Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam vừa được tổ chức mới đây, Hội đồng bình chọn Thương vụ M&A tiêu biểu đã công bố danh sách 50 thương vụ M&A tiêu biểu năm 2016-2017.

Giá trị các giao dịch M&A của 28 thương vụ tiêu biểu nhất trong số List 50 thương vụ M&A tiêu biểu ước đạt 2,67 tỷ USD, chiếm 46% giá trị các thương vụ M&A trong giai đoạn 6/2016-6/2017. Quy mô trung bình mỗi thương vụ tiêu biểu bình quân 95 triệu USD/thương vụ.

Cũng theo hội đồng bình chọn, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số trong danh sách các thương vụ có giá trị lớn. Tổng giá trị M&A của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam là người mua tích cực trong List 50 năm nay gồm Kido Group và Thành Thành Công. Kido tăng sở hữu cổ phần tại Vocarimex, trong khi đó Thành Thành Công tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị ngành mía đường thông qua các thương vụ mua lại và hợp nhất, điển hình là sáp nhập TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa.

Các thương vụ trong List 50 cũng phản ánh xu hướng M&A trong năm 2016 – 2017 khi tập trung vào các ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản… những ngành khác góp mặt bao gồm hóa chất, hàng không.

Dựa vào danh sách bình chọn các thương vụ M&A 2016 -2017 mà Ban tổ chức Diễn đàn M&A Vietnam 2017 đưa ra, xin điểm lại 10 thương vụ tiêu biểu dưới đây.

1. Kido thâu tóm 65% dầu thực vật Tường An

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Tháng 11/2016, Tập đoàn Kido (Mã CK: KDC) cho biết đã mua thành công 12,34 triệu cổ phiếu (65%) của Công ty Dầu thực vật Tường An (Mã CK: TAC). Với giá mua đã công bố theo kế hoạch là 82.000 đồng một cổ phiếu, ước tính số tiền Kido bỏ ra xấp xỉ 1.012 tỷ đồng.

Trước đó, công ty đã phải nâng giá chào mua từ 78.000 đồng lên 82.000 đồng cho mỗi cổ phiếu TAC để đảm bảo thành công đợt chào mua công khai cổ phiếu của Dầu thực vật Tường An.

Sau khi chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International vào giữa 2015 với tổng giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng, Kido liên tục nâng sở hữu đối với các công ty trong lĩnh vực ngành hàng thiết yếu, bao gồm gia vị và thực phẩm để thâm nhập vào thị trường này.

Tháng 5/2017, Tập đoàn Kido cũng phát đi thông cáo hoàn tất việc mua 27% cổ phần tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (mã: VOC), nâng mức cổ phần của Kido lên 51%. Vocarimex có cổ phần sở hữu tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trong thị trường dầu ăn như: Cái Lân (25%); Tường An (27%)…với doanh thu 2016 lên tới 4.156 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc nâng sở hữu lên tỷ lệ chi phối tại Vocarimex sẽ giúp Kido nhanh chóng chiếm thị phần lớn trong ngành. Bản thân Vocarimex cũng có quy mô doanh thu lớn, xấp xỉ 5.000 tỷ đồng khi theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 được kỳ vọng sẽ là nguồn thu thay thế cho mảng bánh kẹo đã chuyển nhượng cho đối tác ngoại.

2. Shinhan Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của ANZ

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Tháng 4/2017, ngân hàng ANZ đã hoàn thành xong thương vụ bán lại mảng bán lẻ tại Việt Nam cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Thương vụ này nằm trong chiến lược đơn giản hóa ngân hàng và tăng hiệu suất vốn của ANZ.

Theo bản hợp đồng thương vụ này, ANZ sẽ chuyển giao cho Shinhan Việt Nam 8 chi nhánh, phòng giao dịch của ANZ Việt Nam tại Hà Nội và TP. HCM, cũng như nhân viên khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ phục vụ khoảng 125.000 khách hàng cá nhân tại Việt Nam, với khoảng 320 triệu đô la Australia dư nợ cho vay và khoảng 800 triệu đô la Australia dư nợ tiền gửi.

Tuy không tiết lộ giá trị chuyển nhượng, song ANZ khẳng định khoản chênh lệch thương mại của thương vụ này so với giá trị sổ sách của ANZ Việt Nam là không đáng kể đối với Tập đoàn ANZ.

Thời gian hoàn tất thương vụ sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. ANZ dự kiến cuộc chuyển giao mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho Shinhan Việt Nam được hoàn tất vào cuối 2017.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam là công ty con của Shinhan Financial Group - một tập đoàn tài chính Hàn Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc và New York.

3. CJ Group thâu tóm thực phẩm Cầu Tre, Minh Đạt

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

CJ Cheiljedang Corporation, thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã trở thành cổ đông lớn nhất Công ty CP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre. Đây là kết quả của thương vụ mua bán và sáp nhập kéo dài hơn 5 tháng, sau khi doanh nghiệp này thất bại trong cuộc đua nắm quyền sở hữu tại Vissan vào giữa năm ngoái.

Đại gia Hàn Quốc bắt đầu đưa Cầu Tre vào tầm ngắm, sau đó đã nhận chuyển nhượng toàn bộ 47,33% cổ phần từ 3 cổ đông lớn của Cầu Tre từ cuối năm 2016.

Doanh nghiệp này tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,6% vào cuối tháng 3 năm nay, sau đó chi thêm 187 tỷ đồng mua cổ phần của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) để nắm giữ tỷ lệ 71,6% như hiện tại.

CJ Cheiljedang cho thấy quyết tâm thâu tóm Cầu Tre nhằm mở rộng chuỗi liên kết và phân phối trong ngành thực phẩm khi chấp nhận trả 80.000 đồng mỗi cổ phiếu trong phiên đấu giá cuối cùng, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 65.000 đồng.

Sau khi hoàn tất thâu tóm, Công ty này đã chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, đồng thời điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn,...

Chưa dừng lại ở đó, trong năm qua, tập đoàn này còn thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp thực phẩm trong nước. Nổi bật trong số này là việc mua lại 64,9% cổ phần (tương đương hơn 300 tỷ đồng) của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh dạng viên.

4. Earth Chemical mua lại Á Mỹ Gia

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Tháng 4/2017, tờ Reuters đưa tin Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical vào tháng 5 sẽ hoàn tất thương vụ mua lại 100% vốn của Công ty Cổ phần Á Mỹ Gia (AMG), một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh hóa mỹ phẩm, với giá hơn 1.800 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 3/2017, Earth Chemical đã ra thông báo chi 1.824 tỷ đồng để mua lại 100% vốn của Á Mỹ Gia. Á Mỹ Gia có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, tương đương đã được mua lại với giá 1,2 triệu đồng/cổ phần.

Á Mỹ Gia được thành lập năm 2003 thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh hóa phẩm tẩy rửa và vệ sinh gia dụng với các thương hiệu Gift, Ami, Redfoxx. Nhà máy của Á Mỹ Gia tọa lạc tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương.

Danh sách cổ đông sáng lập của AMG gồm 7 người và toàn bộ số cổ phần của Á Mỹ Gia do 7 người này nắm giữ bao gồm, 2 cổ đông lớn nhất là bà Trần Thị Nguyệt Anh bà Phạm Thị Hồng Nhung, mỗi người sở hữu 23,4%. Đứng thứ 2 là bà Nguyễn Thị Lệ với 21,4%, tiếp theo là bà Nguyễn Thị Kim Oanh (5,4%), cổ đông Nguyễn Phú Thưởng (3,4%), Nguyễn Văn Thành (3,2%).

5. SCG chi 156 triệu USD mua lại VCM

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Tháng 3/2017, Công ty TNHH SCG Xi măng – Vật liệu xây dựng, công ty thành viên của tập đoàn SCG, vừa thực hiện việc mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu đô la Mỹ) từ các cổ đông hiện tại của công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (“VCM”) tại miền trung Việt Nam.

Giá trị doanh nghiệp (EV) trong giao dịch này trị giá 440 triệu đô la Mỹ, bao gồm nợ ròng và chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại.

CTCP Vật liệu xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VCM) thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ 931 tỷ đồng bởi Tập đoàn Kusto, bắt đầu bằng dự án xây dựng nhà máy clinker Văn Hóa, một dự án kinh tế trọng điểm của miền Trung nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Sau khi thâu tóm VCM, tổng công suất xi măng của SCG trong khối ASEAN (không bao gồm Thái Lan) tăng lên 10,5 triệu tấn, cùng với công suất 23 triệu tấn hiện tại ở Thái Lan.

SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là Xi măng - Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals), và Bao bì (SCG Packaging).

6. Holcim Việt Nam về tay SCCC

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Thương vụ bán lại toàn bộ 65% vốn pháp định tại Holcim Việt Nam của Tập đoàn LafargeHolcim (Thụy Sỹ) cho Tập đoàn Siam City Cement (Thái Lan) diễn ra hồi tháng 8/2016. Đến2/2017, Holcim Việt Nam chính thức công bố đổi tên công ty và thương hiệu, trở thành Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam với thương hiệu INSEE. Như vậy, với sự thay đổi này, thương hiệu Holcim chính thức chia tay thị trường Việt Nam.

Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) được thành lập năm 1969, bắt đầu sản xuất xi măng vào năm 1972 và được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 1977. SCCC chuyên cung cấp các sản phẩm xi măng, cốt liệu và giải pháp xây dựng. SCCC hiện là một trong những nhà sản xuất xi măng lớn nhất Thái Lan. Đến nay, trong chiến lược phát triển của mình, tập đoàn đang tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ra nhiều nước trong khu vực như: Indonesia, Cambodia, Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam.

Trong khi đó, Holcim Việt Nam được LafargeHolcim thành lập vào năm 1994. Cho đến nay, dây là một trong số doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất vật liệu xây dựng và quản lý chất thải tại miền Nam Việt Nam. Tại thời điểm đổi tên thương hiệu thành INSEE, công ty có hơn 1.100 nhân viên đang làm việc tại 5 nhà máy xi măng và các trạm trộn bê tông tại TP HCM.

7. Aviva mua 50% cổ phần VietinBank Aviva từ Vietinbank

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Tháng 4/2017, Tập đoàn Bảo hiểm Aviva (Anh) công bố việc mua lại 50% cổ phần của liên doanh bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Sau thương vụ, Aviva Việt Nam đã trở thành công ty con 100% vốn của đại gia bảo hiểm này. Tuy thoái vốn, 2 bên vẫn ký thỏa thuận để phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe thông qua mạng lưới của hơn 1.100 chi nhánh và phòng giao dịch của Vietinbank.

Aviva Việt Nam được thành lập vào năm 2011, là liên doanh giữa Vietinbank và Công ty Bảo hiểm Aviva International với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong đó tỷ lệ góp vốn của Vietinbank là 50%, Aviva International góp 40% và Aviva Ltd góp 10%.

8. Deasang Corp mua lại 99,99% Đức Việt

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Cuối năm 2016, tập đoàn chế biến thực phẩm Daesang Corp (Hàn Quốc) cho biết công ty đã hoàn thành thương vụ mua 99,99% cổ phần (13 triệu cổ phiếu) của công ty Công ty CP Thực phẩm Đức Việt - nổi tiếng với thương hiệu xúc xích Đức Việt.

Daesang hy vọng việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam sẽ giúp tập đoàn củng cố lĩnh vực kinh doanh thực phẩm của họ. Hiện tại, Daesang sở hữu 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Việc tiếp quản Đức Việt hứa hẹn giúp họ tăng thị phần trong lĩnh vực chế biến thịt còn non trẻ ở đất nước này.

Thành lập vào năm 2001, công ty Thực phẩm Đức Việt chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm thịt, xúc xích, gia vị và thực phẩm ăn liền. Tổng tài sản hiện tại của công ty là 13,6 triệu USD và 6,2 triệu USD nợ phải trả, báo cáo của Daesang cho biết. Năm ngoái, thu nhập ròng của Đức Việt là gần 1,8 triệu USD và 27,5 triệu USD doanh thu.

Theo Deal Street Asia, Daesang bắt đầu hoạt động vào năm 1956 và chuyên về sản xuất thực phẩm và gia vị, gồm tương đậu nành, sốt đậu nành, súp và mì Trung Quốc. Tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu tiến vào thị trường thực phẩm Việt Nam trong những năm 1990 bằng cách xây dựng một nhà máy sản xuất gia vị. Một trong những sản phẩm chủ lực của họ tại đất nước hình chữ S là bột ngọt Miwon.

9. VIB thâu tóm ngân hàng ngoại CBA

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Tháng 7/2017, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. HCM.

CBA Chi nhánh TP. HCM bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Hai năm sau, ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 15% và sau đó nâng tỷ lệ lên 20% - là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB.

Cuộc chuyển giao dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng. Sau khi hoàn tất, các khách hàng của CBA Chi nhánh TP. HCM sẽ tiếp tục được VIB phục vụ thông qua 160 chi nhánh, phòng giao dịch VIB, hơn 400 ATM của VIB và 17.000 ATM của các ngân hàng nội địa trên toàn quốc.

Song song đó, CBA vẫn duy trì Văn phòng đại diện tại Hà Nội đóng vai trò làm cầu nối với các cơ quan chức năng của chính phủ, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong số 7 ghế thành viên HĐQT của VIB hiện tại có đến 2 người đến từ CBA và 1/3 ghế của ban kiểm soát cũng do đơn vị này nắm.

10. Thành Thành Công chi 1.330 tỷ mua lại HAGL Sugar

Điểm danh 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Ngày 19/5/2017, Hội đồng quản trị của Đường Biên Hòa (BHS) và Mía đường Thành Thành Công Ninh (TTC Tây Ninh – SBT) đã cùng ra nghị quyết về việc đầu tư chiến lược vào Cty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar).

Theo đó, BHS và TTC Tây Ninh chi ra 1.330,1 tỷ đồng để mua lại 815 tỷ vốn góp – tức 100% vốn điều lệ của HAGL Sugar. Trong đó mua lại 99,99% vốn góp hiện do HAGL Agrico (HNG) sở hữu với giá 1.330 tỷ đồng và mua lại 0,013% vốn góp từ một cổ đông thiểu số với giá 110 triệu đồng.

Sau giao dịch, BHS và TTC Tây Ninh sở hữu lần lượt là 60% và 40% vốn điều lệ của HAGL Sugar. Giao dịch dự kiến thực hiện từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2017.

Cả BHS và TTC Tây Ninh là 2 công ty mía đường chủ lực trong hệ thống Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch.

Hiện tại, thị phần của Thành Thành Công chiếm hơn 30% cả nước, sau khi sáp nhập BHS và SBT và mua lại mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai thì Tập đoàn Thành Thành Công dự kiến sẽ tăng diện tích vùng nguyên liệu lên 20.000 ha và 6.000 ha mía tại Lào.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp