Siêu thị ngoại - "bệ đỡ" giúp hàng Việt xuất khẩu
Tìm cách đưa hàng Việt ra các nước thông qua hệ thống siêu thị ngoại là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp nhắm đến. Dù có sẵn "bệ đỡ” là các siêu thị, nhưng đó chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ nếu nội lực doanh nghiệp quá yếu.
Rộn ràng xuất khẩu
Cuối tháng 6/2017, lô hàng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên do Central Group mua đã được bày bán ở hệ thống đại siêu thị Tops và Central Food Hall (chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group) tại Bangkok (Thái Lan). Cũng trong tháng này, hệ thống siêu thị Lotte Mart xuất lô hàng thực phẩm, nước giặt, dụng cụ nhà bếp... mang thương hiệu Choice L trị giá 1 tỷ đồng sang Myanmar.
Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart Việt Nam Yoon Byung Soo cho biết, năm 2016, Lotte Hàn Quốc đã nhập 1.300 tỷ đồng hàng hóa từ Việt Nam. Dự kiến, giá trị hàng Việt Nam nhập khẩu vào hệ thống phân phối của Lotte sẽ tăng lên 2.000 tỷ đồng trong năm nay, và những mặt hàng mà đơn vị này tăng cao số lượng là chuối, xoài, thanh long...
Những năm qua, Aeon thông qua hệ thống siêu thị của mình tại châu Á đã nhập khẩu một lượng lớn các sản phẩm của Việt Nam. Ông Nishitoghe Yasuo - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, chất lượng hàng Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Đó là một trong những nguyên nhân để năm 2016, Aeon nhập 200 triệu USD hàng Việt (chủ yếu là may mặc, thực phẩm) đưa vào bán tại 14.000 cửa hàng của Aeon tại châu Á, trong đó có Nhật Bản.
Chia sẻ về hình thức xuất khẩu này, ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu thuộc Bộ Công Thương cho biết, việc thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hàng hóa vào các chuỗi phân phối nước ngoài là rất quan trọng. Đây là biện pháp rút ngắn các khâu trung gian, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng các nước. Việc lần đầu tiên trái vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang Thái Lan và được bày bán tại chuỗi phân phối của Tập đoàn Central Group là thành công lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Thêm kênh hỗ trợ
Chương trình xuất khẩu hàng Việt sang các nước thông qua hệ thống siêu thị ngoại đang nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, hiệp hội. Với mục tiêu xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào các hệ thống phân phối Thái Lan, mới đây, trong 4 ngày (ngày 2 - 5/8), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế thương mại ASEAN - Ấn Độ tại Thái Lan.
Tại đây, các doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận và đã có những thỏa thuận ban đầu để đưa hàng vào các chuỗi bán lẻ lớn nhất Thái Lan như Berli Jucker Public Co. Ltd (BJC - chủ chuỗi Big C Thái Lan), CP ALL Public Company Limited (hệ thống cửa hàng tiện lợi 7 - eleven), Fresh Mart International Public Company Limited (sở hữu khoảng 200 cửa hàng tiện lợi FreshMart), Central Group...
Hoạt động sắp tới của Central Group cũng đem lại cơ hội xuất khẩu trực tiếp cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 17 - 21/8, tại Central Plaza Ladprao Bangkok - một trong những trung tâm thương mại phức hợp lớn nhất Bangkok (Thái Lan) sẽ diễn ra chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan do Bộ Công Thương phối hợp với Central Group tổ chức.
Theo đánh giá của giới quan sát, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt qua kênh siêu thị nước ngoài sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới.
Tuần hàng Việt Nam sẽ giới thiệu đến người tiêu dùng Thái các mặt hàng đồ gốm, sơn mài, lụa, đồ gỗ nội thất, thực phẩm chế biến, trái cây vùng miền... Ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch Đối ngoại và Pháp lý Central Group Việt Nam cho biết, đơn vị này đã thành lập công ty chuyên phục vụ cho việc mua hàng hóa, trong đó có các chương trình hợp tác với nhà cung cấp trong nước. Hiện Central Group đã ký hợp đồng dài hạn để hỗ trợ tài chính ổn định cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo đánh giá của giới quan sát, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt qua kênh siêu thị nước ngoài sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Nhận định này càng được củng cố khi mới đây Chính phủ đã thông qua Đề án thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài.
Theo đề án này, đến năm 2020, hàng hóa Việt Nam sẽ xuất khẩu trực tiếp vào toàn bộ hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, giày dép, nông sản, cà phê, chè, thủy sản... sẽ tăng thêm 10 - 15%. Việc này sẽ giúp hàng Việt ngày càng vươn xa hơn trên thị trường thế giới.
Từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối Casino (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức), Makro (Czech), Coop và Conad (Ý), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... tổ chức 10 sự kiện "Tuần hàng Việt Nam" tại các nước ở châu Âu và châu Á. Các chương trình hỗ trợ xuất khẩu đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quốc Duẩn - Giám đốc Công ty thanh long Song Nam, nếu có các siêu thị "đỡ đầu" thì cơ hội để hàng Việt ra thế giới càng thuận tiện.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
Dù có sự hỗ trợ từ các bộ, ban ngành, nhà phân phối nhưng doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài. Nguyên nhân chính là chưa đảm bảo chất lượng ổn định, việc truy suất nguồn gốc chưa rõ ràng.
Chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng nhận xét hàng Việt vào siêu thị ngay tại Việt Nam còn nhiều khó khăn do không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, không có thương hiệu. Một thực trạng tồn tại là sản phẩm hàng Việt thường không đồng nhất, không đảm bảo nguồn cung lâu dài.
Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart Việt Nam Yoon Byung Soo đánh giá hàng Việt có thế mạnh trong cạnh tranh giá, nhưng lại thiếu đầu tư về mẫu mã bao bì, đóng gói chưa bắt mắt nên để xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Các thiết kế bao bì của Việt Nam là khó tiếp cận với khách hàng ngoại. Doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu thiết kế bao bì theo xu thế của thế giới thì mới thu hút khách hàng. Chẳng hạn, bao bì cho thực phẩm có màu sắc càng đơn giản càng dễ chiếm được tình cảm khách hàng.
Mặt khác, nếu doanh nghiệp không nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu mạnh để đưa hàng vào siêu thị và xuất ngoại thì hàng hóa mãi núp sau cái tên của nhà phân phối. Chưa kể, lâu dần, nhà phân phối hiểu sâu vào ngành hàng thì quyền lực chi phối thị trường sẽ thuộc về họ.
Cuối cùng vốn là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp Việt khi tham gia xuất khẩu hàng qua các chuỗi siêu thị nước ngoài phải đối mặt. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam là vừa và nhỏ với số vốn thấp. Trong khi đó, nếu xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống siêu thị nước ngoài thì việc thanh toán tiền lại chậm, thông thường từ một đến hơn 3 tháng. Điều này gây khó cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn quay vòng. Đó là chưa tính đến các chi phí chiết khấu, quảng cáo xúc tiến giới thiệu sản phẩm...
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, cần tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có tiềm năng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu có thể mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp và xuất xứ "made in Vietnam" thì hàng Việt mới thực sự vươn tầm quốc tế.
Song Nam
Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn