Phát triển 10 năm qua, ai có thể cản bước Google, Facebook?
Google, Facebook, Amazon và các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác đang biến đổi cả nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ. Tuy nhiên không nhiều người chú ý tới điều này.
Đôi lúc, thật khó để miêu tả ngắn gọn cách mà các ông lớn công nghệ đã nhanh chóng thống trị kinh tế thế giới. Cách đây 10 năm, chỉ có một công ty duy nhất – Microsoft – lọt vào top các công ty lớn nhất thế giới xét theo giá trị vốn hóa. Ngày nay, top 5 luôn luôn bao gồm Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Microsoft và Facebook.
Các ông lớn công nghệ đã trỗi dậy 1 cách nhanh nhẹn đến bất ngờ, và sự trỗi dậy ấy còn lâu mới kết thúc. Giờ đây câu hỏi lớn cho tương lai là: sự trỗi dậy ấy ảnh hưởng như thế nào đến các ngành khác và thị trường lao động?
10 năm qua, Google, Facebook và Amazon đã “phá hủy” nền kinh tế sáng tạo, tác động mạnh đến công việc của các nhà báo, nhà soạn nhạc, nhà làm phim… Trong 10 năm tiếp theo, các ông lớn này sẽ sử dụng sự thống trị về trí tuệ nhân tạo (AI) để làm biến đổi nền kinh tế dịch vụ, trong đó các ngành vận tải, y tế và bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Bức tranh 10 năm tới sẽ ra sao? Trong một báo cáo mới đây, Goldman Sachs nhận định rằng sớm nhất là trong 20 năm tới những chiếc xe tự lái (công nghệ mà cả Google và Apple đang phát triển) có thể khiến 300.000 việc làm biến mất mỗi năm.
Thế giới có sẵn sàng chào đón làn sóng thất nghiệp do AI gây ra hay không? Dường như là không. Các chính trị gia đều tránh né vấn đề này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mới đây còn quả quyết rằng viễn cảnh con người mất việc làm vì công nghệ sẽ không diễn ra ít nhất là trong 100 năm nữa. Tại 1 hội nghị được tổ chức ở California đầu mùa hè vừa qua, nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen nói: “Cứ 25 hoặc 50 năm điều này lại xảy ra 1 lần. Mọi người xôn xao nói về viễn cảnh bị máy móc cướp đi việc làm, và điều đó chẳng bao giờ xảy ra”.
Có một sự thật là dù công nghệ đã trở nên quá quan trọng đối với tất cả mọi người, cả trong đời sống thường ngày cũng như về mặt kinh tế, nhưng không phải ai cũng có quyền quyết định tương lai của công nghệ. Phần lớn các quyết định được đưa ra bởi các lãnh đạo và kỹ sư của Google, Facebook, Amazon và những công ty công nghệ hàng đầu.
Ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua AI? Đó chính là những công ty hiện đang dẫn đầu: Google, Facebook và Amazon. Như nhà đầu tư mạo hiểm chuyên về AI Kai-Fu Lee đã viết trên tờ New York Times, “AI là ngành mà thế mạnh này sẽ tạo ra thế mạnh khác: bạn càng có nhiều dữ liệu, bạn càng có sản phẩm tốt hơn; sản phẩm tốt hơn lại giúp thu thập nhiều số liệu hơn…”
3 ông lớn kể trên đang lấn sân sang cả những lĩnh vực khác. Tháng trước, Amazon gây chấn động ngành bán lẻ khi tuyên bố thâu tóm Whole Foods. Công ty con Verily (trước đây là Google Life Sciences) của Alphabet đang giới thiệu một loạt các thiết bị y tế, từ hệ thống robot phẫu thuật đến thiết bị kiểm soát lượng glucose cho bệnh nhân tiểu đường. Trong khi đó Facebook đang có kế hoạch tấn công vào mảng truyền hình trong năm nay.
“AI là ngành mà thế mạnh này sẽ tạo ra thế mạnh khác: bạn càng có nhiều dữ liệu, bạn càng có sản phẩm tốt hơn; sản phẩm tốt hơn lại giúp thu thập nhiều số liệu hơn…”
Người viết bài này coi tháng 8/2004, khi Google IPO thành công và huy động được 1,9 tỷ USD, là thời điểm những ông trùm công nghệ độc quyền bắt đầu trỗi dậy. Cuối năm đó, thị phần của Google trên thị trường tìm kiếm chỉ là 35%, Yahoo là 32% và MSN là 16%. Ngày nay, thị phần của Google lên tới 87% ở Mỹ và 91% ở châu Âu.
Năm 2004, Amazon có doanh thu ròng đạt 6,9 tỷ USD. Năm 2016, con số tăng lên gần 136 tỷ USD, và hiện Amazon đang kiểm soát 65% doanh thu bán sách trực tuyến (cả sách in và bản điện tử). Còn về mạng xã hội, Facebook và các chi nhánh gồm Instagram, WhatsApp và Messenger hiện kiểm soát 75% thị phần ở Mỹ.
Với xu hướng này, các giá trị kinh tế đã chuyển từ những người tạo ra nội dung sang chủ sở hữu của các nền tảng. Kể từ năm 2000, doanh thu của ngành ghi âm ở Mỹ giảm gần 20 tỷ USD mỗi năm, xuống dưới 8 tỷ USD. Doanh thu quảng cáo của các tờ báo in ở Mỹ giảm từ mức 65,8 tỷ USD của năm 2000 xuống còn 23,6 tỷ USD trong năm 2013. Mặc dù doanh thu của ngành xuất bản sách không đổi, nguyên nhân là do doanh thu từ bán sách cho trẻ em đã giúp bù đắp sự sụt giảm ở mảng sách dành cho người lớn.
Từ năm 2003 đến 2016, doanh thu của Google tăng trưởng từ 1,5 lên 90 tỷ USD. Ngày nay, Alphabet là công ty truyền thông lớn nhất thế giới, kiếm được 79,4 tỷ USD doanh thu quảng cáo chỉ trong năm 2016. Facebook đứng ở vị trí số 2 với 26,9 tỷ USD. Điều đáng nói là chúng ta không đọc ít tin tức hơn hay nghe nhạc ít hơn và xem phim ít hơn, chỉ là doanh thu đã chảy từ chỗ này sang chỗ khác.
Trong quý III/2016, các công ty thuộc sở hữu của Facebook và Google chiếm tới 90% tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến. Thậm chí “không đối thủ nào của bộ đôi độc quyền Google – Facebook có thể chiếm được 3% thị phần” (thị trường Trung Quốc là ngoại lệ).
Mới đây, News Media Alliance (NMA), nhóm đại diện cho gần 2.000 tờ báo và trang tin, vừa yêu cầu Quốc hội Mỹ miễn trừ luật chống độc quyền để họ có thể đàm phán chung với Google và Facebook. NMA, từng có tên gọi là Hiệp hội Báo chí Mỹ, phàn nàn rằng hai công ty Internet khổng lồ này đang tạo ra thế lưỡng độc quyền trên Internet, hút hết gần như tất cả doanh thu từ quảng cáo dù không hề làm nội dung. Đi kèm với đó còn là nỗi lo về “tin tức giả mạo” nổi lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Quyền riêng tư là 1 vấn đề khác khiến nhiều người lo lắng.
Nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận cách mà các ông lớn công nghệ điều khiển cuộc sống của chúng ta? Các nhà sinh vật học lo lắng rằng chính ứng dụng đếm bước chân của bạn trên điện thoại thông minh cũng là tác nhân làm tăng khả năng bạn mắc phải bệnh Parkinson.
Mới đây Facebook thông báo hãng đang cố gắng xây dựng kết nối “ren thần kinh” cho phép người dùng điều khiển thiết bị chỉ bằng ý nghĩ. Nếu Facebook thành công, chúng ta sẵn sàng mở cửa cho các ông lớn công nghệ tiếp cận với mọi suy nghĩ của riêng mình?
Càng phụ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị công nghệ và các trợ lý ảo, con người càng cung cấp cho các công ty công nghệ nhiều thông tin hơn để thu thập.
Thế giới cần phải chú ý nhiều hơn đến những vấn đề kể trên. Có rất ít chính trị gia sẵn sàng đối mặt với khả năng AI và robot gây ra thất nghiệp trên diện rộng, nhưng cần phải có chính sách để ngăn chặn điều đó. Ví dụ, nhà đầu tư Kai-Fu Lee gợi ý rằng “các công ty sẽ phải trích ra 1 phần không nhỏ số tiền tạo ra từ AI để chuyển cho những người bị mất việc, có thể là thông qua tăng chi tiêu công hay tăng thuế đánh vào các công ty công nghệ”.
Luật chống độc quyền cũng có thể là câu trả lời. Án phạt 2,7 tỷ USD dành cho Google hồi cuối tháng 6 của EU là 1 ví dụ.
Càng phụ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị công nghệ và các trợ lý ảo, con người càng cung cấp cho các công ty công nghệ nhiều thông tin hơn để thu thập.
Chính lịch sử thung lũng Silicon cũng đem đến một vài chỉ dẫn. Sự trỗi dậy của những Google, Facebook chắc sẽ không xảy ra nếu không có luật chống độc quyền. Năm 1956, AT&T phải ký vào văn bản buộc nó phải nhượng bản quyền miễn phí cho mọi công ty Mỹ đối với các sáng chế Bell Labs (được sử dụng trong những thiết bị như vệ tinh, hệ thống mạng thiết bị di động và nhiều ứng dụng quan trọng khác). Từ những công nghệ này các công ty như Fairchild Semiconductor, Motorola, Texas Instruments, Intel và Comsat mới ra đời.
Đến những năm 1970, Bộ Tư pháp Mỹ “tấn công” vào 1 ông lớn công nghệ khác, kiện IBM vì đã độc quyền trên thị trường máy tính. Vụ kiện đã kéo dài tới 13 năm, và cuối cùng IBM đồng ý cho phép các công ty khác làm phần mềm cho những máy tính mà hãng sản xuất ra. Khi những chiếc máy tính để bàn được phát triển, IBM chuyển phần phát triển hệ điều hành cho 2 chàng trai trẻ đến từ Seattle: Bill Gates và Paul Allen. IBM vẫn nghĩ rằng phần cứng mới là cốt lõi, nhưng sự trỗi dậy của Microsoft chứng tỏ họ đã lầm. Và phán quyết thuộc về lịch sử.
Vụ kiện chống độc quyền lớn nhất gần đây là vụ nhằm vào Microsoft năm 1998, xoay quanh chuyện hãng này quả quyết rằng các khách hàng sử dụng hệ điều hành Windows phải sử dụng trình duyệt Internet Explorer. Nếu như Internet Explorer vẫn là trình duyệt web độc quyền, Google sẽ chẳng bao giờ hùng mạnh được như ngày nay.
Những bài học từ lịch sử cho thấy chống lại độc quyền chính là con đường để thúc đẩy sáng tạo, để chúng ta có được ngày hôm nay.
Thu Hương
Nguồn Trí thức trẻ