10 nhân vật quyền lực nhất làng công nghệ năm 2017
10 nhân vật quyền lực nhất làng công nghệ không chỉ là những nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD mà còn là những người có nhiều quyết định táo bạo có thể làm thay đổi cả ngành công nghệ năm 2017.
Để duy trì các mảng kinh doanh chính đồng thời phát triển công nghệ mới, các công ty công nghệ đã chi ra cả "núi tiền" để đầu tư. Theo ước tính của Gartner, chỉ tính riêng năm 2017, các công ty công nghệ sẽ rót khoảng 3,5 nghìn tỷ USD cho các hoạt động.
Năm 2017 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ chi phí đầu tư cho điện toán đám mây cũng như các công nghệ mới ở nơi làm việc, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và Internet of Things (IoT).
Và tất nhiên, đứng sau các phi vụ đầu tư mạnh tay này luôn là những nhà lãnh đạo đầy quyền lực của các công ty.
Mới đây, Bussiness Insider vừa công bố danh sách 52 nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong làng công nghệ năm 2017, trong đó không chỉ có những cái tên lão làng của các công ty công nghệ đình đám như Microsoft, Amazon, Google, Cisco,... mà còn có sự góp mặt của nhiều gương mặt mới đến từ các công ty công nghệ mới lên sàn.
Dưới đây là 10 nhân vật đứng đầu danh sách:
10. Urs Hölzle, Chủ tịch của Google Enterprise, Google
Urs Hölzle là một trong những nhân viên đầu tiên gắn bó với Google (nhân viên thứ tám) và là một thiên tài đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng và trung tâm dữ liệu của Google trên toàn thế giới.
Hiện nay, Hölzle là người phụ trách phát triển mảng điện toán đám mây của Google. Ông tin rằng doanh thu từ đám mây của Google một ngày nào đó có thể vượt qua doanh thu quảng cáo tại công ty trị giá 631 tỷ USD này.
Trên hết, ông đang cố gắng hướng Google trở thành một phần của công nghệ Internet thân thiện và ông hứa rằng các trung tâm dữ liệu của Google một ngày không xa sẽ chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.
9. Werner Vogels, Giám đốc Công nghệ của Amazon
Amazon Web Services là công ty hàng đầu trong thị trường điện toán đám mây đang phát triển mạnh. Đây chính là nơi để các công ty thuê máy tính và lưu trữ, thanh toán từng giờ và phân phối như một dịch vụ trên Internet.
Dự tính năm 2017, công ty này sẽ mang về ít nhất 14 tỷ USD cho Amazon và là mang lại lợi nhuận lớn nhất cho gã khổng lồ bán lẻ.
Thành công này có một phần không nhỏ của Giám đốc Công nghệ Werner Vogels, người đã giúp Amazon Web Services tiếp tục bổ sung các tính năng mới trong khi vẫn tiết giảm được chi phí.
Và một khi Amazon vẫn tiếp tục phát triển điện toán đám mây dưới sự chỉ đạo của Vogels, công ty này sẽ càng duy trì áp lực lên các công ty công nghệ đi sau và các công ty mới khởi nghiệp.
8. Bill McDermott, Giám đốc điều hành của SAP
SAP vẫn là công ty cung cấp ứng dụng doanh nghiệp lớn nhất thế giới và dưới sự lãnh đạo của Bill McDermott, mặc dù công ty phát triển chậm nhưng chắc. Công ty này chắc chắn sẽ tìm ra những cách thức mới để tận dụng điện toán đám mây.
Dưới sự lãnh đạo của Bill McDermott, doanh thu của SAP trong quý II/2017, đã tăng 10% nhờ vào điện toán đám mây.
Câu chuyện cuộc đời của McDermott là một câu chuyện đầy những thăng trầm nhưng cũng rất đáng khâm phục. Ông sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động. Năm 2002, ông đã mua công ty đầu tiên của riêng mình và trở thành Giám đốc điều hành vào năm 2014. Ông cũng là người Mỹ đầu tiên điều hành công ty có trụ sở tại Đức.
Năm 2015, ông đã mất đi một mắt trong một vụ tai nạn tuy nhiên, điều đó không làm ông nản chí. "Tôi đang sống để chứng minh rằng tầm nhìn không chỉ là những gì bạn nhìn thấy", ông nói với CNBC trong một lần phỏng vấn gần đây.
7. Chuck Robbins, Giám đốc điều hành của Cisco
Sau quãng thời gian đầy khó khăn với doanh thu sụt giảm và buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên, cuối cùng Giám đốc điều hành Chuck Robbins cũng đã tiết lộ kế hoạch tiết kiệm lớn của Cisco: Đó là đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo.
Đây là cơ hội lớn của Robbins để làm nên cuộc cách mạng đưa Cisco đến thời đại mới mà các phần cứng có thể được lập trình điều khiển bởi phần mềm. Ông hứa hẹn sẽ làm những điều mà các nhà cung cấp khác không thể, như cho ra đời sản phẩm Encrypted Traffic Analytics, có thể phát hiện phần mềm độc hại trong các tệp mã hoá mà không cần phải mở các tệp.
Đồng thời, Robbins cũng đang cố gắng thay đổi Cisco từ việc chỉ cung cấp phần cứng sang phát triển thêm các phần mềm đám mây, với doanh thu ổn định từ đám mây. Những khát vọng này đã thúc đẩy ông mua lại AppDynamics trị giá 3,7 tỷ USD ngay trước khi nó niêm yết.
6. Bill Gates, người sáng lập kiêm cố vấn công nghệ của Microsoft
Mặc dù Bill Gates không còn là người quản lý của Microsoft, nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia vào công ty với vai trò là cố vấn cho Giám đốc điều hành Satya Nadella và là một nhà lãnh đạo tư tưởng trong ngành.
Là người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản trị giá 90,4 tỷ USD, dù không còn trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp, Bill Gates vẫn là một người rất quyền lực.
Ông cũng đang cố gắng thúc đẩy sự tiến bộ của thế giới thông qua các khoản đầu tư từ thiện. Quỹ Bill và Melinda Gates đã dành rất nhiều tiền để tài trợ cho các nghiên cứu khoa học, công nghệ, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, đồng thời, nỗ lực giải quyết tình trạng đói nghèo, đặc biệt là ở một số nơi nghèo nhất trên hành tinh.
5. Diane Greene, Phó chủ tịch của Google Cloud, Google
Diane Greene là một huyền thoại của làng công nghệ thế giới với tư cách là người sáng lập ra VMware, rất lâu trước khi bà gia nhập Google để đứng đầu mảng điện toán đám mây.
Thậm chí, hiện nay, bà đang tham vọng dẫn dắt mảng đám mây của Google để đánh bại Amazon.
Nhà lãnh đạo của Google Cloud đã tuyên bố công khai rằng bà đang có kế hoạch đi trước Amazon vào năm 2022 và sẽ theo sát mọi hoạt động của Google Cloud cho đến lúc đó.
Năm 2017, Google đã đạt được thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với Snap, cũng như những gã khổng lồ công nghệ khác như eBay và Disney.
4. Larry Ellison, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Oracle
Trong nỗ lực cạnh tranh với đối thủ mới là Amazon Web Services của đế chế bán lẻ Amazon, Ellison đã xác định rằng lợi nhuận quý IV/2017 của Oracle chắc chắn sẽ sụt giảm.
Trong quý IV/2017, Oracle dự định tăng khoản đầu tư cho mảng đám mây của công ty cao hơn 58% so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch đầy tham vọng của tỷ phú Ellison trong cuộc đua cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm như Microsoft và Amazon đang giữ cho Oracle không nằm ngoài cuộc trò chơi đám mây và có vẻ kế hoạch này của ông cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của các cổ đông.
3. Marc Benioff, Giám đốc điều hành của Salesforce
Giám đốc điều hành Salesforce, Marc Benioff đang làm thay đổi phong cảnh của San Francisco. Tòa nhà Salesforce Tower trị giá 1 tỷ USD của Benioff, dự kiến mở cửa vào năm 2018, là toà nhà cao nhất và đắt nhất trong thành phố.
Khi điện toán đám mây trở thành mối quan tâm lớn nhất nhất với các công ty công nghệ, thì Salesforce đã có hẳn một nền tảng hoạt động vững chắc. Công ty này từ lâu đã sớm sở hữu nhiều phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM), giúp người bán hàng tổ chức công việc của họ, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và theo dõi khách hàng.
Salesforce hiện cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Benioff thậm chí còn sử dụng phiên bản AI riêng để điều hành công ty.
2. Satya Nadella, Giám đốc điều hành của Microsoft
Dưới triều đại của CEO Satya Nadella, Microsoft đã trở lại thời hoàng kim một lần nữa.
Microsoft đã trở thành đối thủ đáng gờm của Amazon Web Services và trở thành công ty điện toán đám mây lớn thứ 2 thế giới. Bên cạnh đó, với việc mua lại LinkedIn, Microsoft cũng đang trở thành đối thủ đáng gờm của Salesforce.
Mặc dù gần đây Nadella đã ra quyết định sa thải hàng chục ngàn nhân viên, trong đó có một số nhân vật quan trọng nhưng sự tín nhiệm của các nhân viên với ông vẫn khá cao.
Nadella, một "chiến binh" lâu năm của Microsoft, đã cắt bỏ bớt hệ thống cồng kềnh làm cho Microsoft gọn gàng và ít quan liêu hơn để chuẩn bị cho cuộc chiến điện toán đám mây đang ngày càng trở nên khốc liệt.
1. Andrew Jassy, Giám đốc điều hành của Amazon Web Services
Là Giám đốc điều hành của Amazon Web Services (AWS), Andrew Jassy cũng chính là đang điều hành một trong những thế lực hùng mạnh nhất và thống trị trong ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp hiện nay.
AWS đang tạo ra một cuộc cách mạng trong mảng điện toán đám mây và buộc những công ty công nghệ lớn không thể đứng ngoài cuộc chơi. Các công ty như Cisco, Oracle, IBM và Microsoft đã và đang phải thay đổi các sản phẩm và mô hình kinh doanh nếu không muốn phải đối mặt với sự sụp đổ giống như EMC, công ty đã bị Dell thâu tóm vào năm ngoái.
Kể từ khi được thăng chức từ vị trí Phó chủ tịch cao cấp vào đầu năm 2016, Jassy đã đưa lợi nhuận quý I/2017 của AWS tăng đột biến, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện AWS là công ty kinh doanh có lợi nhuận lớn nhất của Amazon. Và dưới sự chèo lái của Jassy, có vẻ như AWS đang đi rất đúng hướng.
Kiều Châu
Nguồn BizLive