Kinh tế tiêu dùng Việt Nam chuẩn bị cho thế hệ Z

Nền kinh tế tiêu dùng của Việt Nam đang xoay trục sang thế hệ Y, thế hệ công dân số có độ tuổi từ 18-35. Nhưng lớp khách hàng tiêu thụ chính của hầu hết các nhãn hàng rồi sẽ nhanh chóng dịch chuyển sang thế hệ Z, những khách hàng tiềm năng trên 10 tuổi.

Theo nghiên cứu của Tetra Pak, người Việt dành khoảng 48 giờ mỗi tuần cho việc sử dụng các thiết bị số.

Sự thay đổi thói quen tiêu dùng của tầng lớp công dân trẻ đã tạo nên làn sóng tại Châu Á Thái Bình Dương. Trong năm qua, chỉ riêng khu vực này đã chiếm 70% tăng trưởng tổng lượng người dùng internet toàn cầu, 64% tăng trưởng của lượng người dùng mạng xã hội trên di động. Điểm qua những nhãn hàng lớn như Nestle, Budweiser, Coca-Cola, đâu là lý do khiến công nghệ thực tế ảo được ứng dụng trong thiết kế bao bì tại các dịp đặc biệt? Trong một thế giới đang kết nối mỗi khoảnh khắc, các nhãn hàng ngày càng khó khăn hơn trong việc chinh phục khách hàng mục tiêu.

Sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người trẻ thế hệ Y (18 – 35 tuổi) đang khiến các nhãn hàng đối mặt với nhiều thách thức cũng như cơ hội trong việc tiếp cận. Đây là nhóm khách hàng mục tiêu của nhiều nhãn hàng trong hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh đó, thế hệ Z (từ 10 tuổi trở lên) được coi là những công dân của thế giới ảo, đang lớn lên mỗi ngày và trở thành lớp khách hàng tiềm năng tiếp theo.

Kinh tế tiêu dùng Việt Nam chuẩn bị cho thế hệ Z

Ảnh: Maika Elan.

Ví dụ với sản phẩm Milo, một sản phẩm hướng tới khách hàng thế hệ Z. Để thu hút bộ phận khách hàng này, năm 2016 Nestle cùng hãng sản xuất bao bì Tetra Pak đã kết hợp cho ra sản phẩm bao bì có tính tương tác cao với các khách hàng nhỏ tuổi. Chỉ cần quét sticker được in trên mỗi sản phẩm bao bì và tải phần mềm trên thiết bị di động, những khách hàng nhí có thể hóa thân vào các cầu thủ trong các trận đấu “ảo” trên thiết bị di động. Hay với Cocacola với bao bì có thể làm kính thực tế ảo dùng cho máy tính bảng hoặc thiết bị di động.

Thế nhưng, nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ dừng tại đó. Bà Libby Costin, phó giám đốc tiếp thị và quản lý sản phẩm Tetra Pak Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương cho biết tại Tetra Pak đang thử nghiệm việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới như thực tế ảo trong sản xuất bao bì để giúp các thương hiệu thu hút và kết nối với những thế hệ người tiêu dùng mới.

Theo nghiên cứu của Tetra Pak, khi lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, nơi điện thoại thông minh và mua sắm trực tuyến trở thành chuẩn mực, thời gian quan tâm của mỗi khách hàng đến một sản phẩm sẽ ngắn hơn so với trước. 53% dân số Việt Nam đang sử dụng internet, 48% sử dụng mạng xã hội.

Số lượng người dùng tin vào quảng cáo trên truyền thông xã hội hoặc kênh quảng cáo trên internet tương đương nhau, đạt mức trên 30%. Truyền hình và quảng cáo qua thiết bị di động nhận được ít sự ủng hộ hơn, chỉ ở mức 28%.

Thời gian kết nối bình quân của người Việt khoảng 48 tiếng mỗi tuần trên các thiết bị khác nhau, so với thời gian lao động được quy định trong Luật là 40 – 44 tiếng/tuần, thì thời lượng kết nối này là một con số đáng phải suy nghĩ.

Nghiên cứu của Tetra Pak cho thấy có tới 62% những người được hỏi cho biết họ quyết định dùng một sản phẩm từ lời giới thiệu của gia đình, bạn bè. Cứ một nửa trong số 100 người được hỏi vẫn tin vào những lời nhận xét, giới thiệu độc lập của các cá nhân đã sử dụng sản phẩm. Số lượng người dùng tin vào quảng cáo trên truyền thông xã hội hoặc kênh quảng cáo trên internet tương đương nhau, đạt mức trên 30%. Truyền hình và quảng cáo qua thiết bị di động nhận được ít sự ủng hộ hơn, chỉ ở mức 28%.

Sự chủ động của người tiêu dùng đang khiến cục diện tương quan giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm thay đổi. Khách hàng ngày càng trở nên khó tính. Các thông tin quảng cáo đang được khách hàng kiểm nghiệm và tìm hiểu cụ thể trước khi đưa ra quyết định mua cuối cùng. “Kết nối di động đang trở thành một phần không thể thiếu” – báo cáo của Tetra Pak nhận định. Thông tin minh bạch về sản phẩm vì vậy trở nên hấp dẫn hơn khi nhu cầu truy xuất nguồn gốc ngày càng được chú ý.

Minh Thư
Nguồn Forbes Vietnam