Quảng cáo cho các bộ não lười biếng
Mục tiêu cuối cùng của các marketer là phải gây ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Một là lấn át khách hàng tại điểm mua, hai là để rút ngắn quá trình quyết định và làm cho mọi người chọn thương hiệu của bạn không cần cân nhắc. Nhưng cách nào là tốt nhất để làm điều đó?
Chúng ta cần cung cấp cho bộ não lười biếng của người tiêu dùng một kịch bản để điều khiển quyết định mua hàng của họ.
Một điều rất quan trọng của quảng cáo đó là thu hút sự chú ý của mọi người và để lại ấn tượng lâu dài.
Bộ não của chúng ta rất lười biếng. Chúng cố gắng dùng càng ít nỗ lực càng tốt để đưa ra quyết định vì nếu không sẽ không bao giờ làm xong. Điều này có nghĩa là thói quen và cảm xúc có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra quyết định cho đến khi khung tham chiếu thất bại. Đối mặt với một quyết định mới và không có kinh nghiệm, chúng ta sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể. Tuy nhiên, có ý thức về việc cân nhắc quyết định không có nghĩa là chúng ta có thể hoàn toàn công bằng hay logic. Thay vào đó chúng ta sẽ tìm con đường dễ dàng nhất để đưa ra quyết định.
Một trong những cách hiệu quả nhất trong hoạt động quảng cáo là nó giúp mọi người tập dượt cách nhận ra và sử dụng một thương hiệu. Bộ não lười biếng của chúng ta sau đó sẽ chấp nhận kịch bản này, làm cho việc đưa ra quyết định mua thương hiệu được quảng cáo dễ dàng hơn nhiều. Để làm điều này, một số quảng cáo thành công nhất hoạt động bằng cách tạo ra các kịch bản mà mọi người khao khát hoặc đồng cảm được.
Lấy ví dụ về chiến dịch "Weave Your Magic" của Lurpak. Thay vì giải thích tại sao Lurpak làm cho bữa ăn tốt hơn, các video lại cho chúng ta thấy những nguyên liệu thô sơ ban đầu trở thành những bữa ăn tuyệt vời như thế nào. Nếu bạn là một người nội trợ như tôi, bạn có thể bị tác động ngay với những gì nhìn thấy dù thực sự không cần nó (ít nhất là trong trường hợp của tôi).
Quảng cáo "Concierge" của Commonwealth Bank cũng không cố thuyết phục rằng CommBank có mức lãi suất tốt nhất hoặc chi phí cho dịch vụ ít nhất. Thay vào đó là hình ảnh một người đàn ông mệt mỏi bởi những âm thanh máy móc tự động đã vui mừng như thế nào khi nghe tiếng nói "Chào buổi sáng, tôi có thể giúp gì cho bạn?" từ một người trợ giúp. Một lần nữa, nó khiến nhiều người trong chúng ta đồng cảm với người đàn ông này.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là ví dụ về "The Priest and the Imam" của Amazon như một đoạn video cung cấp một kịch bản để người mua lựa chọn thương hiệu. Đã được thử nghiệm như là một phần của nghiên cứu cách "Tạo ấn tượng lâu dài", kết quả cho thấy video này đã gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ và xây dựng mối liên kết tích cực với thương hiệu. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là quảng cáo đã thể hiện việc sử dụng ứng dụng Amazon để mua hàng tặng khác dễ dàng như thế nào.
Trong thế giới quảng cáo hỗn mang hiện nay, một điều rất quan trọng của quảng cáo đó là thu hút sự chú ý của mọi người và để lại ấn tượng lâu dài. Tôi sẽ lập luận rằng một trong những sự ấn tượng tạo động lực nhất mà thương hiệu có thể để lại đó là một kịch bản diễn tập cách sử dụng thương hiệu. Nhưng suy nghĩ của bạn thì sao? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn.
Lương Vy / Brands Vietnam
Nguồn Kantar Millward Brown