Nokia, Motorola: Bại binh phục hận

Nokia và Motorola đang từng bước tìm cách trở lại thị trường điện thoại di động toàn cầu, nơi mà cách đây gần một thập niên, những thương hiệu này luôn đứng đầu bảng.

Hoạn lộ chưa qua

Năm 2005, Nokia lần đầu tiên giới thiệu bộ 3 N70, N90 và N91. Thuộc thế hệ điện thoại thông minh của Hãng nên cả 3 mẫu này đều hỗ trợ người sử dụng nghe nhạc, chụp hình, chơi game và kết nối internet. Cũng trong năm đó, hãng điện thoại Phần Lan này tổ chức lễ kỷ niệm việc đã bán được 1 tỉ thiết bị di động trên toàn cầu.

Theo ghi nhận của công ty nghiên cứu thị trường Garnet, dù Apple ra mắt iPhone vào năm 2007 nhưng tính đến quý IV/2008, Nokia vẫn dẫn đầu về số lượng điện thoại bán ra lẫn phần mềm điện thoại được sử dụng. Nhưng có ai ngờ chỉ 8 năm sau, thua lỗ triền miên khiến lãnh đạo của Nokia phải bật khóc trong buổi công bố việc bị Microsoft mua lại với giá hơn 7 tỉ USD. Chưa hết, ít lâu sau, do quá thất vọng với mảng kinh doanh điện thoại, Microsoft đã bán mảng kinh doanh điện thoại phổ thông Nokia với giá rẻ mạt là 350 triệu USD cho FIH (chi nhánh của Foxconn Đài Loan) và HMD Global (một công ty Phần Lan).

Chưa đến mức rơi thẳng đứng như Nokia nhưng Motorola cũng hiểu rõ cảm giác bị loại khỏi cuộc chơi trong thị trường smartphone bởi Apple và Samsung. Theo thống kê của website statista, Motorola từng có hơn 10% thị phần điện thoại trên toàn cầu vào năm 2008 nhưng con số này đã giảm chỉ còn 1,7% vào quý IV/2012.

Mặc dù được Lenovo (Trung Quốc), hãng điện thoại đứng thứ 4 toàn cầu (theo IDC), mua lại từ tay Google vào năm 2014, nhưng Motorola cũng không thể cất cánh trong những năm sau đó vì sai lầm trong chiến lược điều hành của Lenovo. Điển hình là việc đổi tên thành Moto by Lenovo cùng việc lãng phí nguồn lực bộ phận di động cho Zuk, một thương hiệu dùng để gia nhập vào thị trường Trung Quốc. Sau 2 năm mua lại Motorola, Lenovo đã phải giảm bớt 2.000 việc làm tại Mỹ. Công ty cũng từ vị trí thứ 3 tụt xuống thứ 8 trong danh sách các hãng smartphone lớn nhất thế giới.

Nokia, Motorola: Bại binh phục hận

Giờ đây, cả Nokia lẫn Motorola đều đang lên kế hoạch lấy lại tên tuổi trên toàn cầu và Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam có dân số đông, đa phần là giới trẻ và yêu thích công nghệ mới. Mặt khác, đây là thị trường mà thương hiệu Nokia và Motorola vẫn còn nhận được nhiều cảm tình.

Tháng 6.2017, Nokia quay lại thị trường với mẫu điện thoại 3310 và bộ 3 smartphone 3, 5, 6 (sử dụng hệ điều hành Android) dưới sự quản lý của HMD Global. Đây là công ty được các cựu thành viên Nokia thành lập, có trụ sở ở Phần Lan. HMD Global chịu trách nhiệm sản xuất, phân phối và kinh doanh thương hiệu smartphone Nokia từ đây đến năm 2017. Hiện cả 4 mẫu đều có mặt ở thị trường Việt Nam và tập trung vào phân khúc từ 3-6 triệu đồng.

Tìm lại thời vang bóng

Giới hâm mộ ít nhiều đều lo lắng cho số phận của một công ty non trẻ như HMD Global trong cuộc chiến giành thị phần smartphone hiện nay vì nó đã khác rất nhiều so với 10 năm trước. Các hãng điện thoại Trung Quốc không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính mà đang ngày càng hiểu người sử dụng hơn, công nghệ hơn và tất nhiên là giá cả cạnh tranh hơn. Ở tuyến trên, Apple và Samsung vẫn đang ở thời kỳ đỉnh cao và không có dấu hiệu lung lay.

Thực ra, HMD Global không hẳn bắt đầu bằng số không. Họ vẫn đang là hãng sản xuất điện thoại chức năng đứng thứ 2 trên thế giới. Theo website strategyanalytics, năm 2016, đơn vị này xuất xưởng 35,3 triệu chiếc điện thoại chức năng, chiếm 9% thị trường toàn cầu, chỉ sau mỗi Samsung.

Motorola và Nokia vẫn còn sức mạnh lớn nhất là thương hiệu, kinh nghiệm quản lý và lượng khách hàng trung thành.

Bên cạnh đó, mặc dù bán mảng thiết bị kinh doanh cho Microsoft nhưng Nokia vẫn giữ lại các bằng sáng chế và HMD Global được quyền sử dụng chúng. Có khoảng 30.000 bằng sáng chế và Nokia xác nhận họ đang sở hữu 1/4 các bằng sáng chế quan trọng đối với mạng 2G và 3G. Có thể nói việc sở hữu các bằng sáng chế giúp Nokia tránh được các cuộc chiến pháp lý từ đối thủ và có thể mở rộng sang nhiều thị trường khác nhau, điều mà không nhiều công ty Trung Quốc có thể làm được. Trước mắt, Công ty sẽ tập trung vào sản phẩm giá trung bình thấp để giành thị phần ở các thị trường trọng điểm.

Trong khi đó, Lenovo cũng bắt đầu chuyển mình. Tháng 3.2017, Lenovo quyết định quay trở lại với thương hiệu Motorola, khai tử Zuk và bắt đầu đẩy mạnh các mẫu smartphone từ dòng cơ bản đến cao cấp và các phụ kiện đi kèm. Thông tin từ Công ty cho biết tính đến quý IV/2016, Motorola đang nắm trong tay 4,9% thị phần điện thoại toàn cầu. Dù Google vẫn giữ phần lớn bằng sáng chế của Motorola nhưng Lenovo cũng nhận được hơn 2.000 bằng sáng chế để củng cố cho cuộc chiến pháp lý trong tương lai.

Khác với Nokia, Motorola hiện có một chiến lược phủ rộng hơn trong mảng điện thoại thông minh: dòng E cho phân khúc thấp, G cho mức trung bình, X và Z phục vụ tầm trung và cao. Và Motorola sẽ giới thiệu tất cả các dòng này vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ở thị trường Việt Nam”, ông Augustin Becquet, Giám đốc Điều hành kiêm Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Lenovo Mobile Business Group và Motorola Mobility, trả lời phóng viên.

Thực ra, gần như thương hiệu mới vào Việt Nam cũng có các cam kết mở rộng và đem tất cả sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau, thậm chí là chịu lỗ vài năm đầu để giành thị phần. Xiaomi (Trung Quốc) là một điển hình. Sau khi ra mắt hàng loạt mẫu điện thoại tầm trung, mới đây Xiaomi lại tiếp tục đem về mẫu điện thoại cao cấp mới nhất của Hãng là Mi6 với giá bán lẻ khoảng 11 triệu đồng. “Chúng tôi muốn mọi người biết rằng Xiaomi luôn đổi mới và không thua kém về mặt công nghệ”, ông Donovan Sung, Giám đốc Quản lý sản phẩm và tiếp thị toàn cầu Xiaomi, nói.

Nokia, Motorola: Bại binh phục hận

Nguồn ảnh: IBTimes.

Ông Augustin cho biết thế mạnh của Motorola là khả năng sáng tạo. Moto Mod (các phụ kiện đi kèm như ốp lưng sạc không dây, loa gắn liền, pin sạc dự phòng...) sẽ là những điều khác biệt của Motorola trong thời gian tới. Dù các thiết bị này không hề rẻ nhưng Morotola khá tự tin với chiến lược này.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo ông Augustin, là Lenovo có bề dày lịch sử đầu tư thành công vào các công ty công nghệ, Motorola dù đã lạc lối trong vài năm qua nhưng đang trở lại đường đua và tăng trưởng doanh thu ổn định ở 2 con số. Một tín hiệu tích cực khác là một số nhân viên cấp cao của Motorola đã quay trở lại với Công ty.

“Chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng việc kinh doanh điện thoại di động sẽ đạt điểm hòa vốn và lợi nhuận sẽ bắt đầu tăng trong nửa năm tài chính kế tiếp”, ông Augustin nói.

Thật khó để nhận định Nokia hay Motorola sẽ đi xa đến đâu trong lần trở lại này, nhưng có một điều chắc chắn rằng sau chừng đó khó khăn, cả hai biết rõ hơn mình phải làm gì. Mười năm trước, cả hai đã thất bại do phản ứng quá chậm với mối đe dọa từ Android va Apple. Mười năm sau, cả Motorola và Nokia vẫn còn sức mạnh lớn nhất là thương hiệu, kinh nghiệm quản lý, lượng khách hàng trung thành. Nếu tận dụng được các yếu tố này nhanh hơn các đối thủ, cơ hội vẫn còn cho cả hai.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư