Amazon chuẩn bị tiến vào Đông Nam Á
Theo nguồn tin của TechCrunch, có khả năng trong tuần này tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ) sẽ triển khai một loạt dịch vụ tại Singapore, bao gồm gói thành viên Amazon Prime, dịch vụ giao hàng nhanh Amazon Prime Now, cũng như các dịch vụ thương mại điện tử thông thường của Amazon.
Amazon đã không đưa ra bình luận về vấn đề này.
Hồi tháng 11 năm ngoái, TechCrunch đã lần đầu đưa tin về việc Amazon đang tính kế thâm nhập thị trường Đông Nam Á.
Trong một dấu hiệu khác, Amazon đã bắt đầu tiếp thị dịch vụ của mình thông qua các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội (thường được gọi là KOL). Một số tài khoản Instagram nổi tiếng ở Singapore đã cho đăng những hình ảnh có logo rất giống logo của Amazon.
Amazon đã tiến vào nhiều thị trường và ngành kinh doanh mới trong năm 2017. Hãng đã mở rộng sang Trung Đông thông qua việc mua lại Souq.com, bắt đầu thâm nhập vào thị trường Úc, và đang trong quá trình hoàn tất việc mua chuỗi siêu thị Whole Foods tại Mỹ với giá gần 14 tỷ USD. Bây giờ Amazon đang chuẩn bị thâm nhập khu vực Đông Nam Á có 600 triệu người tiêu dùng, nơi Alibaba và Tencent của Trung Quốc đã và đang tích cực đầu tư.
Alibaba đã thâm nhập Đông Nam Á vào năm ngoái khi mua phần lớn cổ phần trong dịch vụ thương mại điện tử Lazada. Gần đây, Alibaba đã tăng cổ phần của mình tại Lazada lên 83%. Alibaba-Lazada cũng mua lại luôn dịch vụ bán hàng tạp hóa trực tuyến Redmart của Singapore, và tạo ra chương trình thành viên LiveUp với nhiều điểm giống như Amazon Prime. Amazon cũng sẽ phải dè chừng Tokopedia của Indonesia, hiện được cho là đang thảo luận với JD.com và Alibaba về một khoản đầu tư có thể lên đến 500 triệu USD.
Theo báo cáo của Quỹ Temasek và Google được công bố vào năm ngoái, tuy hoạt động thương mại điện tử được ước tính chiếm chưa tới 5% tổng hoạt động thương mại hiện nay ở khu vực Đông Nam Á, nhưng được dự kiến là sẽ gia tăng đáng kể trong thập kỷ tới. Theo báo cáo này, quy mô thương mại điện tử tại Đông Nam Á được cho là sẽ tăng từ 5,5 tỷ USD vào năm 2015 lên 87,8 tỷ USD vào năm 2025. Các yếu tố dẫn tới sự tăng trưởng này là sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu và sự gia tăng tiếp cận với Internet - tính bình quân mỗi tháng, Đông Nam Á lại có thêm 3,8 triệu người dùng Internet mới.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và có dân số lớn thứ 4 thế giới, được dự kiến sẽ chiếm hơn 50% chi tiêu thương mại điện tử trong khu vực vào năm 2025. Amazon đã chọn Singapore là điểm đến đầu tiên của Đông Nam Á, chủ yếu do văn hóa tiêu dùng tại đây đã được phương Tây hóa và Singapore cũng là trung tâm tài chính của khu vực, nhưng theo TechCrunch thì có lẽ Indonesia mới là mục tiêu chính của gã khổng lồ này.
Hoàng Phượng / TechCrunch
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư