Hút giới trẻ, thời trang ngoại "lấn lướt" ở thị trường Việt
Dù chỉ mới khai trương một vài cửa hàng tại Việt Nam, nhưng hiệu ứng mà các nhãn hàng thời trang nước ngoài tạo ra luôn được đánh giá tích cực, có sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ.
Nếu như trước đây thị trường thời trang Việt Nam là sự cạnh tranh giữa các nhãn hàng trong nước, hay nhãn hàng thời trang trong nước và các nhãn hàng thời trang nước ngoài, thì giờ đây các nhãn hàng thời trang nước ngoài phải cạnh tranh với nhau không chỉ về chất lượng, mẫu mã, giá bán mà còn so kè trong từng chiến lược kinh doanh.
Đơn cử như Zara, thương hiệu thời trang bình dân đến từ Tây Ban Nha, thuộc Tập đoàn Inditex, là một trong những tập đoàn bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới du nhập vào Việt Nam vào đầu tháng 9/2016. Sau 10 tháng có mặt tại TP.HCM, Zara tạo cơn sốt về quần áo và phụ kiện thời trang không những đối với tuổi teen, mà còn tạo sức hút đối với nữ giới U30 - U50.
Với doanh thu khoảng 5,5 tỷ đồng trong ngày khai trương, Zara đã phá kỷ lục về doanh thu ngày đầu tại hơn 2.000 cửa hàng ở 88 quốc gia. Thừa thắng xông lên. Tháng 10 tới, Zara tiến quân ra bắc với cửa hàng tại Vincom Bà Triệu.
Nhìn nhận về sự đột phá này, nhiều chuyên gia trong ngành thời trang cho rằng, Công ty Mitra Adiperkasa (Indonesia), đơn vị quản lý 15 cửa hàng Zara tại Indonesia, được ghi nhận là "người có công", bởi thông qua công ty con tại Việt Nam, Mitra Adiperkasa không những nghiên cứu khá kỹ thị trường trước khi quyết định đưa Zara vào Việt Nam mà còn tạo hiệu ứng "tâm lý đám đông" rất tốt, đánh trúng vào sự khát khao xài hàng ngoại giá rẻ của giới trẻ, dù rằng xung quanh sự cuồng nhiệt ấy vẫn còn những hồ nghi về chất lượng hàng hóa của Zara.
Ông Hà Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (Đông Hưng Group) - đơn vị đang gia công theo hình thức FOB cho các nhãn hàng giày thời trang Reebook, Puma, Keds, Burberry tại Việt Nam cho biết, khi chưa vào Việt Nam, Zara từng đặt vấn đề hợp tác với Đông Hưng. Thế nhưng thương vụ sau đó không thành bởi việc đặt hàng của Zara rất khắt khe, tiêu chuẩn chất lượng rất cao, song họ lại đưa ra mức giá gia công quá thấp, nên Đông Hưng đã từ chối không phải vì không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm mà vì mức giá ấy không thỏa đáng. Đó là lý do khiến hàng hóa của Zara bán ra rất được lòng người tiêu dùng, nhưng sẽ rất khó để đảm bảo cho nhà sản xuất có lợi nhuận.
Không chỉ có Zara, gần đây H&M cũng tạo sự hồ hởi cho người Việt mê thời trang ngoại. Thay vì phải đặt hàng online thì giờ đây người tiêu dùng có thể "thực mục sở thị" nhiều mặt hàng của H&M tại Vincom (TP.HCM). H&M là thương hiệu thuộc phân khúc trung cấp, nhưng chất lượng và giá bán khá tốt.
Song dù là thương hiệu nào, ở phân khúc trung bình như Topshop, Mango, Warehouse, Forever 21, GAP, Guess đều tạo "cơn sốt", đặc biệt trong những đợt khuyến mãi thì hầu hết các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM như SC Vivocity, Crescent mall, Parkson, Vincom, Saigon Center đều chật người mua.
Song hành cùng nhà phân phối tạo những chương trình khuyến mãi đối với từng nhãn hàng thì các trung tâm thương mại vẫn thường mở ra các chương trình bán hàng cuối tuần, mùa sale off vào các dịp lễ, Tết.
Đã thế, các nhãn hàng còn phối hợp với ngân hàng trong và ngoài nước để kích cầu mua hàng bằng những ưu đãi khi sử dụng các loại thẻ tín dụng. Cộng gộp những chương trình kích cầu như vậy, các nhãn hàng ngoại nhập đã tạo được sức ảnh hưởng lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Lê Loan - Duy Khuê
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn