Từ công nghệ đến… bao tử
Trong cái thời tech everything – cái gì cũng phải có công nghệ nhúng tay vào, ngành ẩm thực không là ngoại lệ.
Trước giờ mô hình ẩm thực của bạn ra sao không biết, nhưng nếu nó không được cập nhật để 4.0 hơn thì có lẽ bạn đang di chuyển ngược thời gian.
Bắt đầu từ đâu?
Để bắt tay vào ứng dụng công nghệ thì người bình thường không hiểu lắm về công nghệ sẽ vô cùng lúng túng vì không biết bắt đầu từ đâu?
Thật ra công nghệ chỉ là công cụ giúp mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn, ví dụ như tiếp cận mọi lúc mọi nơi tốt hơn, tương tác dễ dàng và đơn giản hơn, loại bỏ được những vấn đề khó khăn hiện có cho khách hàng khi tìm hiểu, đặt hàng, phản hồi… trong hành trình kết nối. Cũng là việc giải quyết vấn đề mang lại giá trị nhiều hơn, tốt hơn cho khách hàng, ngày trước doanh nghiệp có thể nghĩ đến nhiều hình thức truyền thống khác nhau. Tuy nhiên, ngày nay, cách nghĩ phải nghiêng về sử dụng công nghệ. Đơn giản là vì khách hàng thời đại mới lúc nào cũng kết nối, làm gì cũng trên điện thoại và mọi hành vi tiêu dùng của họ hoàn toàn phụ thuộc vào thiết bị kết nối.
Do vậy, nếu bạn đang có mô hình ẩm thực cũ thì hãy nên nâng cấp và đưa công nghệ vào phục vụ ngay. Nếu là mô hình mới thì công nghệ trở thành một mảnh ghép trong định vị của mô hình. Ngoài ra, sự nở rộ của các ứng dụng (app) và dịch vụ cộng thêm cho ngành như dịch vụ nhận đặt hàng, giao hàng tận nơi đang hoàn toàn thay đổi hành vi tiêu dùng trong ngành ẩm thực. Dưới đây là những xu hướng chính về ứng dụng công nghệ vào mô hình ẩm thực để nâng cấp mô hình lên 4.0 cho doanh nghiệp tham khảo.
Công nghệ thay thế con người
Nếu ngày xưa mọi dịch vụ đều qua tương tác giữa khách hàng và nhân viên phục vụ, thì một số tương tác này ngày nay đã và đang được thay thế bằng ứng dụng công nghệ. Menu giờ đây thể hiện trên màn hình và khách hàng tự động đặt hàng. Cách này không những hiệu quả về thời gian mà còn giảm thiểu mọi rủi ro về sai sót trong cách ghi nhận đặt hàng truyền thống. Ngoài ra, đối với thế hệ số, việc tương tác bằng công nghệ không phải là giá trị cộng thêm mà là dịch vụ cơ bản cần phải có. Và họ sẽ chọn thương hiệu nào có thể hiểu được nhu cầu kết nối của họ. Khi đã bắt đầu tương tác bằng công nghệ rồi, nhiều giá trị cộng thêm khác từ đó mà sinh ra.
Ví dụ mô hình nhà hàng thức ăn nhanh ZA xuất hiện năm 2016 tại Pháp. Khách hàng đặt hàng trên điện thoại, bằng ứng dụng định vị địa điểm, nhà hàng có thể ghi nhận đơn hàng được đặt tại bàn nào. Bữa ăn sau khi chuẩn bị xong sẽ được tự động chuyển đến đúng bàn bằng băng chuyền.
Tương tự, tại nhà hàng pizza mang tên Czyli Zurawia ở Phần Lan, nhà hàng này cho phép khách hàng tự ghép bánh pizza theo sở thích riêng trên màn hình, đặt hàng sau khi ghép xong, gọi phục vụ khi cần trợ giúp, chơi game trong khi chờ đợi và thanh toán sau khi ăn xong. Tất cả đều qua màn hình trên bàn ăn.
Ki ốt đặt hàng tự động
Đối với những mô hình thức ăn nhanh trước giờ vẫn bắt khách hàng xếp hàng chờ đến phiên đặt hàng, mọi thứ giờ đây đã nhanh và dễ dàng hơn. Khách hàng có thể tự động đặt hàng trên ki-ốt tự động, nhận số thứ tự và hóa đơn rồi ngồi chờ nhận thức ăn. Công nghệ đã giúp ki-ốt tự động giải quyết được vấn đề phải xếp hàng, chờ lâu, đặt hàng sai sót, đồng thời cũng qua đó tăng thêm giá trị đơn hàng bằng cách cho khách hàng chọn thêm theo sở thích. Ứng dụng này được McDonald’s đưa vào sử dụng từ năm 2016 rất thành công. Tuy nhiên, một số mô hình start-up về ẩm thực sau này cũng đi trước đón đầu và đưa vào sử dụng ngay từ khi mới ra đời.
Tự động hóa qui trình
Không phải ứng dụng công nghệ nào cũng để phục vụ khách hàng. Qui trình nào không cần mức độ sáng tạo, lặp đi lặp lại, chỉ sử dụng lao động phổ thông, đều có thể được tự động hóa để giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu ra, qua đó tăng tỷ lệ lãi ròng cho doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là mô hình Gyoza Labo tại Nhật (nhà hàng thức ăn nhanh chuyên về bánh há cảo kiểu Nhật). Mô hình này có bếp mở cho khách hàng xem cách làm bánh, nhưng lại hoàn toàn tự động hóa do robot thực hiện mọi công đoạn. Bánh được làm theo đặt hàng của khách hàng. Vì vậy khách hàng có thể đến xem bữa ăn của mình được chế biến và hoàn thiện thế nào ngay sau khi đặt hàng. Nhà hàng cũng có một con robot chuyên tương tác và giải thích mọi thắc mắc của khách hàng trên menu khi cần. Còn khi khách hàng ngồi chờ, muốn được giải trí thì robot này cũng kiêm luôn hát múa theo yêu cầu.
App cung cấp dịch vụ
Có lẽ bước đầu tiên dễ ứng dụng nhất là sử dụng dịch vụ của bên cung cấp thứ 3 dành cho ngành ẩm thực. Đây là cơ hội của các start-up công nghệ và cũng là giải pháp cho nhiều mô hình ẩm thực nhỏ chưa có khả năng đầu tư. App có thể là nền tảng chung cho nhiều nhà hàng, cho doanh nghiệp ẩm thực thuê theo tháng, giải quyết vấn đề xem menu, gọi phục vụ, đặt hàng, xem hóa đơn tức thì, thanh toán…
Ví dụ cụ thể là app Mamila vừa tung ra năm 2016 tại Slovakia. App cũng kết nối với số bàn bằng cách scan mã QR được để sẵn trên bàn. Ngoài ra, chatbot trên messenger hiện nay cũng được ứng dụng vô cùng rộng rãi. Chẳng hạn, nhà hàng Buckaroo tại Singapore đã đưa chatbot vào việc nhận đặt hàng của khách, đặt tên cho con bot là Chatobook. Khách hàng giờ đây có thể đặt hàng online, đặt bàn trước, bằng cách tương tác với con bot này. Nhiều chuỗi ẩm thực lớn như: Domino’s, Pizza Hut, Taco Bell, cũng đã từng áp dụng công nghệ nhắn tin đặt hàng trước đây. Tuy nhiên, với ứng dụng miễn phí của messenger chatbot, các doanh nghiệp ẩm thực nhỏ và nhà hàng độc lập giờ đây hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ này vào dịch vụ khách hàng.
Thanh toán di động
Nếu nói về ứng dụng công nghệ trong thanh toán thì ứng dụng lớn nhất có thể nói là qua điện thoại di động, bởi nó diễn ra tức thì, tiện lợi và không phải lo mang theo tiền mặt. Bên cạnh đó, ứng dụng này thu thập dữ liệu và phục vụ tốt nhất, chính xác nhất, minh bạch nhất cho các chương trình điểm thưởng, chương trình khách hàng thân thiết. Ngoài Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường dẫn đầu về thanh toán qua di động, các thị trường châu Á khác trong top 10 còn có Ấn độ, Nhật, Indonesia. Đây là vấn đề cần lưu ý đối với các mô hình ẩm thực Việt Nam có tầm nhìn vươn ra khu vực hay thế giới. Ngoài vấn đề về sản phẩm, doanh nghiệp rất cần phải nắm bắt xu hướng công nghệ để xây dựng mô hình hiện đại và cập nhật hơn khi muốn xuất khẩu mô hình.
Nhà hàng ảo
Xưa thì nhà hàng phải có địa điểm, tốn tiền thuê và số phận phụ thuộc vào 3 chữ location – location – location (địa điểm). Với nhà hàng ngày nay, location là ở trên mây, nơi khách hàng sử dụng thời gian nhiều nhất. Vì vậy, nhiều nhà hàng ảo 4.0 đã ra đời và được đón nhận hết sức nhiệt tình. Ví dụ nhà hàng ảo Foorban ra đời năm 2016 tại Ý chẳng hạn. Đây là mô hình chỉ giao hàng, không phục vụ tại chỗ với menu thay đổi thường xuyên theo mùa và ẩm thực theo phong cách Ý và Địa Trung Hải. Nhà hàng ảo này tập trung phục vụ khách bữa ăn trưa khi không có thời gian di chuyển và giao hàng miễn phí nếu đơn đặt hàng nhận trước 12 giờ trưa.
Đi về phía tương lai, doanh nghiệp ẩm thực chỉ có một con đường là đồng hành cùng công nghệ. Tương lai là thế. Ta chỉ có một lựa chọn là tiến tới hay biến mất mà thôi. Công nghệ không chỉ thay đổi cách doanh nghiệp tương tác với khách hàng mà còn thay đổi hoàn toàn cách quản trị sản xuất, chuỗi cung ứng, hiệu quả kinh doanh. Hiện thực là vậy, cho đến khi con người quá stress vì công nghệ, cần ngắt kết nối và trở về với thiên nhiên!
Doanh nghiệp ẩm thực nên làm gì và như thế nào?
- Theo dõi các xu hướng công nghệ mới đang có trên thị trường
- Quan tâm đến các ứng dụng và dịch vụ cộng thêm
- Mua hoặc thuê các ứng dụng từ đơn giản đến đa dạng, dễ dàng tích hợp và kết nối
- Dùng công nghệ để tương tác và quản trị hiệu quả
Nguyễn Phi Vân
Nguồn Doanh Nhân Online