Vì sao FPT rút một chân khỏi bán lẻ?
Cuối cùng, việc giảm tỉ lệ sở hữu xuống dưới 50% ở mảng bán lẻ của Công ty Cổ phần FPT đã bước đầu hoàn tất. Mặc dù FPT được cho là sẽ tập trung vào mảng cốt lõi là công nghệ trong thời gian tới nhưng tham vọng ở mảng bán lẻ chưa hẳn chấm dứt.
Tỉ lệ còn dưới 50%
Giữa tháng 8 vừa qua, Dragon Capital và VinaCapital đã hoàn tất việc mua lại 6 triệu cổ phiếu (30% vốn) tại FPT Retail. Thương vụ này đã kéo tỉ lệ sở hữu của FPT tại công ty này từ 85% xuống 55%. Chưa dừng lại, FPT sẽ tiếp tục rao bán 10% nữa để giảm tiếp tỉ lệ xuống còn dưới 50% như định hướng đầu năm nay. “Tiêu dùng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của VinaCapital. Nhu cầu về điện thoại và thiết bị di động của người dân Việt Nam rất lớn và đây được xem là công cụ thứ hai của họ để giao tiếp và truy cập internet”, ông Andy Ho, Giám đốc VinaCapital, cho biết.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng Giám đốc FPT Retail, cho biết FPT Trading, tiền thân của FPT Retail trước khi tách làm hai pháp nhân riêng biệt, cũng đang thương thảo với đối tác. Tuy nhiên, bà Điệp từ chối cho biết ai là người mua, tỉ lệ mua bao nhiêu và khi nào thương vụ sẽ hoàn thành.
Từ khi lên sàn vào năm 2006, cổ phiếu của FPT nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư. Ba mảng đóng góp doanh thu chính cho FPT là bán lẻ, gia công phần mềm và viễn thông. Tuy nhiên, mảng bán lẻ dù đóng góp đến 2/3 doanh thu cho Công ty nhưng lợi nhuận đem về luôn kém hơn mảng viễn thông và gia công phần mềm. Thực ra, không phải đến bây giờ, việc thoái vốn FPT Retail đã được Tập đoàn đánh tiếng từ mấy năm trước, nhưng bà Điệp cho biết phải đến năm nay, lãnh đạo Công ty mới thực sự hành động. “Việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ để FPT tập trung hơn vào mảng cốt lõi là công nghệ trong thời gian tới”, bà Điệp cho biết.
Quyết định này xuất phát từ áp lực của các cổ đông. Có vẻ như nhà đầu tư đã không còn kiên nhẫn với những cơ hội mà FPT Retail bỏ lỡ trong thời gian qua để dành nguồn lực cho các mục tiêu quan trọng hơn. Mảng bán lẻ liên quan đến điện thoại được thành lập từ rất sớm, khoảng năm 2007, với 3 công ty là FPT Distribution, FPT Mobile và FPT Retail. Sau này cả 3 hợp nhất thành FPT Trading vào năm 2009.
Bộ phận bán lẻ dưới thời FPT Trading được định hình là showroom của các hãng. Mô hình này đã làm FPT Retail bị hạn chế về nguồn hàng và nhà cung cấp. Mãi đến năm 2012, FPT mới tách FPT Retail thành một công ty riêng và bắt đầu đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng. Vì thế, dù xuất hiện từ rất sớm nhưng phải mất đến 5 năm, FPT Retail mới được tự do và dù phát triển rất ấn tượng nhưng đã quá trễ để vượt qua vị trí số một của Thế Giới Di Động.
Số tiền thu được từ việc thoái vốn FPT Trading và FPT Retail được dự đoán sẽ giúp bổ sung nguồn vốn cho hoạt động M&A các công ty phần mềm, đặc biệt là tăng tỉ lệ sở hữu của FPT ở mảng FPT Telecom trong thời gian tới. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt năm 2016, SCIC đang giữ 50% cổ phần ở FPT Telecom và đơn vị này đang mang lại lượng tiền cổ tức lớn và ổn định chỉ sau Vinamilk.
Cũng theo Bảo Việt, dù chỉ chiếm tỉ lệ sở hữu 45,55% tại FPT Telecom nhưng lợi nhuận mà doanh nghiệp này đem lại cho FPT chiếm đến 35%. Nắm quyền chi phối tại FPT Telecom sẽ tăng khả năng quản trị cũng như tăng khả năng thống nhất về chiến lược kinh doanh của Công ty, bởi không ai hiểu rõ FPT Telecom hơn FPT.
Chưa buông bán lẻ
Mặc dù giảm tỉ lệ sở hữu gần một nửa, nhưng FPT vẫn nắm cổ phần lớn nhất ở FPT Retail và chưa có ý thoái vốn toàn bộ. Chính vì thế, bà Điệp cho biết các chiến lược kinh doanh trong thời gian tới của Công ty nhiều khả năng vẫn do Tập đoàn quyết định.
Nhưng điều giới kinh doanh quan tâm là FPT Retail còn lại gì trong thị trường bán lẻ. Hãy nhìn Thế Giới Di Động, trong lộ trình tiến đến doanh thu 10 tỉ USD, đơn vị này bắt đầu đi mua lại các chuỗi bán lẻ khác khi thị trường điện thoại đã bão hòa, gần đây nhất là Trần Anh, cửa hàng điện máy lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Ngoài ra, Thế Giới Di Động cũng đang thương lượng để mua lại một chuỗi nhà thuốc. “Việc tham gia của các quỹ đầu tư có kinh nghiệm cho thấy thị trường này vẫn còn hấp dẫn”, bà Điệp nói.
Trên thực tế, bà Điệp thừa nhận thị trường bán lẻ điện thoại hiện đã chật cứng, việc mở thêm cửa hàng trong thời điểm hiện tại không giải quyết được vấn đề gì. Theo đó, FPT Retail sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng bằng việc cải thiện chất lượng ở các điểm bán bao gồm đầu tư đem lại trải nghiệm mua sắm, tăng chất lượng dịch vụ... Đồng thời đẩy mạnh các chương trình bán hàng dành cho doanh nghiệp như các gói lãi suất linh hoạt, dịch vụ vay nhanh chóng cho nhân viên.
FPT Retail cũng đang tìm kiếm các cơ hội mua lại các chuỗi ban lẻ khác. Khi được hỏi về việc gia nhập ngành thuốc, bà Điệp cho rằng bản chất ngành này là câu chuyện của giấy phép vì điều kiện kinh doanh ràng buộc hơn so với ngành bán lẻ thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó, thị trường thuốc Việt Nam đang trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” như thị trường điện thoại cách đây hơn 10 năm.
“Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu vì quan điểm của ban lãnh đạo là thận trọng. Có điều, FPT Retail sẽ đi theo hướng khác các doanh nghiệp trên thị trường”, bà Điệp nói.
Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư