FMCG Monitor 05/2017: Bán lẻ hiện đại tăng trưởng nhanh hơn so với kênh truyền thống
FMCG Monitor: 12 tuần kết thúc vào 21/05/2017
Điểm tin chính trong Báo cáo tháng 5 năm 2017:
CPI bình quân 5 tháng đầu năm vẫn tăng cao trên mức 4%. Mặc dù doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng tăng đều, tình hình FDI và xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện, tuy nhiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 hiện vẫn đang là thách thức đối với Việt Nam.
Bức tranh tăng trưởng thị trường FMCG
Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng thị trường FMCG ở Thành thị 4 TP chính giảm nhẹ so với Quý I, tuy nhiên vẫn đang trên đà tăng trưởng. Thị trường Nông thôn tiếp tục phục hồi nhờ sự phục hồi về sản lượng tiêu thụ.
Ngành hàng Thức uống tăng trưởng tốt ở cả Thành thị và Nông thôn, nhiều ngành hàng Chăm sóc cá nhân và Chăm sóc gia đình không thiết yếu cũng phát triển tốt. Hầu hết các sản phẩm Chăm sóc cá nhân đều tăng sản lượng tiêu thụ trong khi những sản phẩm Chăm sóc gia đình mới nổi như khăn giấy hộp/ bỏ túi, nước giặt, các sản phẩm tẩy rửa... tiếp tục thu hút người mua mới. Phải chăng gần đây người tiêu dùng đã chú trọng nhiều hơn đến vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh?
Ngành hàng tiêu biểu
Nước ép trái cây là ngành hàng tăng trưởng nổi bật ở cả Thành thị 4 TP và Nông thôn. Lượng tiêu thụ nhiều hơn là nguồn tăng trưởng chính cho ngành hàng, ngoài ra ngành hàng này vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thêm mạng lưới người tiêu dùng. Liệu các thương hiệu Nước ép có nắm bắt được xu hướng sức khỏe của người tiêu dùng để thúc đẩy thêm tăng trưởng hay không?
Kênh mua sắm
Ở khu vực Thành thị, bán lẻ hiện đại đang tăng trưởng nhanh hơn so với bán lẻ truyền thống nhờ sự phục hồi của Siêu thị & Đại siêu thị cùng với sự phát triển không ngừng của kênh Siêu thị nhỏ và Cửa hàng tiện lợi. Trong khi đó, mô hình Cửa hàng bách hóa tiếp tục mở rộng ở Nông thôn, thu hút hơn 800 nghìn hộ mua mới. Có vẻ như người tiêu dùng Nông thôn cũng đang hướng đến các địa điểm mua sắm hiện đại, nâng cấp hơn.
Tiêu điểm của tháng - Cửa hàng tiện lợi (CVS): Nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong thị trường bán lẻ Việt Nam?
Chuỗi cửa hàng bán lẻ Nhật Bản 7-Eleven đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 6, hứa hẹn làm cho thị trường bán lẻ sôi động hơn. Nhiều người chơi tham gia, nhiều cửa hàng mọc lên, loại hình bán lẻ này dần xuất hiện trên mọi nẻo đường ở khu vực Thành thị. Với trải nghiệm mua sắm nhanh, tiện và hiện đại mà loại hình này mang lại cùng với "văn hoá xe máy", liệu người tiêu dùng Việt có bỏ qua các giai đoạn phát triển của bán lẻ hiện đại và chuyển thẳng sang kênh mua sắm này hay không?!
David Anjoubault - General Manager, Kantar Worldpanel Vietnam
Nguồn Kantar Worldpanel