Cuộc sống tiện lợi
Mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang phát triển phi mã trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất khu vực.
Khoảng 2h chiều, Vũ Ngọc Mai, 26 tuổi, cửa hàng trưởng của một chuỗi cà phê bước ra khỏi Shop & Go trên đường Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), trên tay cầm túi ni lông đựng tô mì nước. Mai đang làm một trong những công việc đầu tiên trong sự nghiệp của mình, và là một đối tượng khách hàng quan trọng của các cửa hàng tiện lợi đang bùng nổ tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu về cửa hàng tiện lợi của Nielsen Việt Nam năm 2015, đối tượng mua hàng ở đây chủ yếu là sinh viên (23%), người mới đi làm (18%), các bà mẹ đi làm (16%) và phụ nữ nội trợ (6%).
Theo số liệu Forbes Việt Nam tổng hợp vào tháng 4.2017, hiện có khoảng 1.600 cửa hàng thực phẩm tiện lợi thuộc khoảng 10 thương hiệu lớn nhất đang có mặt trên thị trường, nhưng con số này đang thay đổi nhanh chóng do các chuỗi liên tục mở rộng để giữ vị trí và nắm thị phần.
Trong báo cáo mà tổ chức nghiên cứu và đào tạo chuyên về ngành thực phẩm và tạp hóa toàn cầu IGD công bố cuối tháng 3.2017, Việt Nam sẽ là thị trường cửa hàng tiện lợi tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2021. Nick Miles, giám đốc IGD tại châu Á - Thái Bình Dương giải thích lý do nằm ở tỉ lệ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ tăng nhanh, và thu nhập cũng tăng hơn.
Ông dự báo các nhà bán lẻ và sản xuất sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi, tạo ra những sản phẩm mới và cách thức mới, như đồ ăn mang đi (food to go), và trên cả là bắt tay với nhau để bảo đảm cùng có lợi nhất từ những tiềm năng tăng trưởng lạc quan trước mắt.
Trong bối cảnh ấy, thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới và lâu đời nhất thế giới (ra đời năm 1927) là 7- Eleven đang chuẩn bị gia nhập thị trường Việt Nam. 7 - Eleven có hơn 60 ngàn cửa hàng ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tính tới cuối năm 2016.
Năm 2016, cứ trung bình 2,5 giờ có một cửa hàng mở, và họ mở được 4.000 cửa hàng. Cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam theo kế hoạch sẽ khai trương tại trung tâm TP.HCM vào tháng 6.2017 và sẽ có khoảng 20 cửa hàng ra đời trong năm 2017, và ba năm tiếp theo sẽ có khoảng 100 cửa hàng.
“Chúng tôi có chiến lược cung cấp lựa chọn tốt về mặt hàng, như thực phẩm tươi, để khách hàng có thể ăn sáng, trưa, tối, để khác biệt với các cửa hàng khác. Chúng tôi sẽ nghiên cứu từng địa điểm khác nhau để cung cấp loại hàng hóa thích hợp,” ông Vũ Thanh Tú, CEO công ty cổ phần Seven System Việt Nam (SSV), đại lý độc quyền về nhượng quyền của 7-Eleven tại Việt Nam, nói với Forbes Việt Nam.
7–Eleven tại Việt Nam sẽ tập trung phát triển mạng lưới ở khu vực trung tâm TP.HCM và củng cố hệ thống hoạt động trước khi mở rộng ra các khu vực khác ở Việt Nam. TP.HCM đến nay vẫn là đầu mối để các nhà kinh doanh bán lẻ “thử lửa” trước khi mở rộng. “Các cửa hàng tiện lợi đã hoạt động ở đây lâu hơn nên chúng tôi có thể hiểu khách hàng tốt hơn, còn ở Hà Nội thì số lượng cửa hàng tiện lợi ít,” ông Tú giải thích lý do chọn TP.HCM, chứ không phải Hà Nội để mở cửa hàng đầu tiên.
Theo thống kê của công ty Nielsen Việt Nam năm 2015, về số lượng, cứ 69 ngàn người Việt Nam hiện nay có 1 cửa hàng tiện lợi phục vụ.
Để cửa hàng tiện lợi trở thành điểm đến ưa thích, đặc biệt với giới trẻ, có thể thấy những tên tuổi lâu nay trong mảng này như Circle K và FamilyMart đã đưa cửa hàng trở thành nơi không chỉ mua hàng tiện lợi, mà còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò, tranh thủ nghỉ ngơi… Họ cung cấp môi trường máy lạnh mát mẻ, đồ ăn tươi làm sẵn, có chỗ ngồi, hàng hóa cập nhật cả nhập khẩu cả địa phương, và tất nhiên không thể thiếu wifi.
“Tôi nghĩ các thương hiệu đã có trên thị trường đều có chiến lược tìm kiếm và tiếp cận khách hàng riêng. Tôi hiểu là họ ở đó, có khách hàng riêng, hàng hóa riêng,” ông Tú cho biết. “Chúng tôi tập trung vào tìm hiểu khách hàng của mình, và các mặt hàng dành cho họ. Thị trường rất rộng lớn.”
TP.HCM có khoảng 10 triệu người. Theo thống kê của công ty Nielsen Việt Nam năm 2015, về số lượng, cứ 69 ngàn người Việt Nam hiện nay có 1 cửa hàng tiện lợi phục vụ, trong khi nếu so sánh với Đài Loan hay Hàn Quốc thì con số là khoảng 2.000 người.
Trong vài năm tới, khi hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM và Hà Nội đi vào hoạt động sẽ là thời điểm các cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh mẽ do phù hợp với lối sống của người dân thành thị sẽ thay đổi rất nhanh sau đó. Tại Nhật Bản, nơi có 20 ngàn cửa hàng 7-Eleven, hay Bangkok, Singapore, có thể thấy rất nhiều cửa hàng đặt ở các điểm mà người sử dụng giao thông công cộng đứng đợi bắt các chuyến xe, tàu kế tiếp.
Trong báo cáo của IGD, Việt Nam, Philippines và Indonesia có nhiều điểm tương đồng để lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi bùng nổ. Châu Á là thị trường thực phẩm và tạp hóa lớn nhất thế giới, dự tính sẽ đạt 4,8 ngàn tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, với tỉ lệ tăng trưởng gộp hằng năm là 6,3%, tương đương với thị trường châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại.
Về kênh cửa hàng tiện lợi, IGD dự báo tỉ lệ tăng trưởng gộp hằng năm ở mức hai con số trong vòng bốn năm tới. Cụ thể ở Việt Nam là 37,4%, Philippines 24,2% và Indonesia 15,8%, dựa trên tình hình kinh doanh của các nhà hoạt động hàng đầu trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi tại mỗi cửa hàng.
Cửa hàng tiện lợi đang trở nên phù hợp với lối sống đô thị tại châu Á hơn bao giờ hết.
Theo dự báo, vào năm 2030, châu Á sẽ là nơi ở của ba tỉ người tiêu dùng thuộc lớp trung lưu, những người có nhu cầu tiêu dùng rất cao khi lần đầu tiên họ có khả năng tài chính như vậy.
Trong không gian ngày càng chật chội hơn ở đô thị, thời gian ngày càng eo hẹp do con người muốn làm nhiều việc trong một ngày, từ công việc, tới nghỉ ngơi, giao lưu xã hội… người dân tìm cách để làm cho cuộc sống của mình dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhưng vẫn cần hàng hóa tươi, chất lượng.
Họ có thể là tạt qua cửa hàng tiện lợi để trả tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình, Internet, mua các loại sim, thẻ cào, mua vé sự kiện, giặt ủi, hay vay tiền, mua bảo hiểm, vé xe, hay tranh thủ mua đĩa mì trộn, ăn thêm quả trứng ốp la hay cái xiên que, uống ly cà phê trước khi tiếp tục công việc của một ngày.
Các cửa hàng tiện lợi là nơi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngay khi khách hàng cần, bởi vậy, nó sẽ hiện diện ở khắp nơi, tầng trệt của một cao ốc, hay đầu đường, hay góc phố, hay trung tâm sầm uất.
VinMart+ thuộc Vingroup là tên tuổi địa phương duy nhất đến nay chiếm được nhiều vị trí tốt. Xét về tốc độ mở rộng thì VinMart+ sẽ không có đối thủ xứng tầm trong vài năm tới, do chỉ ra đời mới cách nay hơn hai năm nhưng đã có gần 900 cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng trong năm 2016, trung bình cứ mỗi ngày có khoảng hai cửa hàng VinMart+ ra đời, tốc độ chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Theo báo cáo năm 2015 của ngân hàng Thế giới, không gian các đô thị ở Việt Nam đang mở rộng ở tốc độ 2,8%/năm, và nằm trong tỉ lệ cao nhất ở khu vực.
Với khoản đầu tư trung bình 1 - 1,5 tỉ đồng/ cửa hàng, VinMart+ nhận thấy tình hình kinh doanh tại các cửa hàng những vùng lõi dân cư khả quan hơn. Trong năm 2017, họ có kế hoạch mở mới thêm khoảng 70 – 80 siêu thị VinMart và hơn 1.000 cửa hàng VinMart+ tại hơn 30 tỉnh thành. VinMart+ là một “cánh tay nối dài” của Vingroup trong quá trình thu hút khách hàng vào hệ sinh thái đa dạng, từ bán lẻ, nghỉ dưỡng, bất động sản, y tế, giáo dục của tập đoàn.
Thách thức với các thương hiệu cửa hàng tiện lợi là họ phải cung cấp hàng hóa phù hợp với đặc tính của khách hàng từng khu vực.
Với Circle K, có thể nhận thấy họ bán đồ phù hợp cho nhu cầu nhanh chóng của ai đó tạt qua, không muốn mang hàng cồng kềnh. Circle K bán đủ thứ, từ cây kim cuộn chỉ theo đúng nghĩa đen, với bao bì đóng gói, hay kích cỡ hàng hóa gọn, phù hợp với cá nhân hay các hộ gia đình hạt nhân.
Còn VinMart+ giống như một VinMart thu nhỏ, bán những mặt hàng thiết yếu có kích cỡ bình thường cho các bà nội trợ, giới công sở, đồng thời cung cấp thực phẩm ăn nhanh và các hàng hóa tiện ích khác cho tầng lớp khách hàng trẻ, giống mô hình “lai” giữa siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Vingroup cho biết họ đang triển khai cung cấp các sản phẩm VinMart Cook chế biến tại bếp trung tâm để phân phối tới các cửa hàng.
“Chúng tôi xác định đầu tư vào VinMart+ là đầu tư cho tương lai của thị trường bán lẻ Việt Nam,” bà Thái Thanh Hải, tổng giám đốc công ty Vincommerce thuộc Vingroup cho biết.
Tại Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan, số lượng các cửa hàng tiện lợi đang tăng nhanh, có doanh số bằng 25% tổng doanh số mảng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Ở Việt Nam, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang có những bước phát triển ban đầu, và sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh theo quá trình đô thị hóa.
Theo báo cáo năm 2015 của ngân hàng Thế giới, không gian các đô thị ở Việt Nam đang mở rộng ở tốc độ 2,8%/năm, và nằm trong tỉ lệ cao nhất ở khu vực, vượt qua Thái Lan và Hàn Quốc. Điểm đáng lưu ý là báo cáo nhấn mạnh quá trình đô thị hóa chủ yếu diễn ra ở Hà Nội (3,8%) và TP.HCM (4,0%), nhanh hơn nhiều so với những nơi khác ở Đông Á, trừ Trung Quốc.
Với tốc độ hiện tại, vào năm 2020, diện tích đô thị ở hai thành phố này sẽ lớn gấp đôi so với năm 2000. Quy mô hộ gia đình đang ngày càng nhỏ, từ 4,44 người / hộ năm 2002 so với 3,85 người năm 2012.
Vũ Ngọc Mai cho biết từ khi đi làm năm 2014, mỗi ngày cô đều ghé cửa hàng tiện lợi gần công ty hay nhà ở khoảng 3 - 4 lần, mua mì hay xúc xích.
Dạo này, Mai không hay mua đồ bán trên đường nữa. Mai cùng với bạn bè, những người hay ghé các cửa hàng tiện lợi để mua nước, bánh snack và bánh ngọt, thuộc vào gần 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi, và có thu nhập bình quân tăng tốt sẽ là khách hàng mà các cửa hàng tiện lợi tìm cách thu hút.
Không Loan
Nguồn Forbes Vietnam