7-Eleven “lấn sân” sang thương mại điện tử
Theo tờ Nikkei, ngày 6/7, Seven & i Holdings, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng tiện dụng 7-Eleven, công bố hợp tác bán hàng qua sàn thương mại điện tử Lohaco của tập đoàn Askul.
Cụ thể, Seven & i Holdings sẽ hợp tác với Askul để kinh doanh trực tuyến thực phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng của cả đôi bên và nâng cao hiệu quả hoạt động của trang Lahaco.
Trong kế hoạch 3 năm tính đến 2020, Seven & I đặt mục tiêu tăng thu nhập hoạt động lên 450 tỷ Yên (3,9 tỷ USD), tăng 23% so với năm 2017.
Để đạt được mục tiêu này, tập đoàn lên kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi, nâng cấp chiến lược “đa kênh” - mô hình kinh doanh qua nhiều kênh được thiết kế nhằm cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng, đồng thời củng cố hoạt động giao vận của mình, tờ Nikkei cho biết.
Đối tác của Seven & I, tập đoàn Askul hoạt động trong hai lĩnh vực, cung cấp đồ dùng văn phòng và dịch vụ giao vận. Năm 2016, gần 80% đơn hàng của Askul được đặt qua mạng. Điều này cho thấy những bước tiến không ngừng của tập đoàn này nhằm trở thành hãng thương mại điện tử hàng đầu Nhật Bản thông qua trang thương mại điện tử Lohaco và một sàn bán buôn.
Với thỏa thuận hợp tác này, Seven & I kỳ vọng tận dụng được mạng lưới phân phối rộng khắp của Askul.
Năm 2016, 7-Eleven cũng thử nghiệm mô hình trực tuyến với dịch vụ làm trung gian nhận hàng cho khách hàng mua sắm qua mạng ở Malaysia. Cụ thể, khách hàng đặt mua hàng qua mạng và tới cửa hàng 7-Eleven gần nhất để nhận hàng với một mã code.
Đầu năm 2017, chuỗi cửa hàng 7-Eleven tại Phillipines hợp tác với Starmobile để bán thiết bị di động qua ứng dụng điện thoại.
7-Eleven ra đời năm 1927 tại Texas Mỹ và nhanh chóng nhân rộng mô hình. Từ năm 1962, toàn chuỗi cửa hàng tiện lợi này bắt đầu mở cửa 24/7 suốt tuần.
Với gần 60.000 cửa hàng trên khắp thế giới, 7-Eleven là một trong những công ty nhượng quyền lớn nhất thế giới. Trong đó, Nhật Bản là thị trường lớn nhất với hơn 17.000 cửa hàng trực thuộc Seven & I Holdings - công ty mẹ của 7-Eleven kể từ năm 2005. Mỹ và Thái Lan đứng thứ 2 và thứ 3 với hơn 8.000 cửa hàng.
Các cửa hàng 7-Eleven trên thế giới không hoàn toàn giống nhau mà được tùy chỉnh theo văn hóa từng quốc gia. Ở Mỹ, 7-Eleven là những cửa hàng nhỏ bán đồ dùng tiện ích hoặc đồ ăn nhanh như café, bánh mỳ.
Trong khi đó, tại Indonesia, 7-Eleven lại mở những quán café với wifi miễn phí và bàn ghế để dùng bữa tại chỗ. Ở Đài Loan, cửa hàng 7-Eleven bán cả đồ ăn truyền thống, nhận thanh toán hóa đơn sinh hoạt, đặt tour du lịch…
Tháng trước, 7-Eleven tuyên bố đóng toàn bộ chuỗi cửa hàng tại Indonesia sau 8 năm gia nhập thị trường. Dù đi tiên phong trong việc đưa phong cách ăn uống mới vào Indonesia và thành công lớn thời gian đầu, nhưng gần đây 7-Eleven Indonesia gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực vận hành đồng thời vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các quán ăn địa phương và các chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu Indonesia như Alfamart và Indomaret.
Kim Tuyến
Nguồn VN Economy