Chuyện thương hiệu: Đừng nói rằng cứ người Việt là phải yêu thương hiệu Việt
Đừng nói rằng cứ người Việt là phải yêu thương hiệu Việt. Muốn xây dựng một thương hiệu vững mạnh, không nên chỉ dựa vào lòng tự tôn dân tộc mà phải đáp ứng nhu cầu thị trường và khơi gợi sự quan tâm từ phía khách hàng.
Trong lịch sử, Việt Nam đã từng có nhiều thương hiệu mạnh như Cao Sao Vàng, xà phòng Cô Ba, kem đánh răng Hynos, bóng đèn phích nước Rạng Đông... Tuy nhiên những biến đổi của nền kinh tế thị trường cùng với quá trình toàn cầu hóa đã khiến nhiều thương hiệu hoặc tồn tại mờ nhạt hoặc lùi vào dĩ vãng và chỉ còn là kỷ niệm “một thời vang bóng”.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu Việt vững mạnh trong giai đoạn hiện nay không phải là chủ đề mới, nhưng tiếp tục được làm nóng trong buổi tọa đàm “Giấc mơ thương hiệu Việt” tổ chức tại Hà Nội sáng 21/9.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty CP Bibica cho biết để nói về thương hiệu, cần đi từng bậc: đầu tiên là thương hiệu cá nhân, rồi đến thương hiệu doanh nghiệp và sau nữa là thương hiệu quốc gia.
“Nói về thương hiệu cá nhân, có thể ví dụ như những bạn cùng tên ở lớp đại học thì được phân biệt với nhau bằng quê hương. Thương hiệu doanh nghiệp muốn có sự khác biệt phải bằng đặc trưng, văn hóa của doanh nghiệp. Thương hiệu quốc gia phải là thương hiệu mang tầm vóc quốc gia, tập hợp nét văn hóa, thuần phong mỹ tục trong thương hiệu”.
Ông Chiến cho rằng một thương hiệu muốn được người tiêu dùng chấp nhận, cần đáp ứng 3 đặc điểm: sản phẩm phải có sự khác biệt và vượt trội; sản phẩm phải gắn liền với văn hóa của Việt Nam; tạo ra sự thân thiện và yên tâm cho người tiêu dùng.
“Chúng ta không thể nói là người Việt phải yêu thương hiệu Việt. Sản phẩm muốn được chấp nhận phải phù hợp với thói quen, phong tục, tập quán của người tiêu dùng”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng thương hiệu thành công là thương hiệu phải cung cấp được thứ thị trường cần, thị trường muốn, đôi khi "chả logic tí nào" nhưng là thứ thị trường sẵn sàng trả tiền.
“Nhu cầu của thị trường quyết định sự thành công của thương hiệu. Phần lớn người thất bại sẽ áp đặt thứ người ta có và bắt người khác chấp nhận”.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc xây dựng thương hiệu mạnh tại Việt Nam tương đối khó khăn. Bên cạnh sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu nước ngoài, tâm lý sính ngoại của người dân trong nước cũng là một rào cản lớn với các doanh nghiệp.
Một báo cáo từ hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra trung bình cứ 10 người mua bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp và đồ uống không cồn thì khoảng 4 người lựa chọn sản phẩm nhập khẩu vì muốn thể hiện đẳng cấp. Tỷ lệ người Việt yêu thích và mua sắm sản phẩm xuất xứ nước ngoài đang nhích lên và dự báo tăng mạnh trong vài năm tới khi cơ hội tiếp cận ngày càng dễ dàng.
Chủ tịch SSI cho rằng xây dựng thương hiệu mạnh là con đường dài, sẽ có nhiều hướng đi và nhiều tranh cãi. Nhưng nhưng chung nhất là mục tiêu thương hiệu phải rõ ràng, tất cả các sản phẩm phải thực hiện trên nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng.
Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp hãy nghĩ cách để khơi gợi lòng trắc ẩn của người tiêu dùng, khơi gợi sự quan tâm của người Việt đối với sản phẩm.
“Tôi nhớ hồi bé, trên bàn thờ Tết luôn có gói bánh kẹo Hữu Nghị, cốc nước ngon nhất với tôi là nước Xá Xị của nước ngọt Chương Dương cách đây 40 năm, hoặc là những hộp cao Sao Vàng. Hôm nay nhìn lại những thứ còn mất, mai một, trước khi nghĩ xây một cái mới thì mọi người hãy nghĩ về lòng trắc ẩn, sự khơi gợi mà tôi nhắc đến”.
Hồng Lam
Nguồn Trí thức trẻ