Cơn sốt thời trang ngoại “bình dân”

Trước “cơn sốt” thương hiệu thời trang nước ngoài bình dân, các doanh nghiệp nội cho rằng đây chỉ là làn sóng ban đầu, người tiêu dùng trong nước mua sắm để thỏa mãn cơn tò mò và mong muốn trải nghiệm một cái gì đó khác lạ. Doanh nghiệp trong nước vẫn có những lợi thế riêng trong cuộc cạnh tranh này.

Thời trang ngoại giành thị phần

Với lực lượng dân số trẻ, mức tiêu dùng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho các thương hiệu thời trang nước ngoài đổ bộ. Hiện thị trường thời trang Việt Nam đã đủ mặt anh tài từ các thương hiệu thời trang xa xỉ tới bình dân như Chanel, Giovanni, Salvatore Ferragamo, Versace, Burberry, Topshop, Mango, Zara, H&M. Sắp tới, nhiều khả năng Uniqlo... cũng sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam.

Trước đây, khi muốn sở hữu các thương hiệu trên, người tiêu dùng trong nước phải nhờ bạn bè nước ngoài gửi về; qua các nước khác mua sắm hoặc mua qua các trang mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thị Yến, người sở hữu một trang fangage chuyên bán hàng Nhật Bản được hơn 10 năm nay, cho biết quần áo của Uniqlo được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng vì chất liệu tốt dù giá có đắt hơn các thương hiệu trong nước một chút. Để khắc phục vấn đề này, chị Yến và “mạng lưới” của mình (là du học sinh bên Nhật, tiếp viên hàng không...) đã tạo thành một chuỗi khép kín gom hàng giảm giá Uniqlo về Việt Nam. “Nếu mua hàng giảm giá thì thậm chí hàng Uniqlo còn rẻ hơn nhiều thương hiệu trong nước”, chị Yến nói. Chính vì vậy, dù làm cho một công ty về phân đạm nhưng thu nhập chủ yếu của chị Yến đến từ... bán hàng trực tuyến. Chị Yến chỉ là một trong rất nhiều trường hợp kinh doanh trực tuyến hàng thời trang nước ngoài.

Cơn sốt thời trang ngoại “bình dân”

Các cửa hàng thời trang Việt sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ nếu không tìm cho mình được phân khúc khách hàng và có chiến lược giữ chân họ. Ảnh: Thùy Dung.

Sự hấp dẫn về sức mua của thị trường Việt Nam khiến tháng 9-2016, Zara mở cửa hàng tại TPHCM, đánh dấu sự có mặt tại thị trường Việt Nam. Hãng thời trang đến từ Tây Ban Nha này cũng bán hàng trực tuyến tại Việt Nam từ ngày 5-4-2017 và đang xúc tiến mở cửa hàng thứ hai tại Hà Nội.

Gần đây nhất, H&M (Hennes&Mauritz) chính thức xác nhận ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc tại Vincom Đồng Khởi, TPHCM, sát vách với Zara. Thương hiệu thời trang Thụy Điển này đã phát đi thông điệp, Việt Nam nằm trong số năm thị trường trọng điểm mà thương hiệu này muốn hướng tới.

Không chỉ dừng lại ở đây, các thương hiệu này còn có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng tại Việt Nam. Theo trang tin Nikkei, hai thương hiệu thời trang châu Âu là Zara và H&M đang có chiến lược mở rộng các cửa hàng thời trang của mình sang các thị trường mới, trong đó, Việt Nam được cho là một trong những điểm đến chiến lược của hai hãng thời trang này.

Inditex, đơn vị điều hành chuỗi thương hiệu thời trang Zara, cho biết sẽ mở khoảng 280 cửa hàng trong năm tài khóa 2017, tương đương với số cửa hàng mà doanh nghiệp này mở rộng trong năm 2016. Trong đó, công ty này sẽ tập trung vào năm thị trường mới bao gồm New Zealand và Việt Nam với khoảng 93 cửa hàng mới, đưa tổng số cửa hàng thời trang Zara trên toàn thế giới lên con số 7.292.

H&M cũng dự định tăng 430 cửa hàng trong năm nay. Trong đó, H&M sẽ mở rộng sang năm thị trường mới bao gồm Việt Nam, Kazakhstan và Colombia trong năm tài chính 2017.

Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu bình dân như Zara, H&M hay sắp tới là Uniqlo chắc chắn sẽ giúp người tiêu dùng trong nước thêm lựa chọn. Song, phân khúc “bình dân” này lại đang cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu thời trang trong nước.

Theo một số kênh thông tin, Zara đã thu về 5,5 tỉ đồng ngay trong ngày khai trương (8-9-2016) tại Vincom Đồng Khởi (TPHCM). Khi các thương hiệu nước ngoài lấy được lòng tin của các “tín đồ” thời trang Việt bằng mẫu mã, chất lượng, chính sách bán hàng... thì thương hiệu trong nước chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cửa nào cho doanh nghiệp Việt?

Đối tượng gặp khó đầu tiên phải kể đến các chủ cửa hàng thời trang trực tuyến. Chị Vũ Thúy Hạnh (Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, trước khi Zara vào Việt Nam, công việc kinh doanh của chị “không thể tốt hơn”. Do có mối riêng và gom được hàng giảm giá nên quần áo Zara về đến đâu là hết đến đó. Thu nhập mỗi tháng đến từ việc này của chị Hạnh tới hơn 100 triệu đồng mà không mất một loại thuế, phí nào cả. Nhưng kể từ khi Zara vào Việt Nam, mối quen của chị Hạnh tại TPHCM gần như không còn, khách hàng ở Hà Nội cũng giảm vì họ có thể đặt hàng trực tuyến từ TPHCM và vận chuyển ra Hà Nội.

Cơn sốt thời trang ngoại “bình dân”

Zara đã mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: kenh14.

“Bán hàng hiệu trực tuyến giờ không còn thuận lợi như trước, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giờ lại thêm sự xuất hiện của thương hiệu ngoại ngay tại Việt Nam. Chắc sắp tới tôi phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác”, chị Hạnh nói.

Không chỉ vậy, các thương hiệu thời trang của Việt Nam như Foci (Công ty Thời trang Nguyên Tâm), NinoMax (Công ty Thời trang Việt), BlueExchange (Công ty Thời trang Xanh cơ bản), PT2000 (Công ty May Phạm Tường 2000) và Canifa (Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương)... đều sẽ bị ảnh hưởng phần nào vì đây là những mặt hàng có phân khúc khách hàng khá tương đồng với thời trang bình dân của nước ngoài.

Từng có thời kỳ làm ăn phát đạt nhưng do mặt hàng không có nhiều điểm nhấn, không có chiến lược truyền thông hiệu quả, bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc giá rẻ và giá thuê mặt bằng đắt đỏ nên một số thương hiệu nói trên đã dần phai nhạt trong tâm trí người tiêu dùng. Đây cũng chính là lý do mà nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước chọn phân khúc gia công cho các thương hiệu lớn thay vì xây dựng cho mình một thương hiệu thời trang riêng.

Ông Nguyễn Tiệp, Giám đốc truyền thông của tập đoàn Thời trang NEM, một thương hiệu đã có mặt trên thị trường gần 20 năm, với hơn 40 cửa hàng trưng bày trên cả nước cho hay, thị trường bán lẻ của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn nên việc các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, ông Tiệp đánh giá “cơn sốt” thương hiệu nước ngoài của người tiêu dùng nội địa chỉ là làn sóng ban đầu. Họ mua sắm các thương hiệu nước ngoài là để thỏa mãn cơn tò mò và mong muốn trải nghiệm một cái gì đó khác lạ. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung lại có những lợi thế riêng như nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hóa của Việt Nam để thiết kế sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng lợi thế hơn về mặt sản xuất khi các khâu từ thiết kế - sản xuất - lên kệ đều diễn ra trong nước và sẽ bắt kịp được xu hướng thời trang hơn so với doanh nghiệp nước ngoài khi phải nhập khẩu gần như toàn bộ.

“Ngoài ra, cũng giống như doanh nghiệp Việt khác, chúng tôi có gần 10 nhà máy và hàng ngàn nhân viên xuất sắc. Đây là nguồn nhân lực mà hiếm doanh nghiệp nước ngoài nào có thể cạnh tranh được tại thị trường Việt Nam”, ông Tiệp nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm để trở thành thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng, theo ông Tiệp: “Chất lượng sản phẩm, mẫu mã hợp thời trang, công thức hiệu quả, chi phí sản hợp lý, nắm bắt, dẫn dắt và đi tắt xu hướng thời trang của thị trường” là phương châm mà NEM đang áp dụng để sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.

“Với tâm thế “người Việt dùng hàng Việt”, chúng tôi tin văn hóa mua sắm hàng Việt Nam của người Việt sẽ mạnh mẽ và bùng phát như chúng ta đang chứng kiến văn hóa mua sắm ở các nước phát triển, mà đặc biệt là Hàn Quốc”, ông Tiệp tỏ ra lạc quan.

Thị trường thời trang Việt Nam đủ lớn để các doanh nghiệp có thể cùng nhau “sống khỏe” miễn là họ biết lựa chọn cho mình phân khúc khách hàng, đối tượng sản phẩm, coi chất lượng và khâu hậu mãi là yếu tố quan trọng để giữ chân khách hàng thân thiết.

Thùy Dung
Nguồn The Saigon Times