Đổ hàng nghìn tỷ vào quảng cáo mỗi năm, hiệu quả mà Vinamilk, Sabeco, Habeco thu về đến đâu?
Báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm cho biết, ngoại trừ Vinamilk có mức độ tăng trưởng trên 10% với doanh thu 25.398 tỷ đồng thì Sabeco, Habeco chỉ đạt tốc độ tăng trưởng rất thấp.
Tại Việt Nam, với quy mô dân số hơn 90 triệu người cùng mức thu nhập ngày càng cải thiện trong những năm gần đây, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang thực sự trở thành mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực FMCG cũng vô cùng khốc liệt và nếu các doanh nghiệp không đầu tư quảng bá thương hiệu liên tục cũng đồng nghĩa với việc nhường sân chơi cho đối thủ. Do đó, sẽ không quá bất ngờ nếu các doanh nghiệp top đầu dành hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho công tác quảng cáo, tiếp thị hình ảnh.
Như trường hợp Vinamilk, dù là tên tuổi hàng đầu Việt Nam trong ngành sữa nhưng doanh nghiệp này đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ trong và ngoài nước như TH True Milk, Abbott, Mead Johnson, Nestle, Friesland Campina (Cô gái Hà Lan)…. cũng như một doanh nghiệp đang tăng tốc rất nhanh là Nutifood.
Có thể thấy, quảng cáo của các hãng sữa cạnh tranh đang xuất hiện khắp mọi nơi và rõ ràng Vinamilk không thể đứng ngoài “cuộc đua” này, nhất là trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng Việt vẫn khá ưa chuộng các dòng sản phẩm sữa ngoại. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2017, số tiền quảng cáo Vinamilk bỏ ra lên tới 936 tỷ đồng, tương đương số tiền quảng cáo chi ra trong cả năm 2014.
Đối với Sabeco và Habeco, trước áp lực cạnh tranh mạnh từ hàng loạt đối thủ ngoại như Carlsberg, VBL (cung cấp Heineken, Tiger, Larue…), Sapporo, AB Inbev (Budweiser), hai “đại gia” bia trong nước cũng rất mạnh tay cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2017, Sabeco chi ra 790 tỷ đồng – tăng 73%; Habeco chi 223 tỷ đồng – tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệu quả từ quảng cáo đến đâu?
Về mặt lý thuyết, càng chi nhiều tiền cho quảng cáo, mức độ nhận biết thương hiệu càng tăng và điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện doanh số bán hàng. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân chững lại đang ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp FMCG.
Báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm cho biết, ngoại trừ Vinamilk có mức độ tăng trưởng trên 10% với doanh thu 25.398 tỷ đồng thì Sabeco, Habeco chỉ đạt tốc độ tăng trưởng rất thấp. Cụ thể, doanh thu 6 tháng của Sabeco đạt 15.779 tỷ đồng – tăng 7%; Habeco đạt doanh thu 4.226 tỷ đồng – tăng 5%. Trong khi đó, "đại gia" ngành thực phẩm tiêu dùng Masan Consumer thậm chí chỉ đạt doanh thu 5.462 tỷ đồng – giảm 6%.
Có thể nói, mặc dù ngày càng chi đậm cho hoạt động quảng cáo, tuy nhiên hiệu quả thu về của các doanh nghiệp ngày càng thấp đi.
Nếu như năm 2012, mỗi đồng chi ra cho quảng cáo sẽ mang về cho Sabeco hơn 50 đồng doanh thu thì đến 6 tháng đầu năm, mỗi đồng chi ra cho quảng cáo chỉ còn mang về cho doanh nghiệp này 20 đồng doanh thu.
Tương tự Sabeco, mỗi đồng quảng cáo của Habeco năm 2014 sẽ giúp doanh nghiệp này tạo ra 54 đồng doanh thu thì đến nửa đầu năm 2017, con số này chỉ còn 19 đồng.
Ngược lại, “vua sữa” Vinamilk lại có tín hiệu khởi sắc hơn so với các doanh nghiệp ngành bia. Trong nửa đầu năm 2017, mỗi đồng quảng cáo đã mang về cho Vinamilk 27 đồng doanh thu, con số này cải thiện đáng kể so với mức 23 đồng trong năm 2016 (dù rằng doanh thu tạo ra trên mỗi đồng quảng cáo của Vinamilk liên tục sụt giảm từ năm 2012 – 2016).
Hoàng Anh
Nguồn Trí thức trẻ