CEO Thế Giới Di Động: 'Chúng tôi chỉ chạy đua với chính mình'

CEO Trần Kinh Doanh của Thế Giới Di Động cho biết công ty này không có thói quen nhìn xem đối thủ là ai, làm gì. Họ chỉ chạy đua với chính bản thân mình.

Thế Giới Di Động (TGDĐ) vừa đưa ra thông báo sẽ đóng cửa cửa hàng số 89A Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM) từ ngày 1/10. Đây chính là cửa hàng gốc để TGDĐ phát triển một đế chế với hệ thống gần 1.600 cửa hàng trong 13 năm qua.

Mới đây, họ cũng là công ty duy nhất của Việt Nam lọt vào top 50 công ty niêm yết hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Asia’s Fab 50) với giá trị vốn hóa 1,5 tỷ USD và doanh thu 2 tỷ USD năm 2016.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Kinh Doanh, CEO TGDĐ.

Không nhìn vào đối thủ để kinh doanh

* Để miêu tả ngắn gọn về TGDĐ trong thời gian qua, ông có thể dùng từ gì? Đâu là điểm ông chưa hài lòng về doanh nghiệp?

Năm 2016 và thời gian qua của 2017, chúng tôi làm nhanh và nhiều hơn tất cả những gì đã làm trước đó. Chúng tôi tăng trưởng 76% so với 2015, doanh thu từ 25.000 tỷ đồng lên 44.000 tỷ đồng năm 2016, hoàn thành 128% kế hoạch.

Tôi không thấy điểm gì chưa hài lòng ở TGDĐ (cười).

CEO Thế Giới Di Động: Chúng tôi chỉ chạy đua với chính mình

Ông Trần Kinh Doanh - CEO của Thế Giới Di Động.

* Ông có nghĩ thị trường bán lẻ Việt Nam chưa có những người làm thực sự tốt nên TGDĐ mới dễ dàng vượt lên như vậy?

Tôi nghĩ mình nhanh là do chính bản thân mình, chứ không thể nói là do người khác yếu kém. Chúng tôi quen với chuyện tự chạy đua với chính mình. Chúng tôi không nhìn vào đối thủ mà chỉ nhìn vào khách hàng. Họ luôn có nhu cầu cao hơn, cần được phục vụ nhiều hơn. Nếu không theo được khách hàng và đón đầu trong ngành này, doanh nghiệp sẽ chết.

Khi làm như vậy, chúng tôi không quan tâm đến đối thủ xung quanh. Với chúng tôi, nhìn vào đối thủ nghĩa là đã đi lạc đường.

* 2016 là Điện Máy Xanh, đâu là sản phẩm được đầu tư trọng điểm năm nay của TGDĐ?

Ngoài việc phát triển hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, chúng tôi đưa ra 3 mục tiêu mới từ cuối năm ngoái: phát triển Bách Hóa Xanh, xuất ngoại và thương mại điện tử. Thực tế, những mục tiêu này đều đã được thực hiện trong năm 2016 nhưng chưa “rùm beng”.

2017 là năm to lớn của Bách Hóa Xanh. Nếu thành công, bạn sẽ thấy nó giống Điện Máy Xanh năm 2016, đi đâu cũng gặp. Con số sẽ rất lớn, tính theo nghìn shop. Chúng tôi rất kỳ vọng, dồn quyết tâm vào Bách Hóa Xanh.

Chúng tôi cũng dự kiến mở khoảng 10-15 shop bán lẻ di động ở Phnom Penh (Cambodia) trong năm nay.

"Nhìn vào đối thủ nghĩa là bạn đang đi lạc đường."

* Viettel, Zalo và TGDĐ xuất ngoại đều chọn những thị trường chưa phát triển để đầu tư, ông có nghĩ rằng doanh nghiệp Việt không đủ sức cạnh tranh ở các thị trường lớn?

Tôi nghĩ việc chọn những nước phát triển thấp hơn Việt Nam là hợp lý vì khi đó nhu cầu về dịch vụ của họ thấp hơn, khả năng của mình có thể tạo ra dịch vụ tốt hơn nhu cầu của họ. Với các thị trường phát triển, tôi không dám chắc nhưng nghĩ là khó.

Phục vụ là cốt lõi của kinh doanh bán lẻ

* Bán điện thoại, điện máy, rau quả, sắp tới là thương mại điện tử, ông có sợ TGDĐ lâm vào cảnh: "1 nghề thì sống, đống nghề thì chết?"

Chúng tôi không sợ chuyện đó vì nghề chính của chúng tôi vẫn là công việc bán lẻ, chỉ có mặt hàng là khác. Một ngày nào đó, TGDĐ có thể bán đồng hồ, máy tính nhưng chắc chắn không có khả năng chúng tôi đi sản xuất điện thoại. Chúng tôi sẽ không bước ra khỏi giá trị cốt lõi của mình là bán lẻ.

CEO Thế Giới Di Động: Chúng tôi chỉ chạy đua với chính mình

* Vậy sau những sản phẩm này, TGDĐ sẽ tiếp tục bán cái gì?

- Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện mở rộng thêm các mảng nữa vì chỉ với những thứ hiện tại, lãnh đạo TGDĐ đã bở hơi tai rồi. Tuy nhiên, sau những thị trường lớn như điện máy, bách hóa, chúng tôi cũng cho rằng máu thì làm tiếp, nhưng phải tìm cái gì đó mà nhu cầu của người dùng thực sự lớn.

* Ở Việt Nam, văn hóa phục vụ chưa thực sự được coi trọng trong khi cách phục vụ của các ông được đánh giá cao. Phương pháp là gì, thưa ông?

Chúng tôi xác định phục vụ trong bán lẻ là cốt lõi của kinh doanh. Từ cấp cao nhất đến cấp quản lý đều phải sống với tinh thần này.

Đào tạo như thế nào thì cũng có nhiều phương pháp. Chẳng hạn, từ khi tuyển dụng chúng tôi đã có những biện pháp để nhận định xem con người đó có phù hợp với việc phục vụ người khác hay không. Nếu cảm nhận thấy họ không phù hợp, chắc chắn chúng tôi không nhận.

Trong quá trình đào tạo, yếu tố này sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong công việc, có nhiều nguyên tắc để đánh giá và yếu tố phục vụ được đặt ở vị trí rất quan trọng. Đó là lý do nó trở thành một thứ văn hóa.

"Tôi dùng một chiếc điện thoại vỡ màn hình, xe có vài cái chạy cho vui."

* Văn hóa nội bộ của TGDĐ ra sao, có chuyện "chửi sếp được tăng lương" hay không?

Nội bộ TGDĐ thì không có chuyện như bạn nói nhưng chúng tôi đề cao tính trung thực, tinh thần làm việc máu lửa và quyết liệt. “Cam kết gì thì phải thực thi điều đã nói” là điều chúng tôi đề cao. Làm gì cũng phải máu lửa, cam kết phải thực hiện.

Tình yêu với công việc là động lực tốt nhất

* Nhiều công ty lớn khi lên sàn, có tiền, nhân viên thành triệu phú, họ có dấu hiệu chững lại, không phát triển, TGDĐ làm gì để giữ động lực làm việc cho họ?

Thực sự chúng tôi chưa biết làm sao để nhân viên hết sức ì. Nhưng tôi nghĩ như anh Tài (ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT TGDĐ) rất giàu, tôi cũng có “chút đỉnh”. Những người có nhiều tiền vẫn lao đầu vào làm thì chắc nhân viên cũng lao động thôi.

Quan trọng là làm sao để nhân viên cảm thấy yêu công việc, tìm được niềm vui trong công việc.

* Nhiều người thắc mắc CEO của TGDĐ dùng điện thoại nào, đi xe gì, lịch sinh hoạt như thế nào?

Tôi dùng một chiếc điện thoại rất bình thường, hiện tại còn đang bị vỡ màn hình (theo quan sát của phóng viên là một chiếc di động Huawei). Xe thì có vài cái đang chạy cho vui. Lịch làm việc của tôi rất kín, hầu như kín mít. Các hoạt động giải trí cá nhân diễn ra vào cuối tuần, hoặc khi nào sắp xếp được.

Thành Duy - Lê Phát
Nguồn Zing News