Thị trường di động Việt Nam: Gã khổng lồ bao vây những kẻ tý hon
Samsung đang cùng lúc đấu với Apple ở nhóm di động cao cấp, thắng thế Oppo ở nhóm tầm trung và cận cao cấp, đồng thời gần như đè bẹp nỗ lực của tất cả các hãng còn lại.
Samsung từ lâu đã là nhà sản xuất smartphone số một Việt Nam nhưng chưa khi nào vị thế thống trị của họ lại tuyệt đối như thời điểm hiện tại. Nói không ngoa khi hãng này đang “một mình cân cả thị trường”, với tổng số khoảng 30 nhà sản xuất di động còn lại.
Đè bẹp mọi đối thủ
Theo thống kê của 2 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, Samsung có 4 gương mặt trên tổng số 10 smartphone bán chạy nhất trong 6 tháng đầu năm gồm Galaxy J7 Prime, J5 Prime, J2 Prime và một cái tên thuộc dòng A là Galaxy A5 2017. Trong đó, Galaxy J7 Prime chính là smartphone bán chạy nhất thị trường nửa đầu năm nay. 2 model còn lại cũng nằm trong top 4.
Nhắc đến sự thành công của những sản phẩm như Galaxy J7 Prime hay J5 Prime, đôi khi người ta lại phải kể đến công của... Oppo. Khoảng 3 năm gần đây, hãng này có một chiến lược thị trường rất mạnh mẽ là bán ra những chiếc smartphone giá bán không quá cao với thiết kế ăn khách, camera selfie ấn tượng như Neo 3, Neo 5, F1, F1s, F3.
Cùng với đó, họ sử dụng tốt hình ảnh của những người nổi tiếng và phủ sóng quảng cáo dày đặc trên các chương trình truyền hình để bán hàng. Trong vài năm ngắn ngủi, thị phần của Oppo từ không đáng nhắc đến tăng nhanh lên mức trên 20% và trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Đại diện một nhà bán lẻ từng chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch “một chọi một” của Samsung thời điểm năm 2016, khi nhận ra mối nguy hiểm tiềm tàng mang tên Oppo. Chẳng hạn, Oppo tung sản phẩm F1s giá 6 triệu đồng, Samsung liền có chiếc J7 Prime giá 6,3 triệu. Oppo sau đó tung smartphone A39, Samsung cũng lập tức ra mắt Galaxy J5 Prime.
Nhiều người trong giới bán lẻ nhận xét nhờ sự trỗi dậy của Oppo mà Samsung mới đầu tư nghiêm túc cho nhóm di động tầm trung. Trước đây, các di động tầm trung của hãng được làm khá rẻ tiền, cấu hình không cao và giá bán cũng khá đắt chứ không bóng bẩy, màu sắc và nhiều tính năng như hiện nay.
Đối đầu với Samsung chưa bao giờ là điều dễ dàng với bất kỳ nhà sản xuất nào. Oppo hiện vẫn là đối thủ lớn nhất của họ ở nhóm tầm trung nhưng đang dần cảm thấy khó thở. Trong khi model F3 ra mắt dịp giữa năm không đạt doanh số như kỳ vọng thì Galaxy J7 Pro của Samsung lại lập kỷ lục về doanh số cho một đợt mở bán với trên 40.000 máy.
Cứng cựa như Oppo còn như vậy, các nhà sản xuất khác tất nhiên gặp vô vàn khó khăn. Năm ngoái, người ta thấy được quyết tâm mạnh mẽ của các tên tuổi mới nổi ở nhóm di động 6-7 triệu như Vivo với dòng V5 hay V5 Plus, Huawei với GR5. Tuy nhiên, quyết tâm này đã giảm nhiều trong năm 2017.
Các tên tuổi cũ như HTC, Sony, LG càng không cần phải nói. Sony đang phải cố hài lòng với chính mình khi quyết định chỉ bán ra 1-2 model tầm trung mỗi năm và cố gắng tìm kiếm mức lợi nhuận cao nhất có thể, thay vì chạy đua doanh số hay thị phần.
HTC mạnh dạn gạt bỏ điện thoại tầm trung bởi không thể cạnh tranh trong khi LG có vẻ đã buông thị trường Việt Nam. Asus trong khi đó, tỏ ra rất thận trọng với dòng Zenfone thế hệ thứ 4.
Cạnh tranh sòng phẳng với iPhone
Nếu có một điều gì đó khiến cho sự thống trị của Samsung tại Việt Nam chưa hoàn hảo thì đó là việc họ chưa thể hiện được ưu thế lớn trước iPhone của Apple ở nhóm cao cấp.
Mặc dù vậy, với màn ra mắt S8 và sắp tới là Note 8, Samsung cho thấy họ là đối trọng thực sự của Apple, điều không được thừa nhận trước đây.
Lấy màn ra mắt các sản phẩm cao cấp gần nhất làm ví dụ. Theo thống kê từ 2 nhà bán lẻ lớn, họ nhận khoảng 10.000-12.000 đơn đặt trước cho sản phẩm iPhone 7, 7 Plus. Con số này của S8 và S8+ cũng ở mức 12.000-13.000 máy. Đáng chú ý thời điểm một năm trước, lượng đặt trước S7, S7 edge chỉ đạt khoảng 3.000-4.000 máy mỗi đại lý.
Khá tương đồng với nhóm di động trung cấp, cuộc “long hổ tranh đấu” của 2 ông lớn này dẫn đến một hệ quả là nhiều nhà sản xuất khác đang bị bóp nghẹt. Sony và HTC hài lòng với một phần nhỏ xíu thị phần (ở nhóm cao cấp), chủ yếu nhắm đến nhóm khách hàng trung thành với Xperia XZ Premium và H11.
LG không bán G6 tại Việt Nam, tương tự là Huawei với P10 và P10 Plus, BlackBerry với KeyOne. Một số hãng di động mới nổi như Oppo, Vivo thì không có ý định chen chân lên nhóm di động cao cấp.
Những kẻ tý hon nuôi tham vọng
Mặc dù bị “chèn ép đủ đường” bởi ông lớn Samsung và bức tranh thị trường có phần kém tươi sáng, vẫn có một vài tín hiệu để người dùng kỳ vọng vào sự thay đổi.
HMD Global sau khi thâu tóm thương hiệu Nokia đã tung một loạt smartphone tầm giá chỉ từ 3 đến dưới 6 triệu đồng, vốn là nhóm sản phẩm dễ tìm kiếm khách hàng nhất. Nguồn lực có hạn khiến họ chưa thể bung sức cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn nhưng rõ ràng hãng này đang nuôi tham vọng.
Các tin đồn gần đây cho thấy hãng có thể phát hành một mẫu Nokia 8 với cấu hình đỉnh cấp trong khi giá bán ở mức 12-13 triệu đồng. Ngoài ra, hình ảnh rò rỉ gần đây cũng khẳng định HDM sắp tung ra Nokia 2, smartphone giá rẻ hơn cả Nokia 3. Dội bom ở tất cả các phân khúc cũng là cách Samsung đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay. Có vẻ HMD cũng muốn đi theo hướng này.
Không thể không kể đến cái tên Xiaomi với một loạt di động mới bán ra. Hãng này kém lợi thế vì tên tuổi kém danh tiếng. Tuy nhiên, họ đang dần tiến vào thị trường với những bước đi chậm mà chắc.
Bên cạnh đó, cái tên Bkav thời gian gần đây tiếp tục gây sóng gió trên mạng với sản phẩm Bphone 2 (hoặc Bphone 2017). Lợi thế lớn nhất của Bphone chính là sự quan tâm của cộng đồng. Với những kinh nghiệm rút ra từ màn ra mắt thất bại của Bphone đời đầu, hãng có nhiều cơ hội để tạo ra bất ngờ nếu Bphone 2 thực sự có chất lượng tốt và giá bán phải chăng.
Tất nhiên, việc kỳ vọng những hãng sản xuất này vươn mình trở thành đối trọng lớn trên thị trường trong tương lai gần là điều không tưởng. Tuy nhiên, đó vẫn sẽ là những niềm kỳ vọng, giúp thị trường tạo ra sự cân bằng hơn, tránh sự nhàm chán hiện tại.
Thành Duy
Nguồn Zing News