200 triệu USD và tham vọng của CGV

Trước sức nóng của thị trường điện ảnh, việc CGV đổ mạnh 200 triệu USD trong 4 năm tới để nâng cấp và mở rộng hệ thống tại Việt Nam cho thấy tham vọng trong chiếm lĩnh thị trường của "ông lớn" này.

Tham vọng lớn

Mới đây, Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) chính thức khai trương cụm rạp thứ 50 – CGV Parkson Đồng Khởi, tọa lạc tại Tầng 5, TTTM Parkson Đồng Khởi, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh.

Cụm rạp mới được đầu tư quy mô 5 phòng chiếu hiện đại, với 404 ghế ngồi đạt tiêu chuẩn quốc tế và đặc biệt là một phòng chiếu giường nằm L’amour sang trọng thứ 2 tại Việt Nam. Với việc tiếp tục mở thêm nhiều cụm rạp chiếu mới trên cả nước, CGV một lần nữa khẳng định cam kết của mình trong việc phát triển cơ sở hạ tầng điện ảnh chất lượng cao tại Việt Nam, nhằm mang cơ hội trải nghiệm điện ảnh đến cho ngày càng nhiều người dân trên khắp cả nước.

Với việc khai trương cụm rạp mới này, CGV đang vận hành 50 hệ thống cụm rạp trên cả nước, với 313 phòng chiếu và 42,795 ghế ngồi.

Ông Dong Won Kwak, Tổng giám đốc của CJ CGV Vietnam, cho biết thị trường giải trí của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, ước tính hơn 20%, mang lại tiềm năng rất lớn cho các nhà đầu tư và cũng như lợi nhuận cao gấp 4 -5 lần.

Dong Won Kwa

Ông Dong Won Kwak, Tổng giám đốc của CJ CGV Vietnam.

Dư địa lớn như vậy nhà đầu tư Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 200 triệu USD trong 4 năm tới để nâng cấp và mở rộng hệ thống tại Việt Nam, bao gồm cả các thành phố cấp hai và vùng sâu, vùng xa.

Chiến lược đầu tư này còn hỗ trợ đầu tư cho các nhà sản xuất phim Việt Nam ứng dụng công nghệ mới và đưa sản phẩm của họ vào hệ thống rạp chiếu phim CGV trên quy mô toàn cầu.

Hồi tháng 5, CJ CGV đã khai trương các phòng chiếu phim kỹ thuật số hấp dẫn ScreenX tại Hà Nội và TP. HCM. Công nghệ này do CJ CGV phát triển và đã được sử dụng tại hơn 100 rạp tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

CJ CGV Việt Nam cũng đang thử nghiệm một số công nghệ khác cho màn hình lớn và dự kiến sẽ giới thiệu các dịch vụ mới tại Hà Nội và TP. HCM trong vài tháng tới, nằm trong kế hoạch đầu tư 70 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong năm nay.

CJ hiện là nhà phân phối điện ảnh lớn nhất của Việt Nam và đạt doanh thu 1,8 nghìn tỷ đồng năm 2016, và 93 tỷ đồng lợi nhuận, gấp gần 3 lần so với năm 2015.

Mỗi năm, CGV dự kiến đầu tư xây dựng 12-15 cụm rạp mới, trong đó có 4-5 cụm rạp tại các tỉnh thành xa. Với tổng vốn đầu tư 4 - 7 triệu USD cho mỗi rạp, tổng vốn đầu tư của CGV vào Việt Nam năm 2017 lên tới 70 triệu USD.

"Chúng tôi tin rằng, với tiềm năng phát triển thị trường, cùng với định hướng chiến lược phát triển của nhà nước và sự đầu tư mạnh mẽ của các cổ đông trong ngành, trong vòng 5-7 năm tới Việt Nam sẽ sớm nằm trong top 5 thị trường điện ảnh phát triển nhất trên thế giới", Tổng giám đốc của CJ CGV Vietnam chia sẻ.

"Miếng bánh" không dễ xơi

Tạp chí Hollywood Reporter đánh giá, Việt Nam nằm trong danh sách “thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD”. Rõ ràng thị trường điện ảnh Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn thực sự “bùng nổ”. Với mức tăng trưởng doanh thu bình quân 20-25%, dự báo thị trường sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

200 triệu USD và tham vọng của CGV

Toàn ngành chiếu phim Việt Nam hiện có khoảng 140 cụm rạp, doanh thu toàn ngành đạt khoảng 130 triệu USD trong năm 2016 và dự kiến sẽ tăng trưởng lên mức 200 triệu USD trong năm 2017. Một khảo sát tại thị trường Việt nam cho thấy 55% người Việt đến rạp xem phim ít nhất một lần một tháng và bình quân mỗi người chi khoảng 4.04 USD một tháng cho việc xem phim.

Điều này khiến cho thị trường điện ảnh Việt Nam trở thành “miếng bánh ngon” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Bánh ngon" đi liền với cạnh tranh khốc liệt. Tuy đang ở vị trí dẫn đầu về số lượng phòng chiếu cũng như doanh thu tuy nhiên, CGV vẫn chịu sự bám đuổi khốc liệt của các đối thủ.

“Người đồng hương” Lotte Cinema cũng không hề kém cạnh với 31 cụm rạp ở 19 tỉnh, thành trên toàn quốc, đại diện của Lotte Cinema cho biết, năm 2017 sẽ mở rộng thêm nhiều cụm rạp mới, nhắm tới các thành phố chưa có rạp chiếu phim hiện đại.

Ngoài ra, các cụm rạp của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng đang trên đà phát triển như: Galaxy (Thiên Ngân), Cinebox rất phát triển tại Tp.HCM. Mới đây, hệ thống rạp Galaxy cũng “Bắc tiến” nhằm mở rộng thị phần với việc mở cụm rạp Galaxy Cinema Mipec Long Biên (Hà Nội), nâng tổng số cụm rạp Galaxy lên 7 cụm rạp, cùng những cái tên mới nhưng hứa hẹn sẽ lớn mạnh trong tương lai như: Mega GS của Công ty Sóng Vàng, hay Cinestar…

Không chỉ cạnh tranh khốc liệt, việc đầu tư một phòng chiếu tiêu chuẩn tốn chi phí rất lớn. Theo tiết lộ của chủ rạp Mega GS, tùy vào quy mô, vị trí, cách thiết kế và số lượng phòng chiếu, số tiền đầu tư ban đầu cho mỗi cụm rạp từ khoảng 40 - 180 tỷ đồng và phải hoạt động liên tục từ 4 - 6 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới thu hồi được vốn.

Toàn ngành chiếu phim Việt Nam hiện có khoảng 140 cụm rạp, doanh thu toàn ngành đạt khoảng 130 triệu USD trong năm 2016 và dự kiến sẽ tăng trưởng lên mức 200 triệu USD trong năm 2017.

Một vấn đề khác là việc tìm kiếm mặt bằng có vị trí đắc địa cho rạp phim ngày càng khó khăn vì phải thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật về diện tích sàn, chiều cao, tải trọng...

Sau khi tìm được địa điểm, các nhà đầu tư lại phải nghiên cứu và đàm phán với chủ đất để có giá thuê hợp lý. Theo nghiên cứu của đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE Việt Nam, giá thuê mặt bằng ở Việt Nam thuộc loại đắt đỏ tại Đông Nam Á. Đặc biệt, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm tại các thành phố lớn như TP.HCM, đã tăng 15% trong năm qua, đắt gấp 3 lần so với bình quân toàn thị trường.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư bất động sản chưa nhìn thấy được tầm quan trọng của rạp chiếu phim trong các trung tâm thương mại nên thường chưa tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất. Các nhà kinh doanh cụm rạp thường phải tự xây dựng hệ thống, vì thế, làm đẩy chi phí đầu tư cụm rạp cao hơn 10-20% so với đầu tư rạp tại các nước trong khu vực.

Tạp chí Hollywood Reporter đánh giá, Việt Nam nằm trong danh sách “thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD”. Rõ ràng thị trường điện ảnh Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn thực sự “bùng nổ”. Với mức tăng trưởng doanh thu bình quân 20-25%, dự báo thị trường sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Bùng nổ đi đôi với thách thức, cạnh tranh. Và đó có lẽ cũng là bài toán của CGV khi muốn nâng cao hơn nữa thị phần của mình.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp