Sứ mệnh - nền móng cho mọi doanh nghiệp

Phần lớn các công ty, bao gồm những đơn vị hàng đầu trong bảng xếp hạng Fortune 500, đều có các tuyên bố sứ mệnh (mission statement) của riêng mình.

Theo Tiến sĩ Randell S. Hansen (tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng), tuyên bố sứ mệnh được thiết kế để cung cấp định hướng cho tổ chức. Nó hoạt động như một bàn tay vô hình hướng dẫn và giải thích lý do tồn tại của tổ chức đó. Nói tóm lại, nó trả lời câu hỏi: "Chúng ta đang kinh doanh gì?"

Cho dù xây dựng doanh nghiệp hay thương hiệu cá nhân, bạn đều cần một tuyên bố sứ mệnh. Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp và thương hiệu cần đầu tư chính là một tuyên bố sứ mệnh đã được viết cẩn thận, trước cả khi họ bắt đầu bán sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Bạn không thể xây nhà mà thiếu bản vẽ chi tiết về đường đi của tường hay sơ đồ phòng được. Bạn cũng không thể mua đồ đạc và trang trí nhà cửa khi không dám chắc mái nhà đã ổn và sàn đã lát xong. Vậy tại sao bạn lại bắt đầu kinh doanh mà không đặt nền móng trước? Đôi khi, sự hứng thú tràn ngập chúng ta và chúng ta mong mỏi bắt đầu, nhưng chẳng ai biết đi trước khi biết bò cả.

Nếu bạn không rõ về mục đích kinh doanh của mình, làm sao bạn có thể đảm bảo không vượt quá xa khỏi các giá trị cốt lõi? Sứ mệnh là chiếc la bàn giúp bạn theo sát mục đích của mình.

Sứ mệnh - nền móng cho mọi doanh nghiệp

Nếu bạn không rõ về mục đích kinh doanh của mình, làm sao bạn có thể đảm bảo không vượt quá xa khỏi các giá trị cốt lõi? Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Dưới đây là 3 lý do tại sao bạn cần có tuyên bố sứ mệnh:

Luôn tập trung

Khi xác định được sứ mệnh, tức là bạn đã xác định được lý do doanh nghiệp/thương hiệu của bạn tồn tại.

Nội dung của sứ mệnh chính là mục đích và vấn đề mà doanh nghiệp/thương hiệu của bạn muốn giải quyết. Ngoài ra, nó tạo ra một khuôn khổ để đánh giá tính phù hợp của các cơ hội và quyết định với mô hình và chiến lược kinh doanh cốt lõi của bạn.

Xác định hướng đi của doanh nghiệp / thương hiệu

Sứ mệnh sẽ luôn hướng bạn quay trở lại với mục đích chính của doanh nghiệp ngay khi bạn bắt đầu đi hơi chệch ra khỏi con đường đã định. Nó giúp mọi người rõ ràng về đường hướng của tổ chức.

Theo Andy Stanley (tác giả sách, mục sư người Mỹ nổi tiếng): "Đó là hướng đi chứ không phải ý định, nó xác định đích đến của bạn".

Đơn giản hóa quy trình ra quyết định

Một sứ mệnh rõ ràng đặt ra những ranh giới quan trọng cho phép bạn giao phó cả trách nhiệm và quyền hạn khi cần thiết.

Khi tất cả mọi người trong nhóm đều rõ về sứ mệnh, các quyết định khó khăn dường như trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu chính bạn nắm rõ được sứ mệnh của mình, bạn có thể đo lường các lựa chọn tiềm năng qua cách chúng gắn bó mật thiết với niềm tin và mục đích cốt lõi của bạn.

Sứ mệnh đối với doanh nghiệp giống như la bàn đối với nhà thám hiểm hay bản đồ đối với khách du lịch. Nó là cái khung để đưa ra các quyết định khó khăn, hay ranh giới bạn cần để kiên định con đường phải đi tương lai của mình.

Sứ mệnh đối với doanh nghiệp giống như la bàn đối với nhà thám hiểm hay bản đồ đối với khách du lịch. Nó là cái khung để đưa ra các quyết định khó khăn, hay ranh giới bạn cần để kiên định con đường phải đi tương lai của mình.

Nếu bạn còn chưa rõ làm thế nào để viết một tuyên bố sứ mệnh, hãy bắt đầu bằng cách xác định bạn là ai. Xác định cơ sở khách hàng của bạn. Sản phẩm, dịch vụ hay kỹ năng nào bạn đang cung cấp? Ở đâu và bằng cách nào? Điều gì khiến bạn khác biệt? Sau đó, hãy đưa nó vào một tuyên bố sứ mệnh đã được nghiên cứu cẩn thận. Tuy nhiên, nó cũng cần ngắn gọn, đơn giản và cụ thể.

Nếu bạn vẫn không chắc chắn về cách viết tuyên bố sứ mệnh, có thể tìm kiếm các tuyên bố sứ mệnh của một số doanh nghiệp và thương hiệu thành công mà bạn ngưỡng mộ. Lấy ví dụ từ nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm lớn nhất thế giới – Google.

Sứ mệnh của Google là sắp xếp thông tin của toàn thế giới và làm cho nó trở nên dễ tiếp cận và hữu ích khắp mọi nơi.

Tuyên bố sứ mệnh của Hãng tuy ngắn gọn và cụ thể, nhưng vẫn đủ linh hoạt để công ty phát triển và mở rộng hơn việc đơn thuần chỉ là một nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng.

Hãy nhớ, linh hoạt và sẵn sàng thay đổi là bí quyết thành công của các công ty thành công nhất.

Quỳnh Nga / Huffingtonpost
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn