Doanh thu bán lẻ trực tuyến ở Thái Lan tăng trưởng 100%, Việt Nam học tập được gì?
Theo Maybank Kim Eng, sóng thương mại điện tử đang cất cánh ở Đông Nam Á và còn nhiều dư địa để phát triển.
Vài năm gần đây, Thái Lan chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động mua sắm qua mạng internet trong bối cảnh người tiêu dùng trở nên am hiểu về công nghệ nhiều hơn. Con sóng thương mại điện tử đang cất cánh ở Đông Nam Á.
Doanh số bán lẻ trực tuyến tại Thái Lan ở tất cả các mặt hàng từ máy giặt, TV đến nước mắm đều tăng hơn 100%. Đó là một con số khủng khiếp, vượt xa các giao dịch mua sắm được thực hiện tại các cửa hàng truyền thống - nơi mà doanh thu bán hàng đang tăng khoảng 10%.
Đó là kết quả của một sự kết hợp ăn ý giữa đường truyền internet nhanh, mạnh ở trong nước và thành công của các nhà bán lẻ trực tuyến như Lazada. Total Access Communication - công ty điện thoại di động lớn thứ 3 của Thái Lan ước tính mỗi ngày người Thái tiêu tốn 6 tiếng đồng hồ để vào các trang mạng xã hội như Facebook và Youtube.
Theo Maybank Kim Eng, Thái Lan là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chia dữ liệu doanh thu bán lẻ thành trực tuyến và ngoại tuyến. Đó là chỉ dẫn hữu ích cho các công ty hoạt động trong ngành thương mại điện tử tại đây.
Báo cáo của Chua Hak Bin và Lee Ju Ye - 2 nhà kinh tế thuộc Maybank cho biết trong khi doanh số bán hàng trực tuyến tại Đông Nam Á đang trên đà tăng trưởng mạnh, hoạt động này vẫn chỉ chiếm chưa tới 4% tổng giao dịch mua bán lẻ.
Các thị trường lớn hơn như Trung Quốc và Hàn Quốc có tỷ lệ tham gia thương mại trực tuyến cao hơn (Trung Quốc là 16% và Hàn Quốc là 18%). Theo Maybank, điều đó cho thấy tiềm năng rất lớn của Đông Nam Á - nơi mà tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử có thể tăng lên 5-10% tổng giá trị giao dịch mua bán lẻ trong 5 năm tới.
Tháng 9 năm ngoái, tỷ phú Jack Ma đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Indonesia để trở thành cố vấn Ban chỉ đạo thương mại điện tử của chính phủ quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Macquarie Research ước tính doanh số bán lẻ trực tuyến ở Indonesia có thể đạt 65 tỷ USD vào năm 2020.
Hiện nay, Indonesia cũng là quốc gia có thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á với quy mô 1,7 tỷ USD, chiếm 0,6% tổng doanh thu bán lẻ. Thị trường bán lẻ của Việt Nam bé nhất trong số 6 nền kinh tế Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam), nhưng cũng có tỷ lệ tổng doanh thu bán lẻ tương đương với Indonesia.
Tuy nhiên, Maybank đánh giá trong bối cảnh làn sóng thương mại điện tử đang gia tăng, sự thiếu thốn các số liệu chính thức cho thấy sức khỏe của thị trường tiêu dùng ở Đông Nam Á đang bị xem nhẹ. Theo dõi hoạt động tiêu dùng cần nhiều chỉ tiêu đánh giá hơn không chỉ dừng lại ở doanh số bán lẻ.
Anh Sa / Bloomberg
Nguồn Trí thức trẻ