Người dùng Việt sẽ có thêm mạng xã hội hỏi đáp qua video
Có mặt trên App Store từ tháng 4/2017, Tomo là mạng xã hội chia sẻ kiến thức thông qua hình thức hỏi đáp bằng Video. Điều đặc biệt là mạng xã hội này hoàn toàn “made in Vietnam”.
“Tomo trong tiếng Việt là tò mò, tiếng Nhật là bạn bè còn tiếng Anh là chữ cái đầu của 'tomorrow' (ngày mai-PV). Đấy là lý do mình chọn tên gọi Tomo”, anh Vương Quang Long, 37 tuổi, CEO, người sáng lập ứng dụng Tomo chia sẻ như vậy.
Khi sử dụng Tomo, người dùng có thể đặt câu hỏi dưới dạng văn bản về bất cứ lĩnh vực gì với một cá nhân, chuyên gia cụ thể hoặc lựa chọn hình thức câu hỏi mở cho cả cộng đồng. Đổi lại, họ nhận về câu trả lời là những đoạn video có thời lượng tối đa 60 phút.
Anh Long cho biết ở Việt Nam đã có nhiều mạng xã hội cùng tồn tại như Facebook, Instagram, Zalo,… tuy nhiên đặc điểm chung của các mạng xã hội hiện nay là tính tức thời, người dùng nghĩ gì đăng đấy, và thường nội dung sẽ ít khi được xem lại.
Trong khi đó, anh muốn nhắm đến một dạng cộng đồng chia sẻ kiến thức, những bài đăng có tính lắng đọng hơn, không chi xem một lần mà còn có thể xem nhiều lần. Đặc biệt những người vào sau vẫn có thể xem câu hỏi, câu trả lời của những người đã vào trước đó.
“Mình lấy ví dụ mỗi ngày, chúng ta vào Facebook 3-4 lần, đăng 3-4 status liền thì trong Tomo, không cần làm nhiều như thế. Chỉ cần 2-3 ngày vào xem bạn bè, những người mình đang theo dõi có video nào mới không”.
“Bản chất là mình muốn thông qua các câu hỏi, câu trả lời, xây dựng một thư viện lớn. Sau này ai có câu hỏi tương tự thì chỉ cần xem lại video trả lời trước đó. Như vậy kiến thức chia sẻ không chỉ có giá trị tức thời mà còn có giá trị về sau”.
Hiện tại, bên Mỹ cũng đã có Quora, cộng đồng hỏi đáp tương tự Tomo. Mô hình ra đời cách đây 8 năm và rất thành công, tuy nhiên chỉ tập trung vào hình thức hỏi đáp bằng văn bản và cũng chưa tiến sâu vào thị trường châu Á.
Với Tomo, anh Long cho rằng đây có thể coi là phiên bản hiện đại hơn của Quora khi dùng tính năng trả lời bằng Video. Anh cũng xây dựng song song cả bản tiếng Anh và tiếng Việt với mong muốn mở rộng ra nhiều thị trường khác trên thế giới.
Dù chưa ra mắt chính thức nhưng ứng dụng này đã có khoảng 1.400 người sử dụng và hơn 1.000 video chia sẻ kể từ thời điểm tháng 4/2017.
Trong tương lai, anh Long dự định sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đồng thời tích hợp thêm tính năng thanh toán bằng tiền ảo, vì sẽ có trường hợp người nổi tiếng hoặc chuyên gia nhận được rất nhiều câu hỏi mỗi ngày. Tuy nhiên anh thừa nhận việc đưa mô típ tiền tệ vào ứng dụng có thể làm lệch đi so với hướng ban đầu là chia sẻ kiến thức miễn phí, nên đội ngũ phát triển sẽ tính toán thận trọng trước khi thực sự triển khai vào cuối năm nay.
Chia sẻ về khả năng tồn tại song song của Tomo với các mạng xã hội khác tại Việt Nam, anh Long cho biết: “Ở Mỹ mọi người sử dụng mạng xã hội rất đa dạng, có Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat, Quora, Pinterest… trong khi ở Việt Nam hầu hết đều tập trung vào Facebook. Nếu tìm được bản sắc thì vẫn có khoảng trống cho mình, dù thời gian đầu phát triển có thể không dễ”.
Hồng Lam
Nguồn Trí thức trẻ