Áp lực từ các hãng thời trang ngoại
Việt Nam là "cường quốc" xuất khẩu hàng dệt may với doanh số hàng chục tỷ USD từ năm 2010, nhưng dường như vẫn chập chững trên "bản đồ thời trang".
Trên thị trường nội địa, các hãng thời trang nước ngoài thuộc phân khúc trung bình như GAP, Topshop, Mango, Forever 21 (F21), Zara, Warehouse, Lee có mặt ngày càng nhiều. Mới đây thương hiệu thuộc phân khúc trung cấp của H&M đã xuất hiện, và sắp tới là nhãn hàng thời trang Diskies (Nhật) càng tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực thời trang bán lẻ tại Việt Nam. Áp lực đang đè nặng lên các doanh nghiệp nội.
Trái với những lo ngại của các doanh nghiệp may mặc khi TPP khó có thể được thực thi, các nhãn hàng thời trang nước ngoài vẫn liên tiếp có mặt tại Việt Nam. Ứơc tính thị trường may mặc trong nước ở mức 4,5 tỷ USD/năm. Song theo tính toán của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đó vẫn chưa phải là con số lý tưởng để có thể hấp dẫn các doanh nghiệp dệt may chú trọng củng cố thị trường nội địa.
Đại diện Vinanex - TGĐ Lê Tiến Tường từng phân tích vấn đề này với báo giới rằng, năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam hiện đã vượt ngưỡng 35 tỷ USD/năm, do đó với quy mô 4,5 tỷ USD của thị trường nội địa chưa thực sự tạo bệ đỡ vững chắc cho các doanh nghiệp may mặc cân bằng đầu ra khi thị trường xuất khẩu suy giảm.
Đây được xem là thiệt thòi của ngành dệt may Việt Nam so với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia - những quốc gia sở hữu thị trường tiêu thụ hàng dệt may nội địa với con số lớn hơn kim ngạch xuất khẩu của ngành có khi gấp vài ba lần.
Hàng nội địa: Khó trăm bề
Tại đại hội cổ đông thường niên 2017 vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Vinatex cho biết, năm 2016 là một năm khó khăn đối với ngành, hầu như các thị trường nhập khẩu lớn hàng dệt may Việt Nam đều giảm, trong đó Mỹ giảm 3,4%, Nhật Bản giảm 2,6%, Hàn Quốc giảm 2,1%. Cũng theo báo cáo này, năm 2017 vẫn còn khá vất vả đối với ngành may mặc Việt Nam.
Theo một báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường VIRAC, quy mô tiêu thụ nội địa của hàng dệt may Việt Nam khá hạn chế so với các ngành hàng khác. Nguyên nhân là do chi tiêu bình quân đầu người của người Việt cho hàng may mặc còn thấp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam khi tham gia phát triển thị trường nội địa còn phải đối mặt với 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là sức ép cạnh tranh của hàng nhái, hàng giả và hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Thứ hai là do năng lực doanh nghiệp khá yếu kém trong khâu phân phối, thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu.
VIRAC đã nêu lên những công ty điển hình phát triển hệ thống bán hàng được người tiêu dùng "quen mặt", song chỉ là con số đếm trên đầu ngón tay như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10; hay một số thương hiệu phục vụ giới trẻ như PT 2000, Ninomaxx trong hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may của Việt Nam.
Với thâm niên trong ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM phân tích, vấn đề của doanh nghiệp dệt may Việt Nam thì chỉ có người trong ngành là rõ nhất cả điểm mạnh và điểm yếu. Nhưng có một điều đáng lưu ý là dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ thì đến thời điểm này, ngành dệt may Việt Nam 100% chưa thoát khỏi gia công.
Thống kê của Vinatex gần đây cho thấy, nếu như ở khu vực nông thôn, hàng dệt may Việt Nam phải đối đầu với hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc, thì tại các đô thị, sản phẩm của doanh nghiệp may mặc cũng phải ráo riết chạy đua thị phần với hàng hóa nhập khẩu từ Anh, Mỹ và các nước trong khu vực ASEAN.
Khi "cơn lũ" vào
Trái ngược với sự e dè của các doanh nghiệp may mặc khối nội, các nhà bán lẻ, các nhãn hàng thời trang ngoại nhập lại đánh giá cao thị trường may mặc Việt Nam. Nếu như các doanh nghiệp trong nước cho rằng thị trường nội địa quá nhỏ để họ cân bằng sản phẩm đầu ra, không tạo được lợi nhuận cao thì các nhà đầu tư nước ngoài lại xem Việt Nam như "vùng đất mới" mà họ muốn khai phá.
Điển hình là Công ty CP Maison, dù chỉ mới 12 năm thành lập nhưng đã liên tiếp đưa các nhãn hàng thời trang quốc tế phân khúc cấp trung và cao cấp vào phân phối tại thị trường Việt Nam. Mặc cho thị trường may mặc nội địa có những lúc được nhận định khá thăng trầm, Maison vẫn đều đặn gia tăng số lượng nhãn hàng mỗi năm.
Tính đến thời điểm này, Maison phân phối 21 nhãn hàng, trong đó có Christian Louboutin, Karen Millen, Coast, Max&Co, Max Mara, Oasis, Predo, Charles & Keith, NYS, cũng như sở hữu 44 cửa hàng tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của các nhãn hàng may mặc, thời trang trên thế giới, không chỉ có Maison mà nhiều doanh nghiệp khác cũng ăn nên làm ra.
Một khi đã nhắc đến những "ông lớn" phân phối hàng ngoại tại Việt Nam thì không thể không nhắc đến Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), bởi IPP không chỉ phân phối các nhãn hàng thời trang phân khúc trung bình, mà còn khẳng định vị trí hàng đầu là nhà bán lẻ các loại sản phẩm thời trang cao cấp tại Việt Nam.
Theo đó, IPP đã phá vỡ việc phân phối nhãn hàng Mango của Maison, khi chính thức đưa Mango về Việt Nam phân phối tại Crescent Mall (TP.HCM)..
Ngoài các nhãn hàng thời trang phân khúc trung bình mà Maison, IPP, Công ty CP Thời trang Sơn Kim (Sơn Kim Fashion - đơn vị có hơn 60 năm trong lĩnh vực may mặc) đưa vào Việt Nam, các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục định vị ở nhiều mặt hàng mới.
Đơn cử như Sơn Kim Fashion, sau thời gian nhượng quyền các thương hiệu thời trang nội y, thể thao và may mặc như Jockey, Vera, Wow, J.Bus và khá thành công trong chuỗi cửa hàng bán lẻ Sonkim Mode với gần 100 cửa hàng trực thuộc và hơn 300 điểm bán, quý I/2017, Sơn Kim Fashion và 2 nhà đầu tư Nhật là Công ty Williamson-Dickie Nhật Bản (đơn vị quản lý nhãn hàng thời trang Diskies tại châu Á) và Công ty Sumitex International (đơn vị kiểm soát bản quyền nhãn hiệu, sản xuất và cung ứng sản phẩm Dickies tại Việt Nam) đã ký kết hợp tác đưa nhãn hàng Dickies (Mỹ) vào Việt Nam.
Theo đó, với thương vụ này, Sơn Kim Fashion sẽ phân phối độc quyền nhãn hàng Dickies tại Việt Nam.
Dickies là nhãn hàng toàn cầu, hướng đến phân khúc thời trang công sở, dạo phố, phụ kiện cho giới trẻ tại hơn 100 quốc gia với hơn 700 cửa hàng ở khu vực châu Á. Trong đó, sản phẩm tiêu biểu của Dickies là quần kaki Dickies mang tên "874".
Thời điểm đó, nhân buổi lễ ký kết giữa Sơn Kim Fashion với các đối tác Nhật, đã có nhiều ý kiến đặt ra với đại diện Sơn Kim Fashion rằng, có lo ngại mức giá của Dickies sẽ khó cạnh tranh với các thương hiệu mới du nhập vào Việt Nam như H&M hay Zara? Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Trang - CEO Sơn Kim Fashion nhìn nhận, năm 2017, thị trường thời trang Việt Nam cạnh tranh quyết liệt với sự có mặt của các thương hiệu thời trang quốc tế với phân khúc trung bình. Do đó, khi quyết định phân phối độc quyền Dickies, Sơn Kim Fashion đã xem xét kỹ để có mức giá hợp lý cho người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Phía Sơn Kim Fashion cho biết, cửa hàng đầu tiên của Dickies sẽ hình thành trong năm nay, 5 năm tiếp theo sẽ mở 30 cửa hàng ở nhiều tỉnh - thành.
Chưa biết việc triển khai được thực thi hiệu quả ra sao, nhưng so với quá trình phát triển các nhãn hàng thời trang trung cấp ngoại nhập tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây của các nhà bán lẻ và phân phối thì nếu thành công, Dickies có thể có độ phủ lớn so với các nhãn hàng khác.
Chưa hết, thương hiệu Uniflo của Nhật với hơn 2.000 cửa hàng trên thế giới cũng "đánh tiếng" chuẩn bị ra mắt 2 cửa hàng ở Việt Nam trong năm nay. Xa hơn, thương hiệu Forever 21 cũng có mặt ở Việt Nam vào năm sau
Lê Loan - Duy Khuê
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn