Forbes Talks: Bức tranh toàn diện về phát triển ngành bán lẻ
Chiều 22/6/2017, tại Khách sạn Hilton – Hà Nội, lần đầu tiên Forbes Việt Nam đã tổ chức Sự kiện Forbes Talks tại Hà Nội với chủ đề Phát triển ngành bán lẻ với sự tham gia của hơn 300 khách tham dự.
Với hàng loạt chủ đề xoay quanh lĩnh vực bán lẻ, các diễn giả của Forbes Talks đã cho thấy một bức tranh toàn diện về lĩnh vực hấp dẫn này: Sự thay đổi của thói quen tiêu dùng hiện đại, Sự thay đổi của mặt bằng bán lẻ, Bán hàng đa kênh và cuộc đua giành thị phần, Ai là người nhanh nhất.
Ông Ralf Matthaes – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research mở đầu buổi nói chuyện với chủ đề Sự thay đổi của Thói quen tiêu dùng hiện đại. Ông Matthaes cho rằng trong khi các doanh nhân biết rõ hơn về xu hướng tiêu dùng, có niềm tin hơn về sự phát triển của nền kinh tế, thì phần lớn người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi, thiếu niềm tin, và tỏ ra dè dặt trong tiêu dùng. Sự bùng nổ của giao dịch thương mại điện tử cùng uy tín của các hãng bán lẻ đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành hàng này. 80% doanh thu bán lẻ của VN đến từ các cửa hàng bán lẻ nhỏ lẻ.
Với chủ đề Sự thay đổi của mặt bằng bán lẻ, ông Matthew Powell – Giám đốc phụ trách thị trường Hà Nội Savill Việt Nam cho rằng sự đa dạng trong các kênh bán lẻ đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Năm 2016, doanh số thương mại điện tử tăng gấp đôi so với trước đó. Thị phần bán lẻ truyền thống dự kiến sẽ giảm xuống còn 79% trong năm 2017. Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số thành thị tăng khoảng 3-4% mỗi năm – tương đương 3,5 triệu người – là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bình quân mặt bằng bán lẻ hiện nay tại Hà Nội là 0,26 m2/người, Tp.HCM là 0,12 m2/người – thấp hơn rất nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok (0,89 m2/người), Singapore (0,75 m2/người), Bắc Kinh (0,65 m2/người)…
Ông Ngô Quốc Bảo – Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật và thương mại điện tử FPT Digital Retail đã có bài phát biểu về Bán hàng đa kênh và cuộc đua dành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ. Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Bảo cho rằng các kênh tương tác với khách hàng là cực kỳ quan trọng. Bởi “bán hàng đơn giản, khiếu nại mới là phức tạp”. Nếu chỉ dựa vào một nền tảng, ví dụ bán hàng tại cửa hàng thực, hay bán hàng online, doanh nghiệp sẽ bị giới hạn, và dễ dẫn đến thất bại. Bán hàng đa kênh trở thành một xu hướng bán lẻ hiệu quả.
Ông Bảo đưa ra con số thống kê cho biết 44% khách hàng tìm hiểu sản phẩm online và tiếp tục đặt hàng online. Tỷ lệ khách hàng tìm hiểu sản phẩm online nhưng mua tại các cửa hàng lên tới 51% - cao hơn 17 điểm %. Sự tương tác giữa các kênh bán hàng là điều tương đối rõ rệt. Bên cạnh đó, hành vi người tiêu dùng cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây, khi các thiết bị điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến. Có tới 67% người tiêu dùng bắt đầu hoặc kết thúc việc mua bán của mình thông qua một thiết bị điện tử - cho dù họ mua sắm trực tiếp hay online.
Về lĩnh vực logistics hỗ trợ lĩnh vực bán lẻ, ông Lương Duy Hoài – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Giao hàng nhanh (GHN) cho biết xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ đang mở ra cơ hội và thách thức cho các hãng logistics. Không phải ai vận chuyển/giao hàng nhanh nhất, mà là ai nắm bắt cuộc chơi nhanh nhất – sẽ là người làm chủ cuộc chơi, chiếm lĩnh thị phần. Bài toán đặt ra cho thị trường bán lẻ hiện đại là làm thế nào để vận chuyển/phân phối hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người mua mỗi ngày. Mạng lưới giao hàng đáp ứng tính phức tạp trong yêu cầu cá biệt từng khách hàng - quyết định sự thành công trong lĩnh vực này.
Mợt số hình ảnh của sự kiện ngày 22.06.2017:
Minh Thư - Maika Elan
Nguồn Forbes Vietnam