Khi Bông Bạch Tuyết tỉnh giấc

Liệu cơ hội quay trở lại đường đua của thương hiệu 57 năm tuổi này khả quan ở mức nào, trước áp lực cạnh tranh khốc liệt như hiện nay?

Bông Bạch Tuyết, tên tuổi một thời đình đám của ngành bông băng y tế trong nước, dường như đang quay trở lại mạnh mẽ. Sau nhiều năm khó khăn vì gánh nặng nợ, đến năm 2016, kết quả kinh doanh của Bạch Tuyết đã ổn định khi lợi nhuận ròng tăng gấp 3 lần năm trước với giá trị 14,7 tỉ đồng.

Với tình hình sản xuất sáng sủa hơn, lãnh đạo Công ty cũng đặt ra kế hoạch phát triển thêm cổ phiếu huy động vốn, đồng thời gia tăng thêm các kênh đầu tư khác ngoài lĩnh vực cốt lõi để gia tăng tốc độ tăng trưởng, nhưng liệu cơ hội quay trở lại đường đua của thương hiệu 57 năm tuổi này khả quan ở mức nào trước áp lực cạnh tranh khốc liệt như hiện nay?

Củng cố thị trường truyền thống

Trong năm 2016, Bông Bạch Tuyết ghi nhận sản lượng bông băng tiêu thụ tăng trưởng khả quan 14%, đạt 508 tấn. Tổng doanh thu đạt 85 tỉ đồng, tăng nhẹ 7% so với năm trước đó. Công ty đã khắc phục được khoản lỗ lũy kế trong mấy năm trước, giúp cho vốn chủ sở hữu cải thiện từ con số âm lên dương 2 tỉ đồng, đồng thời tạo điều kiện để có thể niêm yết trở lại trong thời gian tới.

Khi Bông Bạch Tuyết tỉnh giấc

Nguồn ảnh: Sơn Phạm.

Trước đây, Bông Bạch Tuyết nhập thêm máy móc đã khiến năng lực sản xuất tăng vọt, trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng. Kết quả là năm 2006, Bông Bạch Tuyết lỗ 8,5 tỉ đồng và năm 2007 lỗ tiếp 6,8 tỉ đồng. Liên tục thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đã buộc phải ngừng sản xuất từ tháng 7.2008, còn cổ phiếu hủy niêm yết từ tháng 8.2009.

Công ty quyết tâm khắc phục sai lầm này. Thực tế, điểm sáng của Bông Bạch Tuyết trong 2 năm qua chính là tập trung trở lại vào ngành hàng bông băng y tế, tạm dừng cuộc đua vào thị trường băng vệ sinh tuy hấp dẫn nhưng phải đối đầu rất khốc liệt với các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài là Kotex, Diana, Laurier, Whisper. Hiện doanh thu từ mảng bông băng y tế chiếm đến 65% tổng doanh thu.

Nỗ lực vượt khó của Bông Bạch Tuyết thời gian qua là đáng ghi nhận. Công ty đã chi trả một phần nợ gốc cho các chủ nợ như Maritime Bank, Bibica, Ngân hàng Quân Đội... và đang đàm phán để tái cấu trúc các khoản nợ còn lại. Năm qua, Công ty cũng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất xử lý màng bông, đồng thời nâng cấp các dây chuyền sản xuất gạc bông y tế để tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu trên phân khúc bông băng y tế.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Bông Bạch Tuyết còn phát triển thêm các sản phẩm phục vụ sắc đẹp của phái nữ như bông tẩy trang Merilynn, khẩu trang Meriday... Nhưng về cơ bản, các dòng sản phẩm phục vụ y tế và sức khỏe vẫn đang là chủ lực khi đã có thương hiệu, dễ sản xuất và không phải tốn quá nhiều chi phí marketing, trong khi các đối thủ chính trong phân khúc này như Thành Tín, Liên Hiệp, Niva, Hiệp Hưng... vẫn chưa thực sự nổi bật.

Khi Bông Bạch Tuyết tỉnh giấcMột điểm mạnh khác của Bông Bạch Tuyết là hệ thống phân phối phủ khắp cả nước, thông qua hệ thống nhà thuốc, bệnh viện cũng như xuất hiện trên kệ của các siêu thị, trung tâm thương mại Saigon Co.opmart, Aeon Mall, Vinmart, Simply Mart, One Shop (thuộc Tổng Công ty May Nhà Bè). Nhìn chung, nếu công cuộc tái cấu trúc tài chính được thực hiện quyết liệt hơn nữa thì với thương hiệu và năng lực sản xuất sẵn có, Bông Bạch Tuyết có lẽ đủ sức để quay trở lại đường đua.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường bông băng ở Việt Nam vẫn còn rất phân mảnh khi các thương hiệu nhỏ vẫn chiếm tới 59% (năm 2014). Dân số đông, tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn, hệ thống bệnh viện ngày càng mở rộng, cũng như nhu cầu tân trang sắc đẹp của phụ nữ sẽ mang lại cơ hội cho hãng bông băng, tăm bông và gạc y tế như Bông Bạch Tuyết.

Tất nhiên, áp lực cạnh tranh cũng tương đối lớn khi người tiêu dùng nhìn chung không mấy trung thành với một dòng sản phẩm do độ tương tự của chúng khá cao. Ngoài ra, công nghệ sản xuất tương đối thấp, rào cản gia nhập ngành không lớn khiến cho các hãng bắt buộc phải hạ giá bán để cạnh tranh. Đó còn là thách thức về chủ động nguồn nguyên liệu khi Việt Nam gần như phải nhập toàn bộ bông nguyên liệu từ nước ngoài, vốn chịu nhiều tác động của tỉ giá.

Quyền lực mới

Bông Bạch Tuyết đặt kế hoạch năm 2017 với sản lượng sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 628 tấn và 602 tấn, tăng trưởng 20% và 18%. Chỉ tiêu doanh thu 101 tỉ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 24,3 tỉ đồng, tăng trưởng 65%.

Đáng chú ý, Đại hội cổ đông vừa qua của Bông Bạch Tuyết xuất hiện một nhân tố mới. Đó là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex Huế) khi đồng ý mua toàn bộ 2,88 triệu cổ phiếu phát hành thêm của Bông Bạch Tuyết với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi cổ đông lớn là Dệt may Gia Định từ chối không mua thêm 888.000 cổ phiếu vì cho rằng mức giá quá cao. Như vậy, sau thương vụ này, Unimex Huế sẽ sở hữu đến 29% cổ phần, chính thức vượt qua Dệt may Gia Định để trở thành cổ đông lớn nhất của Bông Bạch Tuyết. Một câu hỏi đặt ra: Unimex Huế là ai?

Khi Bông Bạch Tuyết tỉnh giấc

Unimex Huế, tiền thân là Công ty Ngoại thương Thừa Thiên Huế, được thành lập từ năm 1976. Dòng sản phẩm chủ lực là thêu tay, may áo Kimono... Bên cạnh hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, Công ty tham gia hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác đầu tư vào lĩnh vực đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, xây dựng. Năm 2016, doanh thu của Unimex Huế là 130 tỉ đồng với lợi nhuận ròng 46 tỉ đồng, đưa tỉ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu ở mức khá cao là hơn 4.800 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong danh sách các cổ đông chiến lược của Unimex Huế có một loạt tên tuổi lớn như Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú và đối tác chuyên kinh doanh bất động sản Thuduc House. Hiện Phó Tổng Giám đốc của Thuduc House là ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh đang là thành viên Hội đồng Quản trị của Unimex Huế.

Rõ ràng, quyết định tham gia vào Bông Bạch Tuyết của Unimex Huế phần nào thể hiện rõ chiến lược thâu tóm của nhóm các nhà đầu tư bên ngoài. Dường như họ đã cảm nhận được một số cơ hội khi thấy hiệu quả kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đang dần cải thiện và quan trọng hơn, công ty đang gặp khó khăn này vẫn sở hữu những tài sản chất lượng, nhất là quỹ đất có vị trí tốt.

Điển hình, theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty trong Đại hội cổ đông, là dự án khu nhà ở Nguyễn Văn Săng (Tân Phú) mới đây đã nhận được cái gật đầu của Ủy ban Nhân dân Thành phố. Dự án có tổng diện tích hơn 5.000m2 được dự kiến ban đầu là sẽ phát triển thành khu compound khép kín. Bông Bạch Tuyết cũng đang khai thác mặt bằng tại số 550 Âu Cơ (Tân Bình), cùng sở hữu 16.000m2 nhà xưởng, kho chứa ở Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Chánh).

Sơn Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư