Mì 2 con tôm Miliket đã thay đổi thế nào trong 30 năm qua?

Dù đã tiến hành nhiều thay đổi, đầu tư để bám đuổi các ông lớn trong ngành, hình ảnh 2 con tôm trên bao bì của "vua mì tôm" sau hàng chục năm vẫn không thay đổi.

Cho đến nay, bất chấp các hãng quảng cáo rầm rộ với các loại mì làm bằng khoai tây, mì trứng, mì gà, mì có thịt thật… không ít người tiêu dùng Việt vẫn giữ thói quen gọi mì ăn liền là mì tôm.

Mì 2 con tôm Miliket đã thay đổi thế nào trong 30 năm qua?

Thời hoàng kim thống trị với 90% thị phần

Mì ăn liền Colusa – Miliket là một trong những thương hiệu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, mì tôm Colusa (tiền thân của Colusa – Miliket) do Công ty thực phẩm Sài Gòn sản xuất đã thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam, cũng được xem là thương hiệu “độc quyền” trên thị trường trong hàng chục năm của thập niên 70, 80.

Thương hiệu này nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhưng cũng từng có giai đoạn mì tôm Miliket trở thành món đồ ăn xa xỉ với nhiều người, khi chúng chỉ được bán tại các cửa hàng tạp hóa quốc doanh.

Mì 2 con tôm Miliket đã thay đổi thế nào trong 30 năm qua?

Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng lớn tuổi, những năm 80 của thế kỷ trước, mì tôm Miliket chỉ có 2 sản phẩm chính là mì gói giấy với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì và mì ký (bán theo kg) với hình ảnh 4 con tôm trên mỗi túi 1 kg.

Không có thống kê nào về kết quả kinh doanh của vua mì tôm Miliket những năm trước 2000 được công bố, tuy nhiên với vị thế “độc quyền”, thành công mà Miliket gặt hái được thời điểm đó không ai có thể phủ nhận.

Tồn tại cùng 2 con tôm

Sau năm 2000, sự gia nhập thị trường của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước đã khiến vị thế “độc quyền” của Miliket dần mất đi.

Các hãng mì mới xuất hiện với nguồn lực mạnh mẽ hơn rất nhiều và đầu tư, quảng bá hình ảnh những gói mì ăn liền ấn tượng với hình ảnh minh họa trên bao bì bắt mắt cùng với kênh phân phối rộng lớn. Ra đời sau nhưng nhờ tiềm lực lớn, Vina Acecook, Masan, Asia Foods… nhanh chóng chiếm thị phần của Miliket.

Mì 2 con tôm Miliket đã thay đổi thế nào trong 30 năm qua?

Từ người dẫn đầu, đến này thị phần của Miliket chỉ ở mức dưới 4% sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam.

Điều đặc biệt, trong khi các đối thủ đẩy mạnh phát triển hình ảnh minh họa trên bao bì, Miliket vẫn trung thành với 2 con tôm. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ mì gói giấy với 2 con tôm quen thuộc vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tiêu thụ sản lượng hàng năm của Miliket, dù doanh nghiệp đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác để bắt kịp những thay đổi của thị trường, cả sản xuất thêm phở, cháo, hủ tiếu, miến ăn liền…

Năm 2016, Miliket cũng đầu tư hơn 8,1 tỷ đồng để phát triển các hạng mục mới, trong đó có dây chuyền sản xuất hủ tiếu và sản xuất các mặt hàng sản phẩm từ gạo. Mục tiêu doanh nghiệp đưa ra là tăng sản lượng các sản phẩm từ gạo lên 1.600 tấn/tháng.

Nguồn lực nhỏ hơn rất nhiều các thương hiệu mì khác nhưng vua mì tôm cũng không chậm chân, khi đơn vị này đã cho ra đời nhiều sản phẩm mì ly, mì tô với giá thành cao gấp đôi giá mì gói hiện tại, vốn đang là xu thế tiêu dùng hiện nay.

Và đặc biệt, Miliket cũng là một trong số ít đơn vị vẫn sản xuất sản phẩm mì ký, sản phẩm mà hầu hết thương hiệu lớn hiện nay không sản xuất.

Không chỉ cố gắng bắt kịp thị trường, để cạnh tranh, vua mì tôm cũng thay đổi cả chiến thuật phân phối hàng. Công ty thực hiện giao chỉ tiêu, sản lượng cho từng khu vực, tỉnh, thành theo tình hình tiêu thụ thực tế. Công ty cũng phải làm việc với nhà phân phối, thống nhất cam kết sản lượng, doanh số hoặc mở thêm nhà phân phối tại các tỉnh, thành để đảm bảo sản lượng. Hiện tại, Công ty Mesa là đơn vị phân phối lớn nhất của Miliket.

Mì 2 con tôm Miliket đã thay đổi thế nào trong 30 năm qua?

Bên cạnh việc cố gắng lấy lại thị phần trong nước, Miliket cũng đang mở rộng ra các thị trường nước ngoài. Trong năm 2016, mì tôm Miliket đã khai thác thêm nhiều thị trường mới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar, Singpore tuy nhiên sản lượng chưa cao.

Theo một báo cáo công bố năm 2016 của hãng nghiên cứu thị trường Asia Plus, những người trong độ tuổi 30 có xu hướng sử dụng mì ly nhiều hơn 63% so với những người ở lứa tuổi 20 (48%), và nam giới có xu hướng sử dụng mì ly nhiều hơn 52% so với nữ giới 45%.

Nhiều hãng sản xuất mì ăn liền lớn như Vina Acecook, Masan, Vifon, Asia Foods, Nissin Food... đã tăng mạnh đầu tư cho mì ly, tập trung mạnh vào hai phân khúc trung và cao cấp và trung bình. Miliket cũng không nằm ngoài xu hướng này khi liên tục cho ra mắt các sản phẩm mì ly, mì tô, bún, phở...

Quang Thắng
Nguồn Chiến lược Marketing