Vì sao Masan chỉ đạt 15% sau nửa chặng đường?

Là con số được dự báo trước, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay của Công ty Masan chỉ đạt 517 tỉ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy sau nửa chặng đường đã qua, Masan chỉ mới hoàn thành được 15% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm. Doanh nghiệp lớn của ngành thực phẩm và thức uống Việt Nam có giá vốn hóa hơn 2 tỉ USD này sẽ làm gì cho những tháng cuối năm?

Heo khiến tham vọng 3F gặp khó

Nguyên nhân gây sụt giảm lợi nhuận cho Masan là thị trường thịt heo lao dốc trong nửa đầu năm, người chăn nuôi đóng chuồng, bỏ đàn. Đi kèm với đó là nhu cầu về thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh khiến cho mảng đạm động vật của Masan sa sút. Điều đáng chú ý, trong chiến lược phát triển dài hạn, mảng đạm động vật là trụ cột quan trọng, nằm trong mô hình phát triển 3F từ trang trại đến bàn ăn mà Masan đặt rất nhiều kỳ vọng.

Sau khi thâu tóm xong công ty thức ăn chăn nuôi ANCO, Masan đã mở rộng đầu tư vào chuỗi 3F với một loạt dự án lớn như đầu tư 1.000 tỉ đồng cho dự án nuôi heo ở Nghệ An; thâu tóm 24,9% cổ phần doanh nghiệp chế biến thực phẩm Vissan; 33% cổ phần Cholimex Food hay thâu tóm toàn bộ 100% Saigon Nutri Food. Tham vọng của Masan là sở hữu một hệ thống sản xuất đến phân phối hoàn chỉnh có quy mô lớn để giành lấy miếng bánh 18 tỉ USD thị trường hàng thịt Việt Nam. Masan dự kiến sẽ hoàn thiện khu phức hợp sản xuất thịt và trang trại chăn nuôi heo vào 6 tháng đầu năm 2018. Đây sẽ là giai đoạn phát triển cuối cùng giúp hiện thực hóa tầm nhìn của công ty này về nền tảng đạm động vật tích hợp, một nền tảng độc đáo giúp phục vụ trực tiếp nhu cầu cho các sản phẩm thịt an toàn và truy xuất nguồn gốc dễ dàng.

Vì sao Masan chỉ đạt 15% sau nửa chặng đường?

Nhu cầu về thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh khiến cho mảng đạm động vật của Masan sa sút. Nguồn ảnh: Sơn Phạm.

Rất may, mảng kinh doanh thịt chế biến của Masan Consumer tăng trưởng 359% lên 88 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2017, dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần cả năm từ 300-500 tỉ đồng. Trong vòng 3 năm tới, kỳ vọng của Masan là các sản phẩm thịt sẽ có đóng góp lớn hơn vào doanh thu thuần, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp vào khoảng 30-35% trong trung hạn. Masan dự báo thịt chế biến sẽ trở thành ngành hàng có trị giá 50-75 triệu USD vào cuối năm 2018.

Tất nhiên tham vọng lớn thì thách thức quản lý các rủi ro cũng gia tăng đáng kể, giống như cơn khủng hoảng thịt heo vừa qua. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng đàn heo trên toàn quốc đã giảm 3,67% còn 27,23 triệu con trong 6 tháng đầu năm 2017. Trong năm ngoái, đàn heo đã tăng mạnh 4,8% khi ngày càng nhiều nhà sản xuất quy mô lớn gia nhập thị trường này. Nhưng khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu heo sống qua biên giới vào đầu năm nay, nhu cầu thịt heo đã sụt giảm nghiêm trọng.

Để đối phó với nhu cầu suy giảm của thị trường, trong nửa đầu năm nay, Masan Nutri-Science đã triển khai các chương trình hỗ trợ người chăn nuôi và nhà phân phối thoát khỏi cuộc khủng hoảng, nhưng đồng thời làm chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 36% lên 1.136 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Điều an ủi cho Masan là các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi khác cũng chịu nhiều tác động tương tự, điển hình như Công ty Chăn nuôi Mitraco lỗ ròng 30 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2017, Tập đoàn Dabaco Việt Nam lỗ ròng 20 tỉ đồng. Thủy sản Hùng Vương cũng chứng kiến doanh thu thuần sụt giảm 16% khi chỉ đạt 12.276 tỉ đồng trong 9 tháng của năm tài chính 2016-2017.

Dù vậy theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, giá heo biến động ảnh hưởng lên Masan lớn hơn nhiều so với các doanh nhiệp khác do mảng đạm động vật hiện đóng góp đến hơn một nửa doanh thu của Công ty, trong khi các đối thủ khác như Hòa Phát, GTN mới chiếm tỉ trọng khoảng 4%.

Vì sao Masan chỉ đạt 15% sau nửa chặng đường?Ngược lại với Masan, Vissan lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm tăng vọt 15% so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, đó là một hối tiếc lớn cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Masan là ông Nguyễn Đăng Quang và các cộng sự, bởi kết quả kinh doanh của Masan có thể khả quan hơn đáng kể nếu công ty này thâu tóm toàn bộ Vissan thay vì chỉ dừng lại ở mức công ty liên kết như hiện nay.

Bia có thêm đối thủ

Mảng kinh doanh bia của Masan Brewery cũng không lạc quan khi doanh thu chỉ đạt 36 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đây là điều gây ngạc nhiên bởi trong nửa đầu năm nay, ở mảng bia và nước giải khát, Masan đã chi ra tổng chiết khấu cho các đại lý tăng lên đến 160 tỉ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước để thanh toán nhanh lượng hàng tồn kho. Ban Giám đốc đặt kỳ vọng doanh thu cho cả năm 2017 đạt khoảng 700 tỉ đồng, tức đạt 70% kế hoạch đã đề ra. Sau khi giải quyết được lượng hàng tồn kho từ cuối năm 2016, doanh thu thuần cho 6 tháng cuối năm 2017 sẽ tương đương kết quả của nửa cuối năm 2016.

Có lẽ khác vì mảng thực phẩm tiêu dùng như mì gói, nước chấm... mà Công ty là một trong những người tiên phong, Masan thực sự gặp khó khăn trên mảng bia do là người đến sau, đồng thời tham gia vào một cuộc đua có tính cạnh tranh rất khốc liệt với những tên tuổi hàng đầu như Sabeco, Habeco, Heineken, Tiger, Sapporo... Chưa hết, bên cạnh các đối thủ hiện có, sắp tới đây Masan sẽ tiếp tục đối mặt với một thách thức nữa là hãng rượu thuốc lá của Đài Loan TTL cho biết sẽ chính thức gia nhập thị trường có quy mô 4 tỉ lít bia ở Việt Nam bằng việc ra mắt 3 dòng sản phẩm mới vào tháng 10 năm nay.

Để đối phó với các thách thức và giữ được thị phần, nửa cuối năm nay, Masan dự kiến sẽ giành toàn lực tổng tấn công trên khắp các mặt trận với việc tung ra các sản phẩm mới ở mảng cà phê hòa tan và ngành hàng tiện lợi, đồng thời tái tung ra một lượng lớn bia Sư Tử Trắng.

Ở mảng đạm động vật, giá thịt heo thời gian gần đây có dấu hiệu phục hồi, người chăn nuôi bắt đầu chuẩn bị cho chu kỳ chăn nuôi tiếp theo dự kiến sẽ mang lại tín hiệu mới cho dòng thức ăn chăn nuôi Bio-Zeem. Cùng với các bước đi nêu trên, Hội đồng Quản trị Masan mới đây đã miễn nhiệm ông Lê Trung Thành khỏi chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách sáng kiến chiến lược chỉ sau chưa đầy 6 tháng đảm nhiệm.

Dù sao Masan cũng có những lợi thế riêng là kinh nghiệm thị trường dày dạn, sở hữu các chiêu thức marketing độc đáo, hệ thống sản xuất và phân phối rộng lớn trên cả nước, đi cùng với tiềm lực tài chính vững chắc. Đầu năm nay, Masan Group cũng nhận thêm 150 triệu USD từ quỹ đầu tư hàng đầu thế giới KKR. Sau kết quả kinh doanh khá thất vọng nửa đầu năm và các động thái tái cấu trúc mới nhất, hãy chờ xem Masan sẽ thay đổi thế trận như thế nào vào nửa cuối năm nay.

Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư