Đồ xa xỉ không hẳn dành cho người giàu?
Chúng ta thường cho rằng, chỉ người giàu mới thừa tiền để mua sắm những món đồ xa xỉ. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng, những người giàu có tiêu dùng đồ xa xỉ là những người có cách chi tiêu thực sự thông minh?
Định nghĩa về hàng xa xỉ thường mang tính cá nhân và vô định hình, cũng chính vì thế mà những nhận định sai lầm dưới đây được hình thành. Lạ một điều là, hầu như tất cả chúng ta đều đang hiểu sai về ngành công nghiệp triệu đô này.
Xa xỉ không có nghĩa là “lâu đời”
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008, hàng trăm thương hiệu đối diện với cuộc cải tổ chính bản thân để kéo lại sự chú ý của khách hàng. Từ sự chú ý, tò mò đến quyết định chi tiền của khách hàng là một cuộc hành trình dài, và do đó thương hiệu cần tìm được điểm nhấn riêng của mình giữa thị trường hàng hóa ngày càng đông đúc. Và đây là lúc khái niệm “Hàng chuẩn” và “Hàng lâu đời” xuất hiện.
Các khách hàng hạng sang ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn một món hàng, họ cần thương hiệu nổi tiếng nhưng phải có giá trị riêng biệt, lâu đời nhưng vẫn phải hợp thời. Nắm bắt được tâm lý này, rất nhiều thương hiệu tuyên bố rằng mình có lịch sử lâu dài và như thế món hàng của họ cũng được nâng tầm, nâng giá. Nhưng họ đã lầm! Và nếu khách hàng mua hàng vì lời quảng cáo đó, khách hàng cũng sai lầm nốt!
Một thương hiệu lâu đời chắc chắn có lịch sử hình thành dày dặn, nhưng quan trọng hơn là những gì họ làm để bảo vệ giá trị truyền thống đó giữa thị trường biến đổi liên tục. Câu chuyện lúc này chuyển sang vấn đề chất lượng sản xuất và cam kết của thương hiệu về đổi nhưng vẫn giữ được giá trị riêng. Hay nói cách khác, sang trọng có thể là cũ kỹ, lâu đời nhưng nó còn là lời cam kết của thương hiệu về những giá trị mang lại trong tương lai. Liệu có bao nhiêu thương hiệu có thể thực sự làm được điều đó?
Thị trường đồ xa xỉ dành cho người mua sắm thông minh
Chúng ta thường cho rằng, chỉ người giàu mới thừa tiền để mua sắm những món đồ xa xỉ. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng, những người giàu có tiêu dùng đồ xa xỉ là những người có cách chi tiêu thực sự thông minh?
Hãy nhớ, sang trọng không có nghĩa là đắt tiền. Việc định giá một món hàng cần trải qua rất nhiều công đoạn, từ chi phí sản xuất cố định như mọi doanh nghiệp khác đến các chi phí “giả định” để nâng tầm thương hiệu (như sự độc lạ, độ hiếm về nguyên vật liệu, trình độ sản xuất chuyên môn…) và giá trị nghệ thuật. Như thế, một món hàng rất có thể bị “đội giá” một cách thái quá, nếu bạn không phải một người tiêu dùng thông minh thì rất dễ bị dẫn dụ bỏ tiền ra mua những giá trị ảo.
Giống như những nhà đầu tư nghệ thuật, họ đều là những nhà chuyên môn có mắt nhìn và đánh giá cao. Vì thế, đừng nghĩ thị trường cao cấp chỉ dành cho người giàu. Phải là người thông minh mới mua được những món đồ có giá trị cao thực sự!
Hàng xa xỉ là sự đầu tư và cũng là niềm đam mê
Điều này thực sự đã được chứng minh khoa học chứ không phải chỉ là lời nhận định phiến diện. Các nhà khoa học đã cho thử nghiệm phản ứng của một số khách hàng trước những tác phẩm nghệ thuật và nhận thấy những tín hiệu thần kinh sáng lên khi người đó nhìn thấy một tác phẩm đẹp. Điều này chứng tỏ bộ não con người phản ứng tích cực với thẩm mỹ một cách vô thức. Đây chính là nguyên nhân các tác phẩm nghệ thuật có giá trị thực sự thường có giá rất cao. Phải có niềm đam mê thì người mua mới cảm nhận được hết giá trị của một món hàng xa xỉ (từ lý tính đến cảm tính).
Ngoài ra, đây cũng là một khoản đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận nếu thực sự biết tận dụng. Giống như bất kỳ một loại hình đầu tư nào khác, chỉ cần món hàng đảm bảo được nguồn gốc, lịch sử, tính thẩm mỹ thì đều đảm bảo được giá trị (ví dụ như một phiên bản giới hạn chẳng hạn).
Đồ xa xỉ ở quanh bạn
Nghe có vẻ vô lý nhưng sự thật là không cần bạn phải vào showroom, cửa hiệu của các thương hiệu nổi tiếng mới mua được những món hàng chính gốc. Hiện nay, thị trường thứ cấp đối với hàng xa xỉ đã phát triển hơn nhiều, với sự hỗ trợ của internet. Các cửa hàng đồ cũ, các địa chỉ trực tuyến luôn có sẵn những món hàng đắt đỏ.
Tuy nhiên, phong phú thừa thãi đồng nghĩa với vàng thau lẫn lộn. Hãy nhớ rằng chỉ một cái logo thương hiệu thôi cũng không đủ để chứng minh tính xác thực của mặt hàng. Có rất nhiều cơ sở khác để xác định một món đồ có phải hàng thật hay không, điều này cần một người sành sỏi để kiểm tra. Vì thế, đừng vội vui mừng vì mua được một món hàng xa xỉ với giá hời.
Thương hiệu cao cấp cũng có ngày lụi tàn
Bạn nghĩ rằng, cứ là đồ xa xỉ thì tự khắc sẽ ngồi ở vị trí thượng tôn, nơi không ai có thể đánh đổ? Vậy thì bạn lại sai rồi!
“Liệu một thương hiệu lâu đời có thể duy trì được tình trạng và thị phần của họ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay?” là câu hỏi chung của cả ngành công nghiệp đồ xa xỉ và vẫn luôn làm đau đầu các nhà kinh doanh. Có những thương hiệu châu Âu đã đứng vững suốt 400 năm, nhưng cũng có những cái tên lụi tàn dần theo thời gian vì không kịp đổi mới. Sang trọng hay xa xỉ như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải chấp nhận luồng chảy của thời gian. Và người chuyển mình tốt nhất thì sẽ là kẻ chiến thắng.
Bản thân các thương hiệu cao cấp vẫn luôn không ngừng sáng tạo, thực hiện những ý tưởng mới và ngày càng nâng cao yêu cầu về chất lượng. Tất nhiên, mọi thay đổi vẫn phải bám vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Và bởi thế, thương hiệu có lụi tàn hay không hoàn toàn do khách hàng quyết định!
Thu Hoài / Sothebys
Nguồn Trí thức trẻ