Tham vọng 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động

Thế Giới Di Động đang rốt ráo thực hiện các vụ M&A trong ngành điện máy, dược phẩm để nhanh chóng chạm mục tiêu đầy tham vọng: doanh thu 10 tỉ USD.

Mới đây, Công ty Cổ phần Thế giới Di Động (MWG) đã lấy ý kiến cổ đông cho kế hoạch dành tới 2.500 tỉ đồng để thực hiện M&A, tức gấp 5 lần so với mục tiêu cũ. Số tiền này có thể được MWG dùng để thâu tóm Điện máy Trần Anh và chuỗi bán lẻ dược phẩm trong thời gian tới. Phải chăng MWG bắt đầu tăng tốc cho mục tiêu 10 tỉ USD của mình?

Tăng tốc bằng M&A

Trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý I/2017, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG Nguyễn Đức Tài nhận được câu hỏi: “Nếu có một nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ số tiền lớn để mua lại Thế Giới Di Động, anh có bán không?”. Khi đó, ông Tài đã trả lời xây dựng công ty không phải để bán, nhưng nếu ai trả giá 10 tỉ USD thì cần bàn lại vì con số này “quá lớn” để phải suy nghĩ.

Dù chưa có ai trả giá con số khổng lồ này, nhưng MWG vẫn nhắm đến mục tiêu kiếm được 10 tỉ USD bằng thực lực. Thực tế, cách đây khoảng 8 tháng, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc MWG, đã đề cập mục tiêu đạt doanh thu 10 tỉ USD đến năm 2020. Khi đó, ông Chris Freund, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Mekong Capital, đã bày tỏ nghi ngại. Theo quan điểm của ông Chris Freund, “tăng quy mô doanh thu lên tới 10 lần trong vòng 5 năm (năm 2015 - doanh thu MWG đạt 1 tỉ USD) là một mục tiêu không thực sự khả thi”.

Tham vọng 10 tỉ USD của Thế Giới Di ĐộngTuy nhiên, ông Trần Kinh Doanh tự tin MWG sẽ làm được. Khi trao đổi với chúng tôi, ông Doanh khẳng định lại niềm tin tưởng này. “Cứ tính trung bình mỗi năm MWG tăng trưởng doanh thu khoảng 50%, thì sẽ thấy mục tiêu 10 tỉ USD không phải xa vời”, ông Doanh cho biết. Năm ngoái, MWG đạt 44.613 tỉ đồng doanh thu, tức khoảng 2 tỉ USD. Năm nay, trong kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, MWG hướng tới mục tiêu 63.280 tỉ đồng, xấp xỉ 3 tỉ USD. Sáu tháng đầu năm nay, theo báo cáo tái chính quý II/2017, MWG đã đi được nửa mục tiêu. Nhưng từ diễn biến của các năm trước cho thấy, MWG có khả năng sẽ vượt kế hoạch. Chẳng hạn, doanh thu năm 2016 của MWG đã vượt trội hơn mục tiêu và tăng gần 80% so với con số của năm 2015. Trước đó, tăng trưởng doanh thu là hơn 60%.

“Để đạt được tăng trưởng trung bình 50% mỗi năm, chắc chắn chúng tôi phải thúc đẩy các cơ hội mới chứ không thể chỉ trông chờ mảng cũ”, ông Trần Kinh Doanh chia sẻ. Cơ hội mới mà MWG đề cập sẽ đến từ các mảng như điện máy, bách hóa, bán lẻ dược và cả thương mại điện tử.

Đối với mảng bán lẻ điện máy, MWG sở hữu 404 siêu thị và hiện chiếm giữ khoảng 22% thị phần điện máy cả nước. Nhưng các con số này sẽ còn thay đổi theo chiều hướng tăng mạnh và MWG dự tính đạt đến 25% thị phần điện máy vào cuối năm nay. Để làm được điều này, MWG đang dồn sức đầu tư nhiều nhất cho mở rộng cửa hàng điện máy. Tính ra, trong 272 cửa hàng mới mở nửa đầu năm nay của MWG, chuỗi Điện Máy Xanh chiếm hơn một nửa, với 148 siêu thị mới. Mục tiêu trong chiến lược mở rộng cửa hàng điện máy của MWG là nhắm tới con số 52% thị phần trong tay giới kinh doanh điện máy truyền thống.

Ở góc độ mở rộng địa bàn và quy mô, như tiến mạnh ra Bắc, MWG lên kế hoạch M&A ngành điện máy. Kế hoạch này đã được ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm nay. Trong những ngày đầu tháng 8 này, thông tin MWG mua chuỗi điện máy Trần Anh càng cụ thể hóa hơn bước đi của MWG. Trần Anh hiện dẫn đầu thị phần điện máy miền Bắc và chiếm khoảng 14% thị phần cả nước. Về chuỗi cửa hàng, Trần Anh có 39 cửa hàng điện máy, với khoảng một nửa số cửa hàng đặt tại Hà Nội.

Con số này vẫn chưa dừng lại vì trong kế hoạch năm 2017, Trần Anh sẽ mở thêm 10-12 siêu thị. Nếu M&A với Trần Anh, MWG sẽ sớm gia tăng thêm quy mô, độ phủ và thị phần. Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nếu sáp nhập xảy ra thì thị phần điện máy toàn quốc của MWG và Trần Anh có thể ngang ngửa với tất cả các chuỗi siêu thị còn lại cũng như tổng thị phần các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống.

Tham vọng 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động

Nếu sáp nhập, hệ thống điện máy của MWG và Trần Anh sẽ chiếm 30% thị phần toàn quốc. Ảnh: Sơn Phạm.

Nhưng từ năm 2018 trở đi, MWG đặt kỳ vọng nhiều nhất ở mảng bán lẻ thực phẩm, thông qua chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Bởi vì, đây là ngành có quy mô gấp 10 lần quy mô của ngành điện máy. Hiện tại, tuy Bách Hóa Xanh mới chỉ bước vào giai đoạn mở rộng sau chặng đường thử nghiệm và từ năm nay mới bắt đầu ghi nhận doanh thu, nhưng ông Doanh cho biết, MWG nhìn thấy cơ hội lớn từ dư địa ngành này.Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), điện máy sẽ thay thế bán lẻ di động để trở thành nguồn đóng góp và động lực tăng trưởng chính cho MWG trong giai đoạn 2017-2018. Thực tế, nửa đầu năm nay, doanh thu mảng điện máy đã chiếm gần 43% tổng doanh thu MWG. So với mức độ đóng góp 30,7% vào năm 2016 thì vai trò điện máy ở MWG giờ đây đã tăng lên. Dự tính, năm 2017, mảng điện máy sẽ đạt đến doanh thu tỉ USD.

Số liệu từ các công ty trong ngành cho hay, quy mô thị trường thực phẩm thiết yếu và tươi sống ở Việt Nam ước khoảng 50-60 tỉ USD. Chỉ cần cửa hàng Bách Hóa Xanh của MWG chiếm 10% thị phần thì MWG đã có thể hoàn thành một nửa mục tiêu 10 tỉ USD. Đó là chưa nói đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm luôn tăng và 75-80% người dân vẫn đang mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ. Nếu người tiêu dùng chuyển hướng tiêu dùng, đến năm 2020, gia tăng gấp đôi quyết định mua sắm ở các kênh hiện tại, như dự đoán của Bộ Công Thương thì theo ông Trần Kinh Doanh, cơ hội cho MWG trong bán lẻ thực phẩm càng cao. Đặc biệt, dù bán lẻ thực phẩm đã có nhiều đơn vị nhìn ngó như Saigon Co.op, Satra, Vingroup hay sắp tới có thể sẽ là Kido, Masan…, nhưng MWG chưa thấy có doanh nghiệp nào mạnh mẽ phát triển ở phân khúc siêu thị mini.

Theo đánh giá của BVSC, MWG đã khôn ngoan khi lựa chọn phân khúc siêu thị mini để tấn công mảng bán lẻ thực phẩm. Cách thức này vừa giúp MWG tránh được phân khúc siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi đã ngày càng chật chội, vừa phù hợp với năng lực phủ sóng sâu rộng, đến từng ngõ ngách của MWG. Mô hình mà MWG triển khai tương tự với chuỗi siêu thị Alfamart đã rất phát triển tại Indonesia.

Tham vọng 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động

Ảnh: Sơn Phạm.

Thực tế, MWG khá thành công với mô hình siêu thị mini ở Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Giờ đây, áp dụng vào Bách Hóa Xanh, MWG cũng nhanh chóng gia tăng quy mô. Theo số liệu cuối tháng 6.2017, nửa năm sau giai đoạn thử nghiệm (kết thúc năm 2016), chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG đã mở thêm 62 cửa hàng, đưa tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh lên 110.Tính ra, số cửa hàng Bách Hóa Xanh đã gần với số lượng cửa hàng Satrafoods của Satra và Co.op Food của Saigon Co.op. MWG dự kiến sẽ còn tăng tốc mở rộng số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh lên khoảng 350 cửa hàng vào cuối năm 2017. Đồng thời, MWG sẽ xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, hợp tác với nhiều đơn vị sản xuất. Sang năm 2018, MWG sẽ phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh ra cả nước. Ông Nguyễn Đức Tài từng bày tỏ: “Mục tiêu đến năm 2020, chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG trong top 3 ngành bán lẻ thực phẩm”.

Trong mảng thương mại điện tử, ngoài 2 trang bán hàng online thegioididong.com và dienmayxanh.com, năm 2016, MWG còn lập vuivui.com, một website thương mại điện tử đa ngành. Khác biệt trong chiến lược phát triển thương mại điện tử của MWG so với các công ty khác là “không đốt tiền”. Vì thế, ở giai đoạn xây dựng nền móng, theo xác nhận của ông Trần Kinh Doanh, doanh thu online còn khiêm tốn, chỉ đạt gần 2.600 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2017, tức chiếm 8,3% tổng doanh thu MWG, nhưng theo ông Doanh, online đang có tốc độ tăng trưởng gấp đôi, gấp ba. Trong tương lai, khi MWG có thể tận dụng cơ hội từ mô hình bán hàng đa kênh dành cho nhà bán lẻ có chuỗi offline rộng, theo báo cáo thường niên của MWG, đây sẽ là ngành cất cánh, đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận cho MWG. Cụ thể hơn, MWG từng nên kế hoạch, vuivui sẽ chiếm 10% tổng doanh thu của MWG đến năm 2020.

Tham vọng 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động

Ảnh: Sơn Phạm.

MWG đã từng dựa vào mảng chủ lực lâu nay là bán lẻ điện thoại, để phát triển thần tốc, trở thành nhà bán lẻ có quy mô nhất Việt Nam, chiếm thị phần khoảng 42%, với hơn 1.000 cửa hàng Thế Giới Di Động khắp cả nước. Mảng bán lẻ di động cũng đã giúp MWG đạt doanh thu tỉ USD từ năm 2015. Tuy nhiên, GfK dự báo, giai đoạn 2017-2019, tăng trưởng tiêu thụ smartphone tại Việt Nam sẽ bão hòa, chỉ tăng khoảng 6-7% về giá trị dù đà tăng số lượng ước tăng 19-20%. Vì thế, ông Trần Kinh Doanh cho biết, MWG sẽ không kỳ vọng đột biến ở mảng bán lẻ di động. Thay vào đó, MWG đặt mục tiêu tăng trưởng bán lẻ di động cùng sự tăng trưởng toàn ngành.

Bản lẻ đa ngành là chiến lược phát triển sắp tới của MWG và Công ty sẽ bán cả dược phẩm. Ông Nguyễn Đức Tài từng quan sát thấy, thị trường phân phối dược chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm đến 20% thị phần. Ngôi vương của thị trường này vẫn còn để trống. Vì thế, thay vì mất nhiều năm tìm hiểu, xây dựng từ đầu, có thể lãng phí cơ hội, MWG sẽ tham gia bằng cách thức M&A. Theo đó, MWG sẽ đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10-15 cửa hàng. MWG cũng dự kiến sẽ dành ra khoảng 500 tỉ đồng để mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ sẵn có, sau đó sẽ nâng tỉ lệ sở hữu lên 60%. Dựa trên cơ sở này, theo giới đầu tư, Phano Pharmacy và Pharmacity là 2 gương mặt có triển vọng lọt vào tầm ngắm của MWG.

Tham vọng 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động

Chiến lược chi phối

Bán lẻ thực phẩm không như bán lẻ điện thoại hay bán lẻ điện máy mà MWG đã làm. Ban quản trị MWG biết rất rõ điều đó. Chính ông Nguyễn Đức Tài, trong lần chia sẻ với chúng tôi vào cuối năm ngoái, đã thừa nhận: “Bài toán quản lý về chuỗi bán lẻ dạng này rất khó, làm sao cho hàng ngàn cửa hàng luôn có rau quả tươi, an toàn, đúng giá, không bị tồn hàng nhiều, làm sao thực phẩm tươi vứt bỏ phải ở tỉ lệ thấp nhất… Chúng tôi vẫn đang học hỏi và tìm cách giải quyết”. Đó là chưa kể đến những cách thức tạo ra khác biệt, để Bách Hóa Xanh không bị chìm lẫn với các siêu thị khác.

Trong báo cáo thường niên, MWG cũng nêu rõ mục tiêu cho Bách Hóa Xanh, bên cạnh mở rộng chuỗi cửa hàng là phải nghĩ ra “công thức chiến thắng”. Còn ông Trần Kinh Doanh cho biết, hiện tại, MWG chưa thể cung cấp chi tiết thêm các giải pháp, chiến lược của MWG trong việc tháo gỡ các trở ngại kể trên, nhưng “chúng tôi tin rằng, khi chúng tôi hết mình, quyết tâm thực hiện nghiêm túc, dành hết tâm sức thì khó khăn nào cũng sẽ có cách giải quyết”.

Tham vọng 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động

MWG sẽ dùng ý chí này trong triển khai bán lẻ dược phẩm. Bởi cũng như bán lẻ thực phẩm, kinh doanh dược phẩm có những đòi hỏi rất đặc thù. “Dược phẩm liên quan đến sức khỏe con người, đến các chứng nhận y tế và các điều kiện ngặt nghèo khác. Để thỏa mãn các tiêu chuẩn trong mở rộng chuỗi nhà thuốc, quản lý, kinh doanh ngành dược là không đơn giản”, một chuyên gia công tác trong ngành dược phẩm nhận định. Tuy nhiên, theo ông Trần Kinh Doanh, vì tham gia bán lẻ dược phẩm theo đường M&A nên MWG có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn như thị trường lo ngại. “Nếu người ta đang làm tốt, chúng tôi sẽ không can thiệp nhiều”, ông Doanh cho biết. Nhưng chiến lược của MWG là tham gia nắm giữ cổ phần chi phối và sẽ dùng các lợi thế, kinh nghiệm đã có để tăng cường hỗ trợ quản trị, thúc đẩy tăng trưởng quy mô, gia tăng vị thế cho các đơn vị sẽ M&A.

Một khi đầu tư chi phối, MWG sẽ hợp nhất báo cáo tài chính. Đặt giả thiết thông tin MWG mua Trần Anh là chính xác thì với vai trò chi phối, MWG sẽ hợp nhất báo cáo tài chính của Trần Anh. Trần Anh đã đạt hơn 4.100 tỉ đồng doanh thu vào năm 2016 và dự kiến đạt hơn 5.100 tỉ đồng vào năm 2017. Nếu sự hiện diện của MWG có thể giúp Trần Anh gia tăng thêm số lượng cửa hàng và doanh thu, cơ hội thu gặt từ thương vụ thâu tóm Trần Anh của MWG sẽ còn tăng. Ngoài ra, doanh thu của MWG cũng sẽ tăng thêm đáng kể qua các đợt M&A chi phối khác, với các đơn vị trong ngành bán lẻ điện máy, dược phẩm...

Ngọc Thủy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư