Vì sao các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ đóng cửa hàng loạt?
Người ta thường hay đổ lỗi cho Amazon và sự gia tăng mua sắm trực tuyến, nhưng thực tế không phải như vậy...
Sự trỗi dậy của Amazon và hoạt động thương mại điện tử vẫn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng đóng cửa và phá sản hàng loạt trong ngành bán lẻ truyền thống của Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhà tư vấn bán lẻ Doug Stephens, thương mại điện tử chỉ là một phần nguyên nhân. Ông nói: "Khi tính toán, có thể thấy rằng hiện tượng này không thể là do một mình Amazon được".
Doanh số thương mại điện tử đang gia tăng mạnh, với mức tăng 15% trong quý gần đây nhất, so với mức 4% của tổng doanh số bán lẻ.
Nhưng tổng doanh số thương mại điện tử chỉ chiếm 8,5% tổng doanh thu bán lẻ ở Mỹ. Theo số liệu của Cục Khảo sát dân số Mỹ, 91,5% hoạt động bán lẻ vẫn được thực hiện tại các cửa hàng truyền thống.
Điều gì đang khiến các trung tâm mua sắm và các cửa hàng đóng cửa hàng loạt, nếu hầu hết người dân Mỹ vẫn đến các cửa hàng để mua sắm?
Chắc chắn sự tăng trưởng của thương mại điện tử là yếu tố không thể bỏ qua. Nhưng có 2 yếu tố khác đóng vai trò lớn hơn: dư thừa số lượng các cửa hàng bán lẻ, và người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.
Trong những năm 1990, các chuỗi bán lẻ đã mở rộng rất mạnh, khiến nước Mỹ tràn ngập hàng trăm trung tâm mua sắm với kỳ vọng rằng nhu cầu sẽ tăng theo.
Theo John Clapp, giáo sư của Trung tâm Bất động sản Đại học Connecticut, nhu cầu chưa bao giờ bắt kịp tốc độ mở cửa hàng. Sau đó giai đoạn suy thoái kinh tế bắt đầu vào 2008, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong chi tiêu.
Clapp nói: "Bây giờ các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ nhiều gấp 2 đến 3 lần nhu cầu thực tế của người dân".
Việc mở quá nhiều cửa hàng bán lẻ đã dẫn đến sự sụt giảm doanh số bán lẻ tính theo mét vuông tại Mỹ. Theo một công ty phân tích bất động sản Green Street Advisors, một chuỗi cửa hàng như Sears sẽ phải đóng cửa gần 1/2 số cửa hàng để đưa doanh thu/m2 quay lại mức của năm 2006.
Nhiều nhà bán lẻ đã dự đoán doanh thu sẽ hồi phục sau cuộc suy thoái. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra đối với đa số các cửa hàng ở những trung tâm thương mại, chủ yếu là vì mọi người thay đổi thói quen mua sắm của họ.
"Mọi người đang đưa ra nhiều quyết định sáng suốt hơn về những gì họ mua, nơi mà họ chi tiêu, và cách họ chi tiêu", Stephens nói.
Cụ thể, người Mỹ giờ đây đang mua các trải nghiệm nhiều hơn là mua đồ. Xu hướng này đã gây ra thiệt hại nặng với các chuỗi bán lẻ quần áo.
Stephens cho biết xu hướng này là do sự phát triển của mạng xã hội. "Trải nghiệm cho phép người ta kể chuyện tốt hơn trên mạng xã hội so với việc mua những món đồ", ông nói.
Thêm vào đó người tiêu dùng cũng gia tăng chi tiêu trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như y tế, công nghệ và giáo dục.
Và khi người ta đi mua sắm, họ cũng muốn săn tìm giá hời - một thói quen mà họ học được trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Các cửa hàng chuyên bán đồ giảm giá như TJ Maxx, Marshalls, và Ross Stores đang phát triển, trong khi các cửa hàng lớn như Sears và Macy đang gặp khó khăn.
Rồi sẽ đến lúc thương mại điện tử đóng một vai trò lớn hơn trong ngành bán lẻ do sự tăng trưởng nhanh chóng, nhưng bây giờ thì chắc chắn nó chưa phải là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài của ngành bán lẻ truyền thống.
Bá Ước / BI
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư