở Mỹ, lại buộc phải tuyên bố phá sản?

Sự bùng nổ của các dịch vụ thương mại điện tử như Amazon là một yếu tố tác động tiêu cực đến Toys “R” Us, nhưng đó không phải là nguyên nhân lớn nhất.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của Toys “R” Us là việc phải gánh khoản nợ trị giá 6,6 tỷ USD mà các quỹ đầu tư Bain Capital và KKR & Co. đã đi vay để mua lại Toy “R” Us, và biến công ty này trở thành công ty tư nhân vào năm 2005. Khi đó, một nhà điều hành KKR cho rằng đây là cơ hội để "biến các cửa hàng Toys “R” Us trở thành một nơi tốt hơn để mua sắm và làm việc".

Tuy nhiên, sự thật là khoản nợ khổng lồ đó đã Toys “R” Us mất khả năng đầu tư vào thương mại điện tử và các sáng kiến ​​mới để cạnh tranh với các đối thủ chuyên về công nghệ như Amazon. Toys "R" Us cho biết vào thứ Hai rằng việc tuyên bố phá sản sẽ cho phép hãng tái cơ cấu và "đầu tư vào tăng trưởng dài hạn".

Ông Charlie O'Shea, nhà phân tích bán lẻ hàng đầu tại Moody's, cho biết rằng do liên tục phải bơi trong biển nợ và bị mất tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là bán đồ chơi, nên Toys "R" Us gần như "liên tục trong tình trạng tái cấp vốn". Mỉa mai thay, Toys "R" Us tuyên bố phá sản giữa lúc doanh số bán đồ chơi tại Mỹ đang gia tăng, ghi nhận mức tăng 5% trong năm ngoái.

Vì sao chuỗi cửa hàng đồ chơi Toys R Us phải tuyên bố phá sản?

Ảnh: Global Trade Magazine.

O'Shea, người đã phân tích kỹ về Toys "R" Us trước và sau thương vụ năm 2005, cho biết: "Ngành bán lẻ nói chung là rất khốc liệt", và các công ty không có tính linh hoạt về tài chính sẽ gặp bất lợi đối với các đối thủ mạnh về vốn như Walmart và Amazon. Vấn đề này càng đặc biệt cấp bách "nếu bạn là một nhà bán lẻ có nhiều nợ trong bảng cân đối kế toán của mình, và Toys "R" Us là một trường hợp tiêu biểu".

Cùng lúc đó, Walmart và Amazon đã giảm giá mạnh các mặt hàng đồ chơi, khiến các bậc cha mẹ không còn trung thành với Toy “R” Us nữa. Công ty cho biết trong hồ sơ phá sản rằng họ "sẽ phải giảm giá mạnh để thu hút khách đến các cửa hàng của mình".

O'Shea nói thêm: "Đây là cuộc cuộc đua đến đáy và sẽ rất khó để công ty cạnh tranh".

Hoạt động bán lẻ của Toys "R" Us sẽ không kết thúc tại đây. Công ty hứa sẽ tận dụng việc phá sản để đóng các cửa hàng sinh lời kém, tập trung phát triển các địa điểm còn lại và tăng tính cạnh tranh.

Bằng cách tìm kiếm sự bảo vệ khỏi các chủ nợ, Toys "R" Us có thể trấn an các nhà cung cấp về khả năng thanh toán tiền mua hàng. Đây là điều đặc biệt quan trọng khi mà kỳ nghỉ lễ cuối năm đang đến gần, vốn thường chiếm gần phân nửa doanh thu của công ty. O'Shea cho biết: "Các nhà cung cấp hiện đã được giải tỏa lo âu phần nào" khi Toy “R” Us nộp đơn xin phá sản.

Dưới đây là 4 lý do chính tại sao Toys "R" Us đã nộp đơn xin phá sản.

Bài nhạc quảng cáo nổi tiếng của Toys "R" Us vào những năm 1980 có đoạn “những đứa trẻ không muốn lớn lên" - điều này luôn đúng, nhưng sở thích đồ chơi của trẻ em đã thay đổi.

Nợ ngập đầu. Toy "R" Us đã luôn phải vật lộn với núi nợ nần, một di chứng từ thương vụ năm 2005. Công ty hiện có một khoản nợ 444 triệu USD đến hạn trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 1/2018), và khoản nợ 2,2 tỷ USD đến hạn trong năm tài chính tiếp theo. O'Shea lưu ý: "Toy “R” Us đang ở chế độ tái cấp vốn liên tục, có vẻ như mỗi năm họ cần phải được tái cấp vốn 1 tỷ USD".

Các đối thủ cạnh tranh liên tục giảm giá. Một trong những chiến lược trong dịp lễ của chuỗi siêu thị Walmart là giảm giá đồ chơi để thu hút người tiêu dùng vào các cửa hàng của mình. Một nghiên cứu cho thấy gã khổng lồ bán lẻ này thường giảm giá các mặt hàng đồ chơi phổ biến ở mức trung bình 54%, so với mức giảm giá của Amazon. Trong các hồ sơ khai phá sản, Toys "R" Us ghi nhận rằng Amazon "không quan tâm đến việc kiếm lợi nhuận tại thời điểm này, khiến cho các đối thủ khác không thể cạnh tranh với mô hình kinh doanh của họ".

Sự phát triển của các trò chơi trực tuyến. Bài nhạc quảng cáo nổi tiếng của Toys "R" Us vào những năm 1980 có đoạn “những đứa trẻ không muốn lớn lên" - điều này luôn đúng, nhưng sở thích đồ chơi của trẻ em đã thay đổi. Ngay cả hãng đồ chơi nổi tiếng Lego của Đan Mạch cũng bị ảnh hưởng, khi doanh số bán hàng của hãng vừa suy giảm lần đầu tiên trong 13 năm qua, một phần do sự phát triển của các trò chơi online.

Nhà cung cấp muốn được trả tiền trước. Lo ngại về việc Toy "R" Us phá sản khiến các nhà cung cấp e sợ về việc công ty mất khả năng thanh toán. Theo hồ sơ khai phá sản của Toy "R" Us , gần 40% các nhà cung cấp trong nước và quốc tế đã mất lòng tin vào công ty và yêu cầu phải được thanh toán tiền trước hoặc ngay khi giao hàng. Toy "R" Us cho biết điều này có thể khiến công ty cần khoảng 1 tỷ USD thanh khoản.

Bá Ước / CBS News
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư