Thị trường ô tô Việt Nam: "Thay bánh giữa đường"
Vết xe của công nghiệp điện tử
Mở đầu rầm rộ cho năm 2012 là hãng Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). Nhìn vào “bộ sậu” mới của MBV (sau khi TS. Udo Loersch kết thúc nhiệm kỳ Tổng giám đốc MBV sau 6 năm gắn bó) có thể thấy, MBV đang tập trung mạnh cho vấn đề kinh doanh.
Theo đó, ông Michael Behrens chính thức trở thành tân Tổng giám đốc MBV từ ngày 1/3/2012, đây là nhân vật có kinh nghiệm 30 năm về kinh doanh - tiếp thị toàn cầu trong ngành công nghiệp xe thương mại.
Trước khi Michael đến, MBV cũng đã chào đón ông Dirk Adelmann vào vị trí Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị. Ông Dirk có 4 năm làm quản lý cho hãng xe Đức Daimler AG với dòng xe du lịch chở khách Mercedes-Benz tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng với việc thay “tướng”, MBV cũng tăng cường mạng lưới bán hàng và hệ thống dịch vụ sau bán hàng từ Bắc chí Nam. Theo đó, chỉ trong quý I/2012, MBV đã mở 3 đại lý ủy quyền tại TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và TP.HCM.
Được biết, năm 2011, dù Mercedes-Benz toàn cầu bị Audi của “người đồng hương” Wolkswagen soán ngôi, nhưng tại thị trường Việt Nam, Mercedes-Benz vẫn dẫn đầu ở phân khúc xe cao cấp với 61% thị phần.
Trên thực tế, các động thái của MBV đều nằm trong chiến lược tăng trưởng của Daimler AG đến năm 2020 dành cho thương hiệu Mercedes-Benz. Thông cáo được tập đoàn này phát đi hồi tháng 3/2012 có đề cập, chiến lược của Mercedes-Benz không chỉ là đoạt lại ngôi đầu trong phân khúc xe cao cấp, mà còn là tăng số xe bán ra.
Để thực hiện mục tiêu này, Daimler không chỉ đa dạng hóa danh mục xe ô tô mang thương hiệu Mercedes-Benz với nhiều thiết kế mới và trẻ, mà còn tăng cường sự có mặt của mình trên thế giới (mở rộng hệ thống bán hàng và tăng sản lượng), đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Đối với Toyota, ông Yoshihisa Maruta, tân Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), cho biết, nhu cầu thị trường sẽ giảm trong năm nay, nên TMV sẽ phải xem xét lại kế hoạch sản xuất trong năm 2012. Tuy nhiên, với mảng bán hàng, TMV sẽ tiếp tục mở các phòng trưng bày mới ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
Cũng liên quan đến vấn đề kinh doanh, trả lời phỏng vấn Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Masami Haga, Tổng giám đốc Việt Nam Suzuki, cho biết, chiến lược của Suzuki là không chỉ hướng vào thị trường Pakistan, Trung Quốc mà còn có việc phát triển kinh doanh ở Việt Nam. Theo đó, năm nay Suzuki sẽ mở rộng mạng lưới bán hàng lẫn tăng cường các hoạt động quảng bá.
Trên thực tế, bức tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khiến người ta nhớ đến câu chuyện của ngành công nghiệp điện tử. Dần dần, những tên tuổi lớn sẽ chỉ còn hiện diện kinh doanh tại thị trường Việt Nam thay vì là hoạt động sản xuất như những hoạt động và tuyên bố ban đầu.
Nguyên nhân của vấn đề này không chỉ đơn thuần nằm ở câu chuyện nhu cầu thị trường, mà còn để đón đầu những ưu đãi về thuế quan tại thời điểm năm 2018.
Tính lại phương án kinh doanh
Doanh số của hầu hết các hãng liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Theo đó, trong tháng 4/2012, lượng xe bán ra đã giảm 46% so với tháng 4/2011.
Sự sụt giảm này dẫn đến dự báo thị trường năm nay sẽ kết thúc chỉ với 81.000 xe, thấp hơn nhiều so với 116.907 xe mà Business Monitor International (BMI) đã dự báo trước đó. Đây cũng không nằm ngoài nguyên nhân khiến các hãng xe thay đổi kế hoạch sản xuất và bán hàng cho phù hợp.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Laurent Charpentier, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ford Việt Nam, cho rằng, Ford vẫn kiên trì theo đuổi kế hoạch “Một Ford” mà Ford áp dụng trên toàn cầu. Với kế hoạch này, hầu hết các sản phẩm mới của Ford sẽ sử dụng chung một hệ khung gầm tối ưu và tích hợp nhiều công nghệ mới, thiết kế hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu tối đa.
“Việc ra mắt thành công mẫu xe nhỏ toàn cầu Ford Fiesta vào năm ngoái đánh dấu sự khởi đầu của Một Ford tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu hai mẫu xe mới toàn cầu vào Việt Nam, đó là xe bán tải Ford Ranger và một mẫu xe dành cho nhóm doanh nhân năng động cũng như các gia đình Việt Nam, cả hai sẽ có mặt trong quý IV/2012”, đại diện Ford Việt Nam nói.
Trong khi đó, dù sản lượng các dòng xe đều ngang nhau, nhưng TMV vẫn chú trọng đến hai dòng xe Innova và Fotuner. Bởi thị trường tiêu dùng Việt Nam chuộng xe đa dụng (xe gia đình) hơn là xe du lịch (4 chỗ) nên TMV vẫn chọn hai dòng xe này làm chủ lực.
Năm 2011, do thiếu nguyên liệu sản xuất nên doanh số của Innova sụt giảm đến 50%. Đầu năm 2012, TMV đã đưa ra thị trường phiên bản mới của hai dòng xe này.
Còn đối với trường hợp của Suzuki Việt Nam, năm 2008, hãng này giới thiệu dòng xe nhập khẩu Suzuki Swift vào thị trường Việt Nam nhưng doanh số bán ra không được như kỳ vọng. Ông Masami Haga cho biết, năm nay có thể là thời điểm thích hợp để đưa dòng xe phân khúc B Suzuki Swift quay trở lại thị trường.
Tuy nhiên, Carry Truck, Carry Pro và Grand Vitara sẽ vẫn là dòng xe chiến lược của Suzuki Việt Nam trong năm 2012 này. “Xe tải là dòng xe quan trọng để bán và đóng góp đáng kể vào thị phần của chúng tôi trên thị trường. Song song đó, để cải thiện và nâng cấp hình ảnh thương hiệu, Suzuki Việt Nam đã giới thiệu Grand Vitara, mẫu xe dẫn đầu của Suzuki trong năm 2011”, đại diện Suzuki Việt Nam chia sẻ.
Không ồn ào như các hãng khác, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), đơn vị chủ quản của dòng xe Kia, sau khi soán ngôi đầu mà TMV “độc chiếm” trong khoảng thời gian dài, để dẫn đầu về sản lượng xe mới bán ra trong năm 2011, Thaco tiếp tục với “dòng xe nhỏ”.
Với thuế suất thuế nhập khẩu ô tô chỉ còn 50% vào năm 2014 và giảm còn 0-5% vào năm 2018, xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ có lợi thế hơn so với xe sản xuất trong nước. Điều này lý giải vì sao hầu hết các liên doanh đều đã bổ sung chức năng phân phối xe nhập khẩu vào hoạt động.
Ông Bùi Kim Kha, Tổng giám đốc Thaco Kia, cho rằng, trước những tác động của thị trường khiến nhu cầu mua ô tô giảm, doanh số của Thaco Kia cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Qua 4 tháng đầu năm 2012, Thaco Kia đã bán ra 2.500 xe Kia các loại, trong đó Kia Morning vẫn là dòng xe bán chạy nhất, với gần 1.038 xe.
“Với xu thế tiêu dùng hiện nay, theo tôi, mẫu xe gia đình và cá nhân sẽ chiếm ưu thế so với nhu cầu của các công ty, cơ quan hành chánh sự nghiệp. Dòng xe có kích thước nhỏ gọn và mức tiêu hao nhiên liệu hợp lý sẽ được thị trường ưa chuộng, nhất là mẫu xe du lịch từ 5 chỗ trở xuống”, ông Kha nói.
Trong thời gian tới, Thaco Kia sẽ phát triển các dòng xe có giá dưới 3.000USD. Song, nhà sản xuất này cũng đang đưa ra nhiều chiến lược để phát triển dòng Kia Sorento, là chiếc SUV cao cấp, nhắm vào đối tượng khách hàng cùng phân khúc với Kia Optima (K5).