Cuộc cách mạng 4.0 đã xác định lại vị thế của các cường quốc như thế nào?
Không phải vị trí địa lý hay tiềm lực quân sự, ngày nay vị thế của mỗi quốc gia được định nghĩa bằng khả năng phát triển công nghệ.
Đã 20 năm kể từ ngày Segrey Brin và Larry Page đăng ký tên miền google.com và 10 năm kể từ ngày Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên. Trong quãng thời gian chưa thể nói là dài này, thế giới của chúng ta đã thay đổi nhanh chóng hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Năm 2015, tạp chí uy tín Harvard Business Review đã giới thiệu một khái niệm mới Digital Evolution Index – chỉ số phát triển công nghệ để đánh giá lại toàn cảnh thế giới trong một kỷ nguyên hướng tới hành tinh số.
Hợp tác với Đại học Tufts và tập đoàn đa quốc gia Mastercard, chỉ số phát triển công nghệ (DEI) của Harvard Business Review đã phân tích và xếp hạng công cuộc phát triển kỹ thuật số của hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới. Cuộc khảo sát này đánh giá 4 lĩnh vực chính (tình trạng hạ tầng kỹ thuật số, môi trường thể chế, nhu cầu thị trường và khả năng thay đổi) với khoảng 170 chỉ số phụ. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy hiện trạng cũng như nhịp độ phát triển công nghệ của các quốc gia trong suốt thời gian qua và xếp các quốc gia vào 4 nhóm chính được phản ánh trong biểu đồ dưới đây
Theo đó, 4 nhóm quốc gia được phân loại như sau:
(1) Stand Out (nổi bật): các quốc gia có trình độ phát triển công nghệ rất cao và có động lực phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, duy trì được động lực như vậy là một thử thách và các quốc gia này cần giữ được guồng quay sáng tạo và khai thác thêm nhiều nhu cầu mới.
(2) Stall Out (chững lại): các quốc gia phát triển công nghệ cao thành công và đang tận hưởng thành quả từ công cuộc đó nhưng không thể hiện động lực phát triển hơn nữa. Điều các quốc gia này cần làm là loại bỏ những yếu tố cản trở sự sáng tạo và tự đổi mới chính mình.
(3) Break out (đột phá): các quốc gia chỉ đạt điểm thấp về thành quả công nghệ số hóa nhưng có mức độ tăng trưởng rất ấn tượng với động lực lớn, có thị trường tiềm năng và sức hấp dẫn mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Để tận dụng hết những lợi thế này, họ cần xây dựng nhiều cơ chế tốt hơn để khuyến khích và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
(4) Watch Out (quan sát): các quốc gia có kết quả số hóa và động lực phát triển đều thấp với những lỗ hổng về cơ sở hạ tầng, kìm hãm trong cơ chế pháp luật và nhu cầu thị trường công nghệ thấp. Điều quan trọng nhất các quốc gia này cần làm để cải thiện vị thế là giải quyết những lỗ hổng và tăng cường tiếp cận với các thành quả công nghệ đã có trên thế giới.
Kết quả khảo sát có thể được coi là một tài liệu tham khảo có giá trị để mỗi quốc gia tìm được phương pháp phát huy ưu thế, khắc phục nhược điểm, từ đó có đóng góp tích cực vào động lực phát triển chung trên con đường phát triển số hóa toàn cầu.
Bài nghiên cứu của nhóm 3 tác giả Bhaskar Chakravorti, Ajay Bhalla, Ravi S. Chaturvedi cùng các cộng sự thuộc trường Đại học Tufts (Mỹ), đăng trên Harvard Business Review ngày 12/07/2017.
Minh Thu / HBR
Nguồn ICT News