“Đại chiến” dưới góc nhìn tiếp thị
Trong thể thao, người ta thường dùng từ “đại chiến” để chỉ một cuộc so tài đỉnh cao, ví như “đại chiến thành Manchester” nói về cuộc đối đầu giữa hai câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của thành phố Manchester nước Anh, là Manchester United và Manchester City.
Chính thức bán vé công khai vào cuối tháng 7 vừa qua, trận đấu quyền anh (Boxing) giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor (dự kiến diễn ra ngày 26-8) không chỉ xứng đáng là một trận đại chiến, mà còn là một trong những trận đấu đắt đỏ nhất lịch sử. Theo ghi nhận của tờ Mirror, tổng doanh thu của trận đấu này ước tính có thể hơn 500 triệu USD.
Dưới góc độ thể thao, rõ ràng trận đấu sắp tới giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor thiếu cạnh tranh hơn so với trận đấu diễn ra năm 2015 giữa Floyd Mayweather và Manny Pacquiao. Cụ thể, sau hơn một tuần mở bán, vé xem trận đấu giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor vẫn chưa bán hết, trong khi trận đấu năm 2015, vé bán hết ngay sau ít giờ mở bán (ghi nhận của tờ Washington Post).
Điều này được lý giải bởi ngoài giá vé của trận đấu sắp tới quá cao, thì trong trận đấu năm 2015, Floyd Mayweather (võ sĩ quyền Anh người Mỹ, bất bại trong suốt sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình) và Manny Pacquiao (võ sĩ quyền Anh người Philippines, từng tám lần vô địch quyền Anh thế giới và là võ sĩ đầu tiên trong lịch sử đoạt tám chức vô địch thế giới ở bảy hạng cân khác nhau) tỏ ra khá cân bằng, về thành tích thi đấu lẫn kinh nghiệm thi đấu quyền anh của cả hai. Còn trận đấu giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor sắp tới mới là trận đấu quyền Anh chuyên nghiệp đầu tiên của Conor McGregor! Tuy nhiên, đừng vì vậy mà đánh giá thấp anh: Conor McGregor là võ sĩ môn võ đối kháng tổng hợp – Mixed Martial Arts (MMA) – là người đầu tiên trong lịch sử UFC (Giải vô địch MMA) cùng lúc nắm giữ cả hai chức vô địch ở hai hạng cân là UFC Featherweight (hạng lông) và UFC Lightweight (hạng nhẹ).
Nhưng cũng vì lý do này, giới phân tích cho rằng, trận đấu sắp tới giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor mang ý nghĩa giải trí và thương mại nhiều hơn là quyền Anh. Và cũng bởi vì điều ấy, trận đấu lại mang đến cho người làm tiếp thị những bài học thú vị…
Luôn khẳng định mình là người giỏi nhất
Xét riêng trong giới Boxing và MMA, Floyd Mayweather và Conor McGregor đều là những người cực kỳ nổi tiếng, hoặc tai tiếng. Không chỉ bởi cả hai sở hữu những thành tích thi đấu ấn tượng, mà còn bởi cách thể hiện thương hiệu cá nhân vô cùng khác biệt, thậm chí là khó chịu.
Với Mayweather, anh liên tục khoe tiền, khoe sự giàu sang của mình ở khắp nơi, còn với Conor McGregor thì trong tất cả các trận đấu đều thể hiện thái độ hung hăng, tự phụ và điên cuồng (Conor McGregor còn có biệt danh là gã điên). Thế nhưng, chính bởi vậy mà cả hai đều được khá nhiều người biết đến.
Cụ thể, chỉ tính riêng trên mạng xã hội, McGregor hiện có 16,2 triệu người theo dõi trên Instagram, 6,1 triệu người hâm mộ trên Facebook. Còn Mayweather cũng có 16,3 triệu người theo dõi trên Instagram và 13,2 triệu người hâm mộ trên Facebook. Cũng theo trang Mirror, Floyd Mayweather sẽ thu về ít nhất 100 triệu USD, còn Conor McGregor có thể thu về ít hơn một chút, sau khi trận đánh sắp tới của cả hai kết thúc.
Tommy McDonald, chuyên gia tiếp thị số (Digital Marketing), nhà sáng lập công ty tiếp thị SerpLogic, cho rằng lý do cả hai võ sĩ đều không ngừng làm những việc kỳ lạ, tai quái như thế, vì họ muốn nhấn mạnh cho mọi người biết rằng, họ là kẻ giỏi nhất.
Rất nhiều chiến dịch tiếp thị luôn tìm cách thao túng cảm xúc của khách hàng để có được sự thành công, cuộc đấu này cũng vậy.
“Nếu như một doanh nghiệp hàng đầu luôn cố xây một trụ sở làm việc lớn hàng ngàn mét vuông, tổ chức những sự kiện hoành tráng quy mô hàng ngàn người, để thể hiện mình là đơn vị hùng mạnh nhất trên thị trường, thu hút niềm tin của khách hàng với sản phẩm của họ, thì cả Conor và Floyd cũng đều không ngừng thể hiện mình là người giỏi nhất, từ lời nói tới hành động. Không có “nút tắt” cho cả hai. Nếu bạn thích Conor và Floyd, bạn thích sự tự tin, mạnh mẽ, cổ vũ cho họ tiếp tục là người số một. Còn nếu ghét họ, bạn chỉ muốn chứng kiến họ rớt khỏi vị trí ấy. Tai tiếng hay nổi tiếng với họ không quan trọng, quan trọng là họ muốn bạn biết họ là kẻ số một, và khiến bạn luôn muốn xem họ thi đấu” – Tommy McDonald chia sẻ.
Có lộ trình từng bước cùng với một câu chuyện hay
Theo Jared Vann, chuyên gia tiếp thị của Công ty DesignWorks Group, điều thú vị nhất trong cuộc đại chiến giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor, là nó sở hữu một lộ trình hoàn hảo cùng với một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn.
Đầu tiên, mọi thứ bắt đầu bằng lời qua tiếng lại giữa cả hai. Floyd Mayweather và Conor McGregor liên tục sử dụng những cơ hội xuất hiện trên truyền thông để nói xấu, xem thường, thậm chí là lăng mạ nhau. Sau đó, ý tưởng về một trận đấu “siêu kinh điển” giữa cả hai được hình thành. Rồi người đại diện của cả hai gặp nhau, bàn bạc, trì hoãn, gặp khó khăn trong thống nhất điều khoản, rồi lại nối lại đàm phán… Cứ như thế nhiều tháng trời, cho tới khi cả hai chính thức lên tiếng xác nhận thi đấu với nhau, sau đó là những màn họp báo và đấu khẩu ồn ào.
“Rất nhiều chiến dịch tiếp thị luôn tìm cách thao túng cảm xúc của khách hàng để có được sự thành công, cuộc đấu này cũng vậy. Theo dõi quá trình trận đấu hình thành, bạn trải qua đủ cung bậc buồn, vui, hồi hộp, tức giận… Ngoài ra, có một thứ thu hút chúng ta nữa, đó là câu chuyện của cuộc đấu này. Cuộc đấu của một kẻ ngông cuồng thách thức một nhà vô địch kiêu ngạo. Hay cuộc đấu của một kẻ chinh phục gan dạ bước vào lãnh địa boxing, lập tức đòi đấu với người mạnh nhất để khẳng định bản thân… Hiểu theo cách nào thì đó thực sự là một câu chuyện hay. Mà trong tiếp thị cũng như trong thể thao, một câu chuyện hay luôn là thứ tạo được sức hút khó cưỡng” – Jared Vann kết luận.
Phạm Tú
Nguồn Doanh nhân Cuối tuần