Hai kịch bản cho thị trường M&A 2017
Tại Họp báo về Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 9 (năm 2017) diễn ra sáng 20/7, Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A 2017 đã đưa ra 2 kịch bản dự báo cho thị trường M&A năm 2017.
Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A 2017 đã đưa ra 2 kịch bản dự báo cho thị trường M&A năm 2017.
Theo Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A 2017, với kịch bản thận trọng, giá trị M&A tại Việt Nam dự báo sẽ đạt 5 tỷ USD (tương đương mức suy giảm 14% so với năm 2016).
Kịch bản thứ 2 là trong trường hợp có sự đột biến ở những thương vụ lớn từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thì giá trị M&A năm 2017 hoàn toàn có thể đạt mốc 6,2-6,5 tỷ USD hoặc cao hơn (tương đương tăng trưởng thị trường 6.5-10%).
"Như vậy với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 3 năm 2015 – 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại để chờ đợi những thương vụ mới xuất hiện, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp", Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A 2017 nhận định.
Trong năm 2017 – 2018, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng được kỳ vọng sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt nam trong giai đoạn tới.
Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược hoặc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Dưới đây là dự báo xu hướng M&A một số ngành tiềm năng trong năm 2017 của Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A 2017:
Ngành sản xuất hàng tiêu dùng & Bán lẻ
Ngành bán lẻ tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Với một thị trường trên 90 triệu dân với dân số trẻ, các thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng rất được quan tâm. Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là một thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Tuy nhiên, sự thâm nhập vào thị trường tiềm năng này qua lĩnh vực M&A có thể bị giới hạn do số lượng các mục tiêu có thể đầu tư hoặc mua lại. Các doanh nghiệp có thể mở rộng mục tiêu sang các chuỗi bán lẻ trong ngành hẹp hoặc đầu tư các mô hình thương mại điện tử.
Ngành Thực phẩm và Đồ uống tại Việt Nam với tăng trưởng rất mạnh và có triển vọng rất lớn. Bên cạnh các hoạt động mở rộng và kết hợp để gia tăng chuỗi giá trị trong ngành Thực phẩm và Đồ uống của các doanh nghiệp nội địa thông qua M&A. Những doanh nghiệp có tiếng trong nước như hai doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco và Habeco, hay Vinamilk vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Nông nghiệp
Trong vòng vài năm qua có làn sóng những nhà đầu tư lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp, và sau giai đoạn đầu tư, sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành. Vì vậy các thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp và chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư sẽ xuất hiện.
Ngoài ra, sẽ có sự phát triển trong chuối giá trị, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào mảng trồng trọt hoặc chăn nuôi mà sẽ cả lĩnh vực chế biến và phân phối, bao gồm cả bán lẻ các sản phẩm nông nghiệp hướng đến thị trường Việt nam và các nước trong khu vực.
Ngân hàng & Dịch vụ tài chính
Trong những năm qua, ngành ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu; trong thời gian tới, một số thương vụ liên quan đến quá trình này tiếp tục được thực hiện và hoàn tất.
Xu hướng được các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới là các lĩnh vực tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hang v.v. vốn còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội, chẳng hạn như BIDV vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Hoặc các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.
Bất động sản
M&A bất động sản đang thu hút cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hoá cao là các yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất khu vực.
Các nhà đầu tư khối nội, tuy không tham gia vào các thương vụ có giá trị lớn nhất, nhưng đang từng bước chuyển mình để làm chủ các thương vụ M&A lớn nhờ lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường; nâng cao khả năng cạnh tranh và làm tiền đề để thu hút vốn từ khối ngoại.
Các thương vụ M&A sẽ diễn ra trên quy mô lớn ở tất cả các phân khúc, nổi bật là loại hình khu đất phát triển, với các dự án bất động sản phức hợp. Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp là phân khúc được quan tâm trong các hoạt động M&A với đà "bùng nổ" từ năm 2016.
Chi phí thực hiện thương vụ M&A tại các vị trí đẹp ở khu trung tâm có thể gia tăng do sự khan hiếm về quỹ đất tại các khu vực này.
Cơ sở hạ tầng – năng lượng
Việt Nam đã có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng. Và một trong những cách huy động vốn đang được nghiên cứu đó là chuyển nhượng quyền khai thác một số cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sân bay, cảng biển… Với quan điểm bán một phần cơ sở hạ tầng để lấy nguồn vốn đó xây dựng cơ sở hạ tầng khác, đồng thời thiết lập một thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ mà cụ thể ở đây là cung cấp dịch vụ sân bay, cảng biển…
Chủ trương này nếu được thực hiện sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. Với đặc điểm ngành hạ tầng, năng lượng thì các thương vụ quy mô hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD có thể sẽ xuất hiện và tạo động lực lớn cho thị trường M&A tại Việt Nam.
Ngành viễn thông – công nghệ
Tại Việt nam, những cơ hội trong ngành viễn thông được kỳ vọng là Viettel tiếp tục với vai trò người đi mua và phát triển thị trường viễn thông tại các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, với chủ trương tái cấu trúc VNPT và đặc biệt và cổ phần hóa MobiFone sẽ là cơ hội mà các nhà đầu tư đã trông chờ quá lâu. Theo khảo sát của MAF năm 2014, MobiFone là cái tên được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn nhất và có thể thu hút một lượng vốn đáng kể khi cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược.
Trong lĩnh vực công nghệ, cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái cũng bắt đầu có những bước đột phá, và nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư trong nước lẫn khu vực. Nền tảng công nghệ hỗ trợ cho các sản phẩm Ngân hang, giáo dục, thương mại điện tử nhận được sự quan tâm đặc biệt với các thương vụ lớn.
Ngoài ra, việc niêm yết thành công của VNG trên sàn chứng khoán Mỹ NASDAQ một lần nữa tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng công nghệ tại Việt Nam. Hứa hẹn, trong tương lai sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công tạo một nguồn hàng có chất lượng cao cho hoạt động M&A tại Việt Nam.
Các ngành khác
Các ngành lĩnh vực khác được đánh giá là tiềm năng cho các hoạt động đầu tư và M&A tại Việt Nam trong thời gian tới bao gồm ngành giáo dục, dược phẩm – chăm sóc sức khỏe.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM ngày 10/08/2017, với chủ đề “Tìm bước đột phá”.
- Đây là sự kiện thường niên lớn nhất về hoạt động M&A doanh nghiệp và kết nối đầu tư tại Việt Nam, quy tụ 500 khách tham dự là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp.
- Bên cạnh Hội thảo chuyên sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam với chủ đề “Tìm bước đột phá”; Gala Dinner &Vinh danh các Thương vụ & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2016- 2017; Diễn đàn sẽ Phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam năm 2017” và Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A.
Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A 2017
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp