Lợi nhuận ngân hàng: Liệu đã thực sự "đẹp"?
Những điểm sáng về kết quả kinh doanh vẫn chưa thể xua đi màu sắc u ám trong quá trình tái cấu trúc ở các ngân hàng. Những thông tin tiêu cực về nhân sự gần đây đang lấn át đi các báo cáo kết quả kinh doanh tích cực ở khối ngân hàng.
Lợi nhuận tăng mạnh
Thống kê 12 ngân hàng thương mại, chúng tôi nhận thấy 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng chung của các ngân hàng này đã tăng đến 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận này ghi nhận thu nhập từ các hoạt động ngân hàng chứ chưa tính đến phần dự phòng phải trích lập cho những khoản nợ xấu. Con số này tăng lên cho thấy tình hình kinh doanh lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tốt đẹp theo sổ sách.
Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước sở hữu cổ phần chi phối vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Lợi nhuận sau thuế của Vietcombank tăng 23,4% (đạt 4.230 tỉ đồng), VietinBank tăng 14,8% (đạt 3.920 tỉ đồng), chỉ riêng BIDV tăng thấp, ở mức 4,3% (đạt 2.811 tỉ đồng).
Diễn biến cũng tương tự ở khối các ngân hàng tư nhân. Nổi trội nhất tiếp tục là VPBank với lợi nhuận sau thuế hơn 2.600 tỉ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Phần lớn được đóng góp bởi công ty con là FE Credit với hoạt động cho vay tiêu dùng tăng trưởng tốt. Tiếp theo sau là Ngân hàng Quân Đội tăng 32,4% (đạt gần 2.000 tỉ đồng).
Một trường hợp khác là Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB) với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 304 tỉ đồng, tăng gần 24,8% so với cùng kỳ. Hồi đầu tháng 6, VIB đã mua lại bộ phận kinh doanh của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia chi nhánh TP.HCM (CBA) tại Việt Nam. Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng báo cáo lợi nhuận tăng mạnh, như TPBank (tăng gấp gần 2,5 lần cùng kỳ), OCB (tăng gấp đôi), Kienlongbank (tăng gấp 5).
Thậm chí, với những ngân hàng đang tái cấu trúc, lợi nhuận ghi nhận cũng đẹp hơn rất nhiều. Sacombank, chẳng hạn, có lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng đạt 422 tỉ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 2,5 tỉ đồng. Con số này ở Eximbank lần lượt là 327 tỉ đồng và 61 tỉ đồng.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính của các ngân hàng là dư nợ tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (đạt 6,2%) và năm 2015 (6,28%), theo Tổng cục Thống kê. Con số cao kỷ lục trong 6 tháng đầu năm không những cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã được cải thiện đáng kể so với năm ngoái, mà còn tạo cơ hội cho các ngân hàng gia tăng thu nhập của mình.
Thực tế, không chỉ tổng thu nhập lãi thuần từ hoạt động của 12 ngân hàng đã tăng lên gần 25% so với cùng kỳ, một điểm tích cực khác là thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng đồng thời tăng lên 30,1%. Ngày càng nhiều các ngân hàng cải thiện nguồn thu từ dịch vụ. Techcombank lần đầu ghi nhận mức lãi từ dịch vụ vượt ngưỡng 1.000 tỉ đồng, chỉ đứng sau các ngân hàng Nhà nước chi phối có quy mô lớn. Ở Ngân hàng Quân Đội, mức tăng trưởng cũng lên tới 136%, đạt 661 tỉ đồng; SHB tăng 105,8%, lên mức 181 tỉ đồng và VPBank tăng 81,3%, đạt 632 tỉ đồng.
Vẫn còn nhiều áp lực
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (đạt 6,2%) và năm 2015 (6,28%), theo Tổng cục Thống kê.
Những điểm sáng về kết quả kinh doanh vẫn chưa thể xua đi màu sắc u ám trong quá trình tái cấu trúc ở các ngân hàng. Mới đây, Eximbank tiếp tục quá trình tái cấu trúc bằng việc cắt giảm 8 phó tổng giám đốc, trong đó có 2 người đại diện vốn của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui. “Tinh gọn bộ máy quản lý và nâng cao hiệu quả của quá trình ra quyết định” là mục tiêu cụ thể của đề án “Eximbank Mới” đang được các nhân sự người Nhật giám sát thực hiện. Thực tế, dù lợi nhuận có cải thiện đáng kể như trên, nhưng hoạt động cho vay và thu nhập lãi thuần của Eximbank vẫn tiếp tục giảm.
Trong khi đó, Sacombank vẫn còn một khoản nợ 60.000 tỉ đồng mà Ngân hàng gần đây công bố sau những biến động bắt giữ nhân sự cấp cao. Ông Dương Công Minh, tân Chủ tịch Sacombank, đưa ra thời hạn 3 năm để xử lý số nợ xấu này, đồng thời đưa ra điểm tích cực là phần lớn đều có tài sản đảm bảo. Hay ở trường hợp Ngân hàng Quốc Dân (NCB), lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6 tỉ đồng, do chi phí hoạt động tăng mạnh.
Nhìn chung, áp lực lên các ngân hàng vẫn là nợ xấu đã được tích lũy trong khoảng thời gian dài tăng trưởng nóng trước đây. Hồi tháng 6 vừa qua, khi Nghị quyết nợ xấu được Quốc hội thông qua thì đồng thời cũng ghi nhận một con số nợ xấu khác là 600.000 tỉ đồng (tương đương khoảng hơn 10% dư nợ trong nền kinh tế).
Lợi nhuận của ngân hàng cuối năm cũng chịu ảnh hưởng đáng kể từ bối cảnh kinh tế tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng. Tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,73% trong 6 tháng đầu năm 2017 (kỳ vọng 6,7%). Hơn nữa, động thái giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và 0,5%/năm lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của cơ quan quản lý cũng được đánh giá sẽ tạo áp lực giảm tỉ lệ lợi nhuận của các ngân hàng, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Ở hướng lạc quan, báo cáo mới nhất của Ủy Ban giám sát Tài chính Quốc gia cũng kỳ vọng nút thắt xử lý nợ xấu có thể được tháo gỡ nhờ Nghị quyết xử lý nợ xấu có hiệu lực từ giữa tháng 8 này. Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá lạc quan với triển vọng lợi nhuận ngân hàng không chỉ vì Nghị quyết giúp giải quyết tài sản xấu, mà còn có thể giúp các ngân hàng tăng lợi nhuận bất thường nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (VEPR) trong báo cáo kinh tế quý II đã lưu ý đến tình trạng ngân hàng nước ngoài thoái vốn và thu hẹp hoạt động ở Việt Nam. “Điều này cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng của Việt Nam đang suy giảm, có thể do những rủi ro tiềm tàng từ nợ xấu và hạn chế tồn tại trong công tác quản trị”, báo cáo viết. Thực tế cho thấy đây đang là thời điểm mà cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại liên quan đang phải vất vả xử lý “di sản” là những khoản nợ xấu và cơ chế quản lý thiếu hợp lý.
Thanh Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư