Đời thăng trầm của Travis Kalanick – cựu CEO của Uber
Uber và CEO Travis Kalanick trở thành tâm điểm truyền thông bởi hàng loạt bê bối, dẫn đến lá đơn từ chức của chính Kalanick hôm 20/6.
8 năm trước, Travis Kalanick bắt tay gây dựng một công ty khởi nghiệp với tên gọi UberCab tại San Francisco (Mỹ). Ngày nay, Uber là một đế chế toàn cầu, một trong những hãng công nghệ thành công nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất tại Thung lũng Silicon.
Travis lớn lên tại Northridge, California, một vùng ngoại ô của thành phố Los Angeles (Mỹ). Khi còn nhỏ, ông từng muốn trở thành một điệp viên. Kalanick học tốt ở trường và tích cực tham gia thể thao với hai môn sở trường là điền kinh và bóng đá. Bị đàn anh ở trường bắt nạt, Kalanick đã thề mình sẽ không bao giờ để ai điều khiển nữa.
Cuối cùng, ông cũng bước những bước chân khởi nghiệp đầu tiên khi trở thành một nhân viên tiếp thị, gõ cửa từng nhà và bán dao cho hãng Cutco. Ở tuổi 18, Kalanick theo học một khóa dự bị để thi SAT tại một trường tên là New Way Academy. Bố mẹ của Kalanick, Donald và Bonnie, là những tài xế đầu tiên khi Uber ra đời tại Los Angles.
Kalanick theo học kỹ sư vi tính tại Đại học California, Los Angles nhưng rồi sớm bỏ học vào năm 1998 vì một lý do chính đáng. Đó là để tập trung vào sáng lập Scour, một công cụ tìm kiếm ngang hàng, cùng với hai người bạn học là Michael Todd và Vince Busam. Kalanick nhận trợ cấp thất nghiệp khi làm việc toàn thời gian cho Scour, khi đó đang được bạn bè và người thân của một thành viên sáng lập bỏ tiền đầu tư.
Sau khi bị một số công ty giải trí đệ đơn kiện với khoản phạt 250 tỉ USD, Scour nộp đơn xin phá sản. Kalanick đứng lên với Red Swoosh, một công ty phần mềm mạng lưới nhưng lại có mâu thuẫn với người đồng sáng lập mới, cũng là người đã sáng lập Scour với mình, Michael Todd. Giữa cơn khủng hoảng sau vụ 11/9, công ty lại phải đối mặt với vấn đề pháp lý khi đem thuế thu nhập của nhân viên tái đầu tư và với những mâu thuẫn cuối cùng cũng không thể giấu giếm được giữa hai nhà sáng lập, Red Swoosh đã không thể tồn tại.
Nhưng mọi chuyện có biến chuyển tích cực. Kalanick quay về sống với bố mẹ và kêu gọi được nhiều nhà đầu tư hơn. Năm 2007, Kalanick bán Red Swoosh cho Akamai với giá 23 triệu USD và trở thành một triệu phú. Dành năm đầu tiên trong cuộc đời triệu phú để đi du lịch, Kalanick đã đến Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hy Lạp, Hawaii, Pháp, Úc, Bồ Đào Nha, Senegal…
Khi tham dự hội thảo công nghệ LeWeb vào cuối năm 2008, Kalanick nảy ra những ý tưởng đầu tiên cho Uber với tầm nhìn thay đổi dịch vụ taxi hạng sang chỉ bằng một nút bấm. Tuy nhiên, ông thực sự không thích taxi truyền thống là do trải nghiệm tồi tệ một năm trước đó: sau khi cãi nhau với tài xế, ông đã nhảy ra khỏi chiếc xe đang chạy.
Garrett Camp, Oscar Salazar, và Conrad Whelan xây dựng phiên bản đầu tiên của Uber, một dịch vụ taxi với tên gọi UberCab. Kalanick đóng vai trò làm “tổng tham mưu”. Với UberCab và mức giá khoảng gấp rưỡi giá taxi thông thường, bạn có thể gọi một chiếc taxi ở San Francisco bằng một tin nhắn hoặc một lần bấm nút.
Đầu năm 2010, Ryan Graves được mời về làm General Manager của UberCab. Ngay sau đó, anh trở thành Tổng Giám đốc (CEO). UberCab ra đời vào tháng 6/2010 tại San Francisco. Nó thành công vang dội tại đây, dù ban đầu đã bị các nhà đầu tư từ chối nhưng đến mùa hè năm 2010, Uber đã gọi được số vốn lên tới 1,25 triệu USD từ khoản đầu tư của First Round Capital, từ Chris Sacca, một người bạn của Kalanick và nhà sáng lập Napster Shawn Fanning. Con số này còn tiếp tục tăng và lên tới 11,56 tỉ USD từ khi được một công ty đầu tư mạo hiểm rót vốn.
Tháng 12/2010, Kalanick trở thành CEO và Graves lại đảm nhiệm vị trí General Manager. Cả hai đều đồng ý rằng mối quan hệ hợp tác này rất tốt đẹp. Sau San Francisco, Uber nhanh chóng mở rộng dịch vụ ra các thành phố khác tại Mỹ. Tháng 5/2011, Uber bắt đầu hoạt động tại New York - nơi giờ là thị trường lớn nhất của công ty này với hơn 168.000 chiếc Uber đi lại trên đường phố New York mỗi ngày.
Tháng 11/2011, Uber mở chi nhánh quốc tế đầu tiên và ra mắt tại Paris (Pháp). Đến nay, Uber đã có mặt trên hơn 600 thành phố và trị giá 69 tỉ USD, là công ty công nghệ tư nhân có giá trị nhất thế giới hiện tại.
Kalanick cùng với hai nhà sáng lập khác là Garrett Camp và Ryan Graves lần đầu tiên có tên trong danh sách triệu phú của Forbes vào năm 2015. Kalanick và Camp có cố phần nhiều hơn Grave, tương đương với mức tổng tài sản lớn hơn - 6,3 tỉ USD của mỗi người so với 1,58 USD của Graves.
Đầu năm 2015, Uber tuyên bố khởi động kế hoạch chạy thử xe tự lái tại Pittsburgh. Dự án này đã mở rộng tới San Francisco và Arizona. Đây là dự án Kalanick đặt rất nhiều tâm huyết với niềm tin rằng tương lai của Uber sẽ phụ thuộc vào nó. “Nếu chúng tôi không làm trước thì người đầu tiên làm được việc này, hay công ty đầu tiên nắm được cơ hội này, sau đó mở rộng nó với giá rẻ và chất lượng cao hơn nhiều so với Uber, thì Uber sẽ không còn gì nữa”, Kalanick trả lời tờ Business Insider vào tháng 8/2016.
Tính cách của Kalanick, được nhiều người miêu tả là liều lĩnh và hiếu thắng, đã nhiều lần giúp Uber có được thành công. Song cũng chính tính cách này lại khiến cả Kalanick và Uber gặp rắc rối.
Uber hứng chịu scandal đầu tiên vào năm 2014 khi trả lời phỏng vấn với GQ, Kalanick đã dùng từ xúc phạm phụ nữ và trang báo này. Đến tháng 2/2017, khi một cựu nhân viên tên Susan Fowler lên tiếng rằng cô bị quấy rối tình dục và phân biệt giới tính trong thời gian làm việc tại Uber, Kalanick ngay lập tức cam kết theo sát vụ điều tra về sự việc của Fowler và mời nguyên Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder tới giám sát.
Tuy nhiên, kể từ đó, công ty này không ngừng phải đối mặt với những vụ rắc rối. Tờ New York Times đã cho đăng tải một bản báo cáo gây chấn động, trong đó cáo buộc các nhân viên của Uber dùng ma túy trong một kỳ nghỉ và một quản lý đã bị sa thải sau khi bị phát hiện lạm dụng tình dục với nhiều nhân viên nữ. Trong khi đó, một camera hành trình đã ghi lại được cảnh Kalanick đang to tiếng với một tài xế Uber vì anh này phàn nàn về mức lương thấp mình nhận được, dù Kalanick sau đó đã lên tiếng xin lỗi vì hành động này của mình.
Uber cũng đang vướng vào một cuộc chiến pháp lý với Google về công nghệ xe tự lái. Google cáo buộc Uber đã dựng lên kịch bản thuê một kỹ sư tên Anthony Levandowski, người từng làm việc cho Google để ăn cắp công nghệ quan trọng này của Google. Levandowski bị Uber sa thải vào tháng 4. Xe tự lái của Uber cũng phạm lỗi vượt đèn đỏ tại San Francisco, dù người phát ngôn của Uber biện minh rằng đây là một “sai sót trong vận hành” nhưng phóng viên của tờ The New York Times cho biết, công nghệ tự lái của hãng này đã không nhận ra được đèn đỏ.
Tháng 5, biến cố lớn xảy ra với gia đình Kalanick khi bố mẹ anh gặp tai nạn và mẹ Kalanick đã không qua khỏi. Tháng 6, cánh tay phải của Kalanick, Giám đốc điều hành kinh doanh Emil Michael, xin từ chức và cho rằng tình bạn với Kalanick và một Ban giám đốc điều hành yếu kém của Uber đã khiến ông đưa ra quyết định như vậy. Cũng trong tháng 6, Uber sa thải hơn 20 nhân viên và công bố một bản báo cáo dài 13 trang sau một cuộc điều tra nội bộ về văn hóa công ty.
Tin tức cho hay các nhà đầu tư của Uber đã tranh luận đầy kịch tính trong hàng giờ và 5 người trong số họ đề nghị Kalanick phải ngay lập tức từ chức. Kalanick sau đó đã tuyên bố: “Tôi yêu Uber hơn bất kỳ điều gì và đây là thời điểm rất khó khăn trong cuộc sống của cá nhân tôi. Tôi đã chấp nhận yêu cầu của các nhà đầu tư, quyết định từ chức để Uber có thể tập trung vào xây dựng và phát triển thay vì phải phân tâm với một cuộc chiến khác.”
Điều gì đang chờ đợi Travis Kalanick? Không ai biết chắc chắn. Kalanick vẫn là thành viên Hội đồng quản trị và vẫn sở hữu số cổ phần lớn trong công ty. Một thành viên Ban quản trị đã nói: “Travis luôn đặt Uber lên hàng đầu. Đây là một quyết định táo bạo và thể hiện sự cam kết, sự tận tâm của anh ấy đối với Uber. Anh ấy sẽ có thời gian để bình tâm lại sau những biến cố gia đình và Uber thì có thêm không gian và thời gian để chuẩn bị cho một chương mới trong lịch sử của mình”.
Minh Thu / BI
Nguồn ICT News